Trọng tâm trong hợp tác kinh tế Việt - Đức hậu đại dịch là "phục hồi xanh"
Nhiều cơ hội trong hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Đức
CHLB Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Khối lượng thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đạt 13,2 tỷ euro vào năm 2020, theo đó, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong số các nước ASEAN và thứ 6 ở châu Á. Đầu tư của Đức vào Việt Nam đã tăng gấp 1,7 lần trong 10 năm qua.
Trong lĩnh vực đầu tư, Đức đã vươn lên vị trí thứ ba trong EU với 391 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 2,22 tỷ USD tại 38 tỉnh, thành của Việt Nam.
Các đại biểu Đức và Việt Nam tham dự toạ đàm “Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt Nam - Đức trong bối cảnh Việt Nam và EU ký kết FTA và IPA” do Hội hữu nghị Việt Nam - Đức tổ chức. |
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 41 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 218 triệu USD. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Cùng với thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Trên tinh thần đối tác tin cậy và hiệu quả, Đức đã dành nguồn vốn ODA trị giá hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Có thể thấy, những thành tựu trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước là rất lớn. Tuy nhiên, cơ hội để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này cũng còn rất đáng kể.
Trọng tâm hậu đại dịch là "phục hồi xanh"
Đóng góp vào những thành công lớn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, Hội hữu nghị Việt Nam - Đức đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Theo đó, dù dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng Ban thường vụ Hội dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức Nguyễn Chí Dũng đã nỗ lực đổi mới hoạt động, chuyển hình thức giao lưu, tiếp xúc trực tiếp sang làm việc online hoặc gián tiếp để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
Nhờ đó, Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động chính trên các mảng khác nhau, trong đó có những hoạt động nổi bật như: phối hợp với Viện FES (CHLD Đức) tổ chức Toạ đàm “Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt Nam-Đức trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh Châu Âu ký kết FTA và IPA”.
Trong thời gian tới, Hội hữu nghị Việt - Đức xác định trọng tâm công tác là không chỉ giới hạn các hoạt động trong lĩnh vực đoàn kết hữu nghị mà phải hướng tới bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để huy động được nguồn lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý để phục vụ đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Ngài Guido Hildner - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của Hội hữu nghị Việt – Đức trong việc là cầu nối, góp phần tăng cường tình cảm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner.. |
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho rằng Phục hồi kinh tế sau đại dịch đi kèm với nhiệm vụ khắc phục biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia. Bởi điều này giúp kiến thiết nền kinh tế với mục tiêu trung hòa khí hậu và thân thiện với môi trường.
Trọng tâm ở đây là: “Phục hồi xanh”. Đây không chỉ là một điều cần thiết do các yêu cầu về khí hậu mà còn xuất phát từ các lí do kinh tế. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang cải tổ theo mục tiêu này. Nhiên liệu hóa thạch đang trở thành quá khứ. Quốc gia nào muốn kiến thiết một nền kinh tế hiện đại và có khả năng cạnh tranh thì cần ngưng sử dụng năng lượng hóa thạch.
Đại sứ Guido Hildner cho rằng tương lai thuộc về năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực này, Đức và Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác. Tại Đức, các loại năng lượng tái tạo như điện gió, thủy điện, điện mặt trời và điện sinh khối hiện đã chiếm tỉ trọng 46% tổng sản lượng điện và sẽ tiếp tục gia tăng.
Thêm vào đó là nguồn năng lượng mới của tương lai: Hydro xanh. Đến cuối năm 2022, Đức sẽ từ bỏ năng lượng nguyên tử và muộn nhất là đến năm 2038 sẽ ngưng sử dụng năng lượng từ than. Đến năm 2045, Đức muốn đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu.
Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ trong việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Điều này cần được tiếp tục thúc đẩy. Một nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm mạng lưới điện và tăng cường hiệu quả năng lượng. Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Để thực hiện được điều này, trong thời gian tới, các chuyên gia của Hội hữu nghị Việt - Đức cho rằng doanh nghiệp hai nước cần có nhiều thông tin hơn về các dự án, nhu cầu đầu tư. Chính vì vậy, Hội hữu nghị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tọa đàm để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm thông tin. Từ đó có được những cơ hội hợp tác hiệu quả.