Tránh bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Mong ước có thể nhanh thay đổi cuộc sống bằng công việc ổn định, “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người lao động đã tin vào những thông tin đầy hấp dẫn trên mạng xã hội và “sập bẫy”. Gần đây nhất, đó là vụ 42 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi Casino Rich World thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia, để về nước (trong đó, 1 người bị mất tích, 1 người bị bảo vệ Casino Rich World bắt trở lại).
Liên quan đến vụ 40 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua sông Bình Di, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chiều 23/8/2022, Công an huyện An Phú trao hỗ trợ tiền cho 40 người để làm chi phí trở về các địa phương nơi họ cư trú. |
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, khoảng 9 giờ ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đóng tại khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ 40 người (35 nam và 5 nữ) từ Casino Rich World bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Bước đầu, những người này khai nhận do tin vào những lời chào mời hấp dẫn tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương từ 700 - 1.000 USD/tháng trên mạng xã hội nên họ đã vượt biên trái phép sang Campuchia. Tại Campuchia, công việc hàng ngày của họ là làm game online và lên các trang mạng theo sự chỉ đạo của Casino. Thậm chí, nhiều người bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, mỗi ngày làm việc 15 giờ, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam. Nhóm người này còn khai bị những đối tượng bên Casino hành hung, đánh đập dã man khi họ không hoàn thành nhiệm vụ. Chính trong môi trường đầy áp lực và bị đối xử thậm tệ, không được nghỉ ngơi, không được trả lương, nên nhóm người này thống nhất bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.
Dân làng Kloong ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) ngóng chờ người thân trở về sau khi bị lừa sang Campuchia. |
Trước đó, tại Gia Lai, chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lạ trên mạng xã hội về “việc nhẹ, lương cao”, 7 thanh niên người dân tộc thiểu số tại làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai đã bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia lao động bất hợp pháp.
Sau khi đưa sang Campuchia, những nạn nhân này bị buộc làm việc trên máy tính, giao chỉ tiêu "trên trời" lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, những nạn nhân này sẽ bị đánh đập, bỏ đói, chích điện rồi bán sang các công ty khác để làm việc nặng nhọc, khổ sai. Và nếu chạy trốn, bọn chúng sẽ dùng những cực hình dã man hơn để hành hạ nạn nhân. Như một kế hoạch có sẵn, phân cảnh cuối, bọn chúng đưa ra sự lựa chọn sống cho các nạn nhân là liên lạc về gia đình, nộp tiền chuộc thân với giá hàng chục thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng.
Một gia đình ở Gia Lai có người thân bị lừa sang Campuchia. |
Tại Tây Ninh, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn tỉnh có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải trả tiền chuộc. Công an tỉnh Tây Ninh nhận định, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép qua Campuchia lao động trên tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Thông qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat, Telegram..., các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao và mọi chi phí đi lại được chi trả trước. Khi người tìm việc đồng ý, các đối tượng ở Campuchia móc nối với các đối tượng ở Việt Nam tổ chức thành đường dây sắp xếp, hướng dẫn đưa họ xuất cảnh bằng các đường tiểu ngạch trái phép sang Campuchia. Khi sang nước bạn, người lao động bị mua bán qua lại.
“Khi người lao động sang Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Những trường hợp gia đình không có tiền chuộc thì các nạn nhân đó sẽ bị trừng phạt theo kiểu "xã hội đen”, Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết.
Như vậy, với chiêu trò đăng tin “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, thời gian qua nhiều người lao động không chỉ tại An Giang, Gia Lai, Tây Ninh, mà cả ở Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bắc Giang… đã trở thành nạn nhân của các đối tượng môi giới trong các đường dây đưa người xuất cảnh trái phép. Nhiều nạn nhân đã được hỗ trợ đưa về địa phương an toàn, nhưng có thể, họ vẫn chưa phải là những nạn nhân cuối cùng. Và thậm chí, dù đã được trở về nhà, các nạn nhân vẫn bị ám ảnh sau những ngày làm việc tại "thiên đường" này.
