Tranh luận về đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài
Tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, trong đó có nội dung xây dựng trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, đề nghị quy định rõ chỉ tiêu từ nay tới 2035 sẽ xây dựng bao nhiêu trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, đây là ý tưởng hay nhưng không mới và khó khả thi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: VOV) |
Theo ông Hiếu, đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ. Tuy nhiên, mối lo lớn hơn là duy trì và phát triển hiệu quả. Cụ thể, một là lựa chọn, tìm ra được người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này. Thứ hai là vấn đề nhiệm kỳ - rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.
Ông Hiếu gợi ý: Nhà nước có thể hỗ trợ cho các hội đoàn người Việt và các nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ tại các nước và họ tự trang trải kinh phí bằng chính các dịch vụ như nhà hàng ẩm thực, cafe, siêu thị hàng Việt Nam.
Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng nên tập trung vào những chương trình cụ thể như dạy tiếng Việt ở những nước có nhiều người Việt Nam sinh sống, hay hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có khả năng triển khai dạy tiếng Việt.
Một vấn đề khác để phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm ra thế giới là lựa chọn phương án thông qua các sản phẩm nghệ thuật như các triển lãm tranh, các chương trình văn nghệ, các bộ phim... Tuy nhiên, ông cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch tổng thể, tránh lãng phí nhưng cũng hạn chế sự xin - cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Ông Hiếu cũng cho rằng, hiện rất nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy. Theo ông, cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội của người Việt rộng khắp trên thế giới.
"Đầu tư bài bản, tường minh, xuất phát từ con người thì chúng ta mới chấn hưng được nền văn hóa đang còn quá nhiều vấn đề", ông Hiếu nói.
Tranh luận thêm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) bày tỏ quan điểm, đầu tư các trung tâm văn hóa mà chưa làm rõ bản sắc quốc gia sẽ làm giảm hiệu quả.
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ nên ưu tiên cho việc hoàn thiện các công trình thiết yếu trong nước nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phát triển vững chắc ở nội tại của đất nước; và có lộ trình đầu tư các thiết chế văn hóa ở nước ngoài phù hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Quan tâm đến vấn đề này, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tán thành đề xuất của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về quan tâm phát triển các hội đoàn người Việt ở nước ngoài, phát triển các lớp dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Một độc giả tên N.T.H.P sống ở thành phố Ufa, Liên bang Nga cho biết: Với sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, sự chủ động của Hội người Việt tại Ufa, các lớp tiếng Việt hè được tổ chức đều đặn, hoạt động cộng đồng diễn ra thường xuyên. Bà con nhắc nhở nhau tuân thủ luật pháp, từ đó tạo được ấn tượng tốt trong mắt người dân bản địa.
Một số ý kiến khác cho rằng trước mắt cần làm tốt văn hoá trong nước, thực hiện hiệu quả công nghiệp văn hoá để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Đầu tư vào nâng cấp văn hoá con người bằng giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, nâng cao sức khoẻ, cải thiện môi trường sống...