Tổng Giám đốc EVNGENCO1: Bộ Công thương cần ủy quyền hơn nữa cho chúng tôi
Trách nhiệm thuộc về ai nếu xảy ra thiếu điện? Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước sang năm 2022, trong khi một số ngành đang kỳ vọng phục hồi trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cơ bản thì với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đây lại là thời điểm “đau đầu” nhất khi đối mặt nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là với miền Bắc. |
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty phát điện 1 (EVNGENCO1) |
Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xin ông cho biết khái quát kết quả hoạt động của EVNGENCO1 đến thời điểm này?
Tính đến hết tháng 10/2021, trước khó khăn chung là tình hình dịch bệnh Covid – 19 khiến công tác cung ứng than nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc giá than nhập khẩu tăng cao và phụ tải khu vực miền Nam giảm thấp nhưng các nhà máy của EVNGENCO1 đã hoàn thành tốt kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa, nhờ đó các tổ máy vận hành ổn định, có hệ số khả dụng cao.
Lưu lượng nước về một số hồ chứa tương đối tốt giúp các nhà máy thuỷ điện hoạt động hiệu quả, trong đó Công ty thuỷ điện Đại Ninh đã hoàn thành kế hoạch năm 2021 trước 3 tháng, Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi hoàn thành kế hoạch năm 2021 trước 2 tháng, Công ty Thủy điện Đồng Nai hoàn thành kế hoạch trước 55 ngày. Tổng sản lượng điện EVNGENCO1 sản xuất được 10 tháng đầu năm 2021 là 31,7 tỷ kWh, đạt 80% kế hoạch năm là 39,75 tỷ kWh.
Công tác cung ứng than nội địa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất điện và nâng tồn kho. Để khắc phục khó khăn do giá than nhập khẩu tăng cao, Tổng công ty đã và đang thực hiện linh hoạt các giải pháp trên cơ sở yêu cầu của hệ thống nhằm đạt tồn kho trên mức tối thiểu vào ngày 31/12/2021 để đảm bảo vận hành mùa khô năm 2022.
Trong công tác đầu tư xây dựng, tổ máy 80MW Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim đã đưa vào vận hành thương mại đúng công suất thiết kế. Việc quyết toán giai đoạn cuối của Dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 cũng đã được EVN phê duyệt.
EVNGENCO1 cũng đã phê duyệt một số đề án lớn, như: Đề án chuyển đổi số; Đề án Quản trị chi phí; Đề án xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt … nhằm hướng tới nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả làm việc của Tổng công ty.
Theo dự báo của cơ quan chức năng thì do nhiều nguyên nhân nên sang năm 2022 và 2023 nguy cơ thiếu điện đã được nhận diện rõ ràng. Trước tình hình này, xin ông cho biết Genco1 đã và sẽ chuẩn bị những kịch bản nào để ứng phó?
Trong công tác điều hành, ngay từ thời điểm các tháng cuối năm 2021, Tổng công ty đã chủ động xây dựng các kịch bản vận hành đảm bảo hoàn thành kế hoạch mùa khô và cả năm 2022, cụ thể là chủ động xây dựng kế hoạch sửa chữa ngay từ tháng 7/2021 để đăng ký với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia phục vụ công tác lập kế hoạch huy động nguồn năm 2022; Chủ động tích nước các nhà máy thủy điện đến mức nước dâng bình thường vào cuối năm 2021 phục vụ cấp nước hạ du và vận hành mùa khô năm 2022; Xây dựng kế hoạch mua than cho các nhà máy nhiệt điện dự trữ tồn kho than trên mức tối thiểu và đảm bảo đủ than phục vụ vận hành.
Ngoài ra, chúng tôi đã kết thúc quá trình sửa chữa các tổ máy nhiệt điện vào cuối năm 2021 để đảm bảo khả dụng trong mùa khô năm 2022.
Bộ Công thương cần ủy quyền hơn nữa cho các đơn vị thành viên của EVN (ảnh minh họa) |
Ông dự báo khó khăn nổi bật của EVNGENCO1 trong thời gian tới là gì?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát cả trong nước và quốc tế; nhu cầu phụ tải tăng trưởng không cao trong khi nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phát triển nhanh, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong hệ thống điện Quốc gia sẽ gây khó khăn lớn cho việc hoạch định kế hoạch, giải pháp thực hiện của Tổng công ty.