Hơn một tháng sau khi được giải cứu khỏi Campuchia, trên tay của em P.H.N (sinh năm 2005, trú thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn những vết sẹo cháy xém do bị chích điện khi không hoàn thành “chỉ tiêu” lao động. Cùng với nỗi đau thể xác là nỗi ám ảnh tinh thần về những ngày lao động tại "xứ người".
Nạn nhân P.H.N (sinh năm 2005, trú xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) kể về thời điểm bị các đối tượng chích điện khi không hoàn thành chỉ tiêu công việc bị giao. |
Theo lời kể của em P.H.N, vào đầu tháng 6/2022, ngay sau khi lên mạng xã hội tìm thông tin việc làm, đã có một tài khoản Facebook nhắn tin đến giới thiệu việc làm tại Campuchia cùng những lời dụ dỗ hấp dẫn như "làm việc trên máy tính, ở văn phòng, cùng các chế độ tiền lương, phúc lợi hấp dẫn". Đến ngày 2/6, theo hướng dẫn, em P.H.N bắt xe vào Đồng Nai và được các đối tượng đưa xuống tỉnh Long An để xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Ở đây, em làm việc trong một công ty tại tỉnh Preah Sihanuok.
Công việc của em P.H.N là lập các tài khoản Zalo, Facebook giả danh nữ, sau đó tìm kiếm, kết bạn, làm quen với các đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài, dụ dỗ tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền. Do không đạt yêu cầu lao động của chủ đặt ra nên em P.H.N đã bị nhốt, bỏ đói, đánh đập, chích điện tại công ty làm việc. Sau đó, các đối tượng buộc em P.H.N liên hệ với người thân tại quê nhà, phải chuyển 100 triệu đồng cho công ty để được về Việt Nam. Sau khi chuyển đủ số tiền 100 triệu đồng, các đối tượng lừa đảo đã bán em P.H.N cho một công ty khác. Do đó, người nhà em đã phải chuộc lần hai với số tiền hơn 60 triệu đồng. Đến ngày 14/6, em P.H.N được thả và trở về Việt Nam.
Với Y Liên (sinh năm 2006, trú làng Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cũng vậy. Hơn hai ngày sau khi được Bộ đội Biên phòng Việt Nam phối hợp cùng lực lượng chức năng nước bạn giải cứu (ngày 20/8/2022, Y Liên được đưa về Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh), Y Liên vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về chuỗi ngày làm việc tại Campuchia. Em phải làm việc từ 13 - 16 giờ/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Nhiệm vụ của em là phải lên mạng xã hội kết bạn, lôi kéo được ít nhất một khách nạp tiền vào app trong một tháng, nếu không làm được thì em sẽ bị bán cho công ty khác. Do không đáp ứng được yêu cầu, Y Liên đã bị bán cho 6 công ty khác nhau với mức giá tăng dần, từ 1.800 USD ở công ty đầu tiên lên 2.800 USD ở công ty thứ hai…
Puih Thái được lực lượng chức năng giải cứu thành công từ Campuchia. |
Hay với các nạn nhân ở Gia Lai, những ngày qua cũng trở thành nỗi ám ảnh của họ. Ngày được các lực lượng chức năng hỗ trợ trao trả về địa phương có lẽ sẽ trở thành ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời họ.
Theo ghi nhận của phóng viên, 5 giờ 30 phút ngày 7/7, xe chở 5 nạn nhân về đến Đồn Biên phòng Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai). Bước xuống xe là 5 gương mặt thất thần, vẫn còn vương sợ hãi, đang ngơ ngác tìm người thân. Mỗi người một chiếc balo, các em run rẩy vì mưa lạnh, được các anh biên phòng chuẩn bị sẵn nước, sữa, bánh mì, bánh ngọt để ăn cho đỡ đói.
Năm nạn nhân trở về gồm: Puih Đại (sinh năm 1998), Puih Môi (sinh năm 2004), Puih Juội (sinh năm 2003), Puih Chiêu (sinh năm 2000) và Puih Gun (sinh năm 1995). Trước đó, hai thanh niên cùng làng là Puih Thái (sinh năm 1994) và Puih Phú (sinh năm 2006) cũng đã được chính quyền địa phương hỗ trợ trở về nhà an toàn vào ngày 3/7.
