Trao tặng 4 kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, ngày 21/7, nhà văn, nhà báo, đại tá Đặng Vương Hưng, đã trao tặng 4 kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Các kỷ vật gồm: Tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm, phong bì có bút tích của ông Carl W Greifzu – cựu binh Mỹ, người đã lưu giữ tập bản thảo trong suốt 30 năm, lọ hoa của bà Hà Thị Quế và 20 lá thư của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Tạ Lưu.
Đại tá Đặng Vương Hưng trao tặng các kỷ vật chiến tranh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng PNVN)
Nhật kí của Thùy Trâm là tập bản thảo dịch tiếng Anh viết tay gốc cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được Đại tá Đặng Vương Hưng trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Kèm theo đó là một phong bì có bút tích của ông Carl W. Greifzu – cựu chiến binh Mỹ, người đã lưu giữ tập bản thảo trong suốt hơn 30 năm và trực tiếp giao lại cho nhà văn Đặng Vương Hưng.
Tháng 9/1971, Carl W. Greifzu có cơ duyên khi được Fredric Whitehurst, lính Mỹ tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi gửi giữ hộ cuốn sổ tay của bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Ông đã nhờ vợ là bà Trần Thị Kim Dung, một người Việt Nam, đọc cho nghe từng đoạn của cuốn nhật ký. Càng ngày những dòng nhật ký chân thật về cuộc sống nơi chiến tuyến càng cuốn hút ông.
Nhận ra giá trị của di vật, Carl W. Greifzu đã đề nghị vợ dịch toàn bộ nội dung cuốn nhật ký ra giấy bằng tiếng Anh với mong muốn để nhiều người, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ cùng được đọc, giúp họ hiểu thêm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Bên cạnh bản thảo cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Đại tá Đặng Vương Hưng còn trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 20 lá thư của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Tạ Lưu và vợ là y tá Cao Thị Nhu gửi cho nhau trong thời gian cứu chữa thương binh sau kháng chiến chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ.
Tháng 7/1954, kết thúc chiến dịch Trung Lào, bệnh viện dã chiến giải thể, bác sỹ quân y Tạ Lưu được điều động về tăng cường cho viện K43 ở Thanh Chương, Nghệ An trong thời gian 7 tháng. Tại đây, dù có thành ý với y tá Cao Thị Nhu nhưng do bản tính nhút nhát nên đến khi sắp chuyển công tác ra miền Bắc, hai người mới có dịp tìm hiểu nhau. Ngay sau khi về đơn vị, bác sĩ Tạ Lưu đã viết hàng trăm lá thư gửi cho người yêu. Có những ngày ông viết tới 2 – 3 lá. Trong thời gian yêu nhau, từ năm 1955 và cả đến khi đã kết hôn, vì hoàn cảnh chiến tranh nên hai người vẫn thường xuyên viết thư cho nhau.
Những bức thư của vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu không chỉ thể hiện tình cảm sâu đậm của những người thương mà còn mang tinh thần lạc quan, yêu đời của anh bộ đội Cụ Hồ, mặc cho mưa bom bão đạn vây quanh vẫn phơi phới hướng tới tương lai.
Vợ chồng bác sĩ Tạ Lưu đã gìn giữ tất cả những lá thư và kỷ vật trong kháng chiến, họ đã cung cấp nhiều hiện vật cho các bảo tàng để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và giữ nước cho các thế hệ mai sau.
Bào tàng Phụ nữ Việt Nam cũng tiếp nhận 1 lọ hoa của bà Hà Thị Quế – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – được làm từ xác máy bay nhân kỷ niệm quân dân tỉnh Ninh Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.700 trên toàn miền Bắc. Bà Hà Thị Quế đã tặng chiếc lọ cho ông Đặng Văn Chấn (1920 – 2003) là người cha của Đại tá Đặng Vương Hưng. Chiếc lọ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử vì được làm từ xác máy bay Mỹ mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc khi được ông Chấn trang nghiêm đặt lên bàn thờ như một di vật của gia đình.
Hoàng Hà (t/h)