Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với nhân sĩ hữu nghị Trung - Việt
- Thưa Đại sứ, xin Ngài đánh giá về ý nghĩa và nêu kỳ vọng về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc lần này?
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Hộ Ninh sẽ lần lượt hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm một số địa điểm ở Trung Quốc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng. Ông cũng sẽ có cuộc gặp với nhân sĩ hữu nghị Trung - Việt.
Chuyến thăm này là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Tô Lâm sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, cũng là một buổi tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023. Điều này thể hiện sự coi trọng của đồng chí Tô Lâm về việc phát triển