Các nạn nhân được lực lượng biên phòng hỗ trợ đưa về địa phương an toàn từ việc tiếp nhận từ cảnh sát biên phòng Campuchia. |
Khi được hỏi về những chuỗi ngày bị giam cầm, đánh đập, cả 5 thanh niên đều trầm ngâm, không khí trong phòng chờ như "đóng băng" lại. Puih Đại vừa khóc, vừa kể về những ngày kinh hoàng bên đất khách: "Chúng tôi được về nhà là mừng lắm rồi. Nghĩ lại mấy ngày ở bên Campuchia mà dài như cả thế kỷ. Cứ ngỡ tìm được việc làm lương cao nên mấy anh em trong làng rủ nhau đi. Bây giờ nghiệm lại mới biết mình bị lừa từ ban đầu. Chúng tôi bị bắt làm việc trên các trang mạng xã hội, trong một căn phòng lớn khoảng hơn 100 người. Nhưng chúng tôi đâu có được học hành để biết làm việc trên máy vi tính nên bị đánh đập, bị bỏ đói mấy ngày trời, rồi còn bị chích điện tưởng chết đi sống lại. Chúng còn dọa bán sang nước khác để đi đánh cá ngoài biển. Biết gia đình không có tiền, nhưng bọn chúng ép gọi về nhà liên tục để đưa tiền chuộc cho chúng”.
Puih Chiêu, Puih Môi, Puih Juội chỉ vào những mảng tím bầm trên cơ thể do bị đánh, rồi những chỗ đau nhức khi bị chích điện. Ai nấy đều chưa hết hoảng loạn, giọng vẫn run run kể về những ngày bị nhốt trong căn phòng không có chỗ đi vệ sinh, không có nước uống. Không biết tiếng nước ngoài, để van xin họ, các nạn nhân chỉ biết dùng cử chỉ quỳ lạy. Khi đó, ai cũng nghĩ là sẽ không bao giờ được trở về quê nhà nữa.
Các vụ việc lừa đảo, xuất nhập cảnh trái phép đi làm việc tại nước ngoài vẫn đang được các lực lượng chức năng vào cuộc rốt ráo, hỗ trợ đưa các nạn nhân về với gia đình, xử lý nghiêm các vi phạm, tiếp tục đưa ra các cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất các vụ việc đáng tiếc tương tự có thể xảy ra.
Theo đó, vụ việc 7 thanh niên ở Gia Lai bị lừa sang Campuchia tìm “việc nhẹ, lương cao”, Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội danh "Mua bán người" theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồn Biên phòng Ia O cũng bàn giao hồ sơ vụ án cùng đối tượng Trần Quang Quyết (sinh năm 2001, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.
Đối tượng Trần Quang Quyết tại Đồn biên phòng Ia O, Biên phòng tỉnh Gia Lai sáng 6/7. |
Vụ 40 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam, thông tin ngày 21/8 từ Công an tỉnh An Giang cho thấy, qua lời khai của các nạn nhân và tài liệu chứng cứ thu thập được, bước đầu Cơ quan điều tra xác định vụ có dấu hiệu của tội phạm mua bán người và tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Chiều 20/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự hai đối tượng là Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1980) và Lê Văn Danh (sinh năm 1988) cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang về hành vi "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân đang tiếp tục được đẩy mạnh. Mới đây, thông tin về công tác bảo hộ trong vụ việc nhóm công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi Casino Rich World ở Campuchia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cho biết: Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia liên hệ với cơ quan chức năng sở tại làm rõ thông tin, kiểm tra cơ sở này; đề nghị phía Campuchia hỗ trợ tìm kiếm người bị mất tích cũng như điều tra nguyên nhân vụ việc đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp bảo hộ công dân. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan trong nước nhanh chóng xác minh nhân thân những người đã về nước, tìm hiểu thông tin để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân tiếp theo.
