TP HCM sẽ đón một làn sóng dịch mới trong vòng 3 tháng tới?
Đơn vị Mô hình hoá Dịch tễ tại Đại học Monash (Australia) mới đây vừa công bố một bản báo cáo dự đoán diễn tiến dịch COVID-19 tại TPHCM trong giai đoạn tính từ thời điểm hiện nay đến cuối tháng 3/2022.
Báo cáo này được thực hiện bởi NCS. ThS. Ngô Hoàng Anh và TS. Romain Ragonnet với sự cộng tác của TS. BS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam trong vai trò đầu mối dữ liệu và tư vấn về các kịch bản chính sách.
Đơn vị Mô hình hoá Dịch tễ là một cơ sở nghiên cứu uy tín trực thuộc Đại học Monash (Australia). Ảnh: Monash University |
8 kịch bản cho TP HCM trong 3 tháng tới
Theo đó, nhóm chuyên gia đã thể hiện dữ liệu di chuyển thông qua cả hai bộ dữ liệu, bao gồm: dữ liệu Google Mobility và dữ liệu Facebook Movement Range Map. "Micro-distancing" (Giãn cách xã hội tại phạm vi nhỏ) được dùng để thể hiện các hành vi ngăn cách sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, như: giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đúng cách,... và sẽ được thể hiện thông qua các Chỉ thị của chính quyền TP HCM cũng như mức độ đáp ứng của người dân đối với mức độ nghiêm trọng của đợt dịch.
Dựa trên các chính sách được ban hành bởi Bộ Y tế, UBND TP HCM và Sở Y tế, nhóm chuyên gia đã đề ra 8 kịch bản chính sách khác nhau liên quan đến tiêm mũi tăng cường, mở cửa trường học, giãn cách xã hội. Quan trọng hơn cả là sự xuất hiện của biến thể Omicron cũng được đưa vào các kịch bản dịch bệnh COVID-19 xảy ra tại TP HCM.
Nhóm chuyên gia đã đưa ra các giả định như sau: tất cả các kịch bản đều được bắt đầu từ ngày 1/12/2021; 60% và 90% trẻ em tuổi 12-17 sẽ được tiêm vào các ngày 15/12/2021 và 31/1/2022 tương ứng; mỗi tháng sẽ có thêm 400.000 người tuổi từ 18 trở lên sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19; và trường học sẽ được mở cửa bắt đầu từ 13/12/2021 theo tiến độ khoảng 30% học sinh trở lại trường học mỗi 2-3 tuần.
Từ 8 kịch bản chính sách nêu trên, nhóm chuyên gia nhận định rằng, kịch bản tốt nhất là kịch bản 1 khi chính quyền TP HCM nhanh chóng bao phủ mũi vắc-xin nhắc lại, dữ liệu di chuyển không tăng về mức trước dịch và biến thể Omicron không xuất hiện tại Việt Nam.
Với biến thể Omicron , nhóm nghiên cứu giả sử rằng, tỉ suất tiếp xúc (thể hiện cho khả năng lây truyền) cao hơn gấp 5 lần, trong khi tỉ lệ tử vong là tương đương với biến thể COVID-19 trước đó như Delta thì "với số lượng đột biến cao bất thường như vậy, sẽ có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch của cơ thể".
Các kịch bản do nhóm nghiên cứu đưa ra. Ảnh: EMU - Monash University |
Trong những ngày gần đây, giới khoa học quốc tế đã có những hiểu biết và nhận định ban đầu về biến chủng mới Omicron, và nhận thấy rằng, hiệu quả của vắc xin Pfizer – BioNtech và AstraZeneca thấp hơn đáng kể với biến thể này, "và nếu điều này thực sự xảy ra, tình hình sẽ xấu hơn", báo cáo của Đơn vị Mô hình hoá Dịch tễ tại Đại học Monash nhận định.
Tiêm vắc xin bổ sung mũi 3 là giải pháp hữu hiệu
Nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng đã đưa ra một số kết luận ban đầu với dự đoán rằng, từ thời điểm hiện nay đến cuối tháng 3/2022, "nhiều khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra".
Theo đó, độ lớn của làn sóng dịch này phụ thuộc hoàn toàn vào việc thực thi biện pháp phòng chống dịch của TP HCM. Bên cạnh đó, với các kịch bản chính sách được đưa ra trong báo cáo thì từ 1/12/2021 đến 30/6/2022, số ca nhiễm SARS-CoV 2 ghi nhận được sẽ dao động từ 700.000 – 1.200.000, số ca tử vong do COVID-19 có thể đạt mức cao nhất lên đến 26.000 ca. Ngành y tế của thành phố cũng cần chuẩn bị ít nhất là 1.700 giường hồi sức cấp cứu (bao gồm các giường ECMO, thở máy xâm lấn và không xâm lấn).
“Hiện vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vắc xin hiện có với biến thể Omicron nên các ước tính trên chỉ dựa vào giả định tạm thời. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, hệ thống y tế của TP HCM sẽ chịu áp lực rất lớn, cùng với đó là số ca tử vong sẽ tăng gấp 1,5 đến 2 lần”, báo cáo nhận định.
Tiêm mũi tiêm tăng cường cho nhóm cho nguy cơ cao là một trong những giải pháp hữu hiệu chống lại làn sóng COVID-19 mới. Ảnh: Medinet |
Nhóm chuyên gia nghiên cứu cũng đề xuất một số khuyến nghị, trong đó, biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu và khả thi nhất là nhanh chóng tiêm chủng bổ sung mũi 3 sau 6 tháng, tập trung cho nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền, người tiêm các loại vắc xin có hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng lưu ý, cần hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong phòng kín. Di chuyển không cần thiết, nhất là trong dịp Giáng sinh và năm mới đang đến rất gần, cũng là điều cần phải hết sức hạn chế.
Trong cuộc họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM với các địa phương trên địa bàn thành phố hôm 15/12, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là với sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Tại TP HCM, tình hình dịch COVID-19 diễn biến tương đối giống như với thế giới – lúc tăng lúc giảm không ổn định. Ttuy nhiên, TP HCM đã cơ bản kìm chế số ca mắc, số trường hợp tử vong. Dẫn lại dự báo của các chuyên gia thuộc Đại học Monash (Australia), Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, đây là sự cảnh báo cần thiết để TP HCM quyết tâm, nỗ lực cũng như có sự chuẩn bị để không rơi vào các tình huống đó. “Chúng ta biết và cố gắng đề phòng tình huống xấu, nỗ lực hành động để tránh rơi vào tình huống xấu, chứ không phải là tránh né không nói đến. TP HCM cảm ơn sự cảnh báo của các chuyên gia”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm.
|
Cách ly tại nhà 3 ngày với người nhập cảnh tiêm đủ vaccine, xét nghiệm PCR âm tính Theo văn bản mới ban hành của Bộ Y tế, kể từ 1/1/2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày. |
Bộ trưởng Anh tiết lộ mức lây nhiễm Omicron "siêu khủng" Số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra ở Anh hiện vọt lên mức 200.000 ca/ngày, chiếm tỉ lệ áp đảo tổng số ca nhiễm được ghi nhận. |
Nhiều giải pháp hỗ trợ giáo viên người nước ngoài thất nghiệp vì COVID-19 tại Hà Nội và TP. HCM Dịch bệnh COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, trong đó nghề giáo viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hoạt động dạy và học bị tạm ngừng. Điều này đặc biệt khó khăn với giáo viên là người nước ngoài đang giảng dạy tại các trung tâm anh ngữ, cơ sở giáo dục ngoài công lập. |