Trạng Bịu đi sứ đòi đất cho vua Nam
Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719) người thôn Hoài Thượng, tên nôm là “Bịu Thượng” nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Vì thế dân gian gọi ông là Trạng Bịu. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Năm 16 tuổi Nguyễn Đăng Đạo đi thi và đỗ tam trường (tú tài). Năm 19 tuổi lại đỗ đầu hương cống (cử nhân), được triều đình cho vào học tại Quốc Tử Giám. Năm Chính Hòa thứ 4 (Quý Hợi, 1683) ông thi Đình và đỗ Trạng nguyên.
Nhà thờ họ Nguyễn Đăng ở xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: KT). |
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về cuộc đi sứ của Nguyễn Đăng Đạo vào năm 1697, khẳng định tài tranh biện của ông trong cuộc thương lượng đòi lại ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp, Phổ Viên thuộc xứ Tuyên Quang bị nhà Thanh chiếm trái phép cho vua nước Nam.
Nguyễn Đăng Đạo đã bàn luận với các quan trong triều Thanh, trình bày những bằng chứng để chứng minh ba động đó là của nước Đại Việt. Nhưng quan lại nhà Thanh đem bản đồ Vân Nam có vẽ ba động của nước Đại Việt và nói với vua nhà Thanh rằng: Ba động ấy là của Trung Hoa từ đời nhà Minh, nếu sứ thần nước Đại Việt đòi mà vua chịu trả thì sau này họ đòi cả Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) là đất của Triệu Đà nước Nam Việt ngày xưa thì Trung Hoa cũng phải trả à? Vua nhà Thanh nghe vậy bèn gạt việc đòi đất đi.
Tuy chưa đòi được đất nhưng thư của vua Nam đã đến tận tay vua Thanh. Lý lẽ của Nguyễn Đăng Đạo làm cho vua Thanh phải để ý đến việc đất đai vùng biên giới và phải khen tài ứng đối, biện bác xuất sắc của Nguyễn Đăng Đạo đã thể hiện văn tài của trạng nguyên nước Nam. Tương truyền, vua Thanh đã phong cho Nguyễn Đăng Đạo là trạng nguyên của Bắc triều, ban mũ áo võng lọng và cho ông vinh quy về nước.
Sau khi ông mất, vua Lê Dụ Tông ban tặng 4 chữ vàng “Lưỡng quốc trạng nguyên”, treo tại nhà thờ ông ở thôn Hoài Thượng (Bắc Ninh). Ông cũng được dân làng thờ làm thành hoàng làng.