Lực lượng chức năng nắm bắt thông tin và tuyên truyền đến dân làng Kloong ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai. |
Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cũng đã tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân Việt Nam, đề nghị cơ quan chức năng nước sở tại xử lý nhanh chóng, chính xác và đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng Campuchia, đề nghị sớm điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên trong vụ việc, đặc biệt là trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động (Casino Rich World) và sớm thông báo kết quả cho phía Việt Nam. Đồng thời đề nghị có kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ, rà soát cơ sở sử dụng lao động, tăng cường lực lượng để trấn áp, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sử dụng lao động bất hợp pháp và hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là các trường hợp bị bóc lột, cưỡng bức lao động.
Ngoài ra, việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn nạn mua bán người cũng sẽ góp phần bảo vệ người lao động. Thống kê từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Trong sáu tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội phạm có liên quan đến mua bán người; đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ mua bán đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ...
Bộ đội Biên phòng Đắk Nông cấp phát tài liệu tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người Việt Nam sang nước ngoài lao động. |
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Bên cạnh việc thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn các vấn đề về phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép.
Còn tại các địa phương có người lao động bị lừa đi lao động bất hợp pháp, việc cảnh báo tránh sập bẫy “việc nhẹ, lương cao” cũng được nâng cao. Ngày 26/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông phối với chính quyền xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông) tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua, bán người và xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới cho đội ngũ bí thư, trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội, người dân địa phương. Tại buổi tuyên truyền, các cán bộ Bộ đội Biên phòng đã cấp phát tài liệu tuyên truyền, đồng thời cung cấp thông tin để người dân nhận diện, phòng tránh tội phạm mua bán người, nhất là phương thức, thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người Việt Nam sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” tại các công ty, sòng bạc…
Tại Đắk Lắk, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân hết sức cảnh giác với các thủ đoạn dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia nói riêng và các hoạt động xuất cảnh trái phép đi làm chui tại nước ngoài nói chung. Khi phát hiện có đối tượng dụ dỗ qua mạng xã hội facebook hoặc điện thoại đề nghị, mọi người cần cảnh giác và trình báo với cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Công an xã và lực lượng biên phòng thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân sau khi trở về địa phương. |
Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, từ giữa tháng 6/2022, phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cảnh báo người dân khi có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, hợp đồng lao động. Cùng với đó, người dân cần kiểm tra thông tin công việc, nơi làm thông qua chính quyền địa phương hoặc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể. Người dân cần phải thật sự tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội, có kiểm chứng để tránh sự việc đáng tiếc như trên.
Công an tỉnh Tây Ninh cũng khuyến cáo người dân không nên nghe theo lời lôi kéo của các đối tượng xấu xuất cảnh trái phép sang Campuchia để tìm việc làm, nhằm tránh rơi vào bẫy của bọn mua bán người. Đồng thời, đề nghị người dân không tiếp tay, giúp đỡ cho số đối tượng đưa người xuất cảnh trái phép. Khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu đưa người xuất cảnh trái phép phải thông báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, triệt xóa hành vi kể trên.
Bên cạnh đó, người lao động khi có nhu cầu xuất khẩu lao động, đi làm việc ở nước ngoài cần thông qua các công ty xuất khẩu lao động được pháp luật cho phép để tìm việc làm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tránh bị kẻ xấu lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản, xâm hại sức khỏe, xâm hại tình dục hoặc có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Các phụ huynh cần quan tâm, quản lý, giáo dục con em, nhất là các em ở độ tuổi mới lớn cần đề phòng, cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, kết bạn với những đối tượng khả nghi. Đồng thời phối hợp với nhà trường để hiểu tâm lý cũng thời gian sinh hoạt của các em tránh để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo.
Ngày trở về với gia đình của những nạn nhân ở Gia Lai. |
Cảnh báo chiêu lừa tiền qua tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" Ngày 12/7, Công an quận Long Biên (Hà Nội) thông tin đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng với thủ đoạn hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. |
Ngày 15/7: giá vàng trong nước giảm nhẹ, nhưng đắt hơn thế giới 19,59 triệu đồng/lượng Sáng 15/7, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm nhẹ. Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng hồi phục, nhưng vẫn đang rất khó khăn để tìm động lực tăng giá sau khi lạm phát của Mỹ tăng 9,1% trong tháng 6/2022. |