EVNGENCO1 đã tích cực hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như ủng hộ quỹ vắc - xin, ủng hộ công tác phòng chống dịch tại các địa phương, thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, các CBCNV và gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh… Tính đến nay, toàn Tổng công ty đã ủng hộ Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quỹ phòng, chống dịch tại các địa phương gần 26 tỷ đồng. |
Việc duy trì độ khả dụng cho các tổ máy nhiệt điện trong bối cảnh có sự tác động lớn của nguồn NLTT là hết sức khó khăn do thiết bị phải khai thác vận hành trong thời gian dài, các tổ máy thường xuyên làm việc ở chế độ vận hành cực đoan (duy trì công suất thấp, tăng giảm nhiều lần trong ngày).
Cùng với đó là tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, trong bối cảnh không có nhiều các dự án nguồn bổ sung cho hệ thống, nhiều thời điểm tạo áp lực lớn cho các tổ máy nhiệt điện phải vận hành liên tục với công suất cao, đặc biệt là giai đoạn mùa khô và khu vực miền Bắc.
Công tác đảm bảo nhiên liệu than cho phát điện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ như chất lượng than pha trộn nhập khẩu, than trong nước nhiều thời điểm chưa ổn định; giá than dầu thi trường thế giới biến động rất lớn, thiếu than phát điện tại Trung Quốc, Ấn Độ ảnh hướng rất lớn đến công tác cung ứng than nhập khẩu…
Và cuối cùng là các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng cao trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý để đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý môi trường tại các nhà máy nhiệt điện (cơ chế thu hồi chi phí đầu tư qua giá điện).
Hành lang hoạt động của ngành điện hiện phụ thuộc vào nhiều điều kiện bên ngoài, vì vậy cơ chế và chính sách quản lý không phải lúc nào cũng thông suốt và thuận lợi. Ông có kiến nghị gì để cơ chế quản lý thông thoáng hơn, qua đó để hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực điện năng đạt hiệu quả cao hơn?
Thứ nhất, việc áp dụng các Nghị định mới trong công tác đầu tư xây dựng gặp khó khăn vì dù Nghị đinh có hiệu lực trong năm 2021 nhưng việc ban hành thông tư hướng dẫn chưa kịp thời nên đã gây lúng túng cho các cơ quan quản lý chuyên ngành và chủ đầu tư.
Vì vậy để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án, EVNGENCO1 kiến nghị mấy vấn đề sau: Đầu tiên cơ quan chức năng cấp Bộ hướng dẫn các Sở thuộc UBND cấp tỉnh về thẩm quyền thẩm định các dự án/công trình thuộc thẩm quyền đã được quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021. Tiếp đó Bộ Công Thương xem xét uỷ quyền cho EVN/EVNGENCO1 thực hiện thẩm định BCNCKT và thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm B, nhóm C, công trình cấp II.
Thứ hai liên quan đến công tác áp dụng phí Bảo vệ môi trường. Hiện nay EVNGENCO1 đang thực hiện đóng phí Bảo vệ môi trường đối với các Nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP.
Đặc thù nước biển tại khu vực các NMNĐ Duyên Hải có hàm lượng phù sa cao do ảnh hưởng từ thượng nguồn hai con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu đổ về, đặc biệt là giá trị thông số Chất rắn lơ lửng (TSS) trong nước biển dao động rất lớn theo mùa. Do vậy, khi Nghị định 53 tính phí dựa trên nồng độ chất gây ô nhiễm trong nước thải đầu ra mà không xét đến nồng độ chất gây ô nhiễm có sẵn trong nguồn nước đầu vào thì phí bảo vệ môi trường (BVMT) phải thực hiện (bao gồm cả chất lượng môi trường tự nhiên) ước tính tăng từ 4-6 lần.
EVNGENCO1 kiến nghị EVN đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan (Bộ TNMT, Bộ Tài chính) sửa đổi Nghị định 53/2020, trong đó có quy định riêng về mức phí cho các nhà máy điện sử dụng nước biển để xử lý lưu huỳnh như các nhà máy tại Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải và Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, đồng thời xem xét bổ sung phí Bảo vệ môi trường vào chi phí sản xuất điện năng.
Trân trọng cảm ơn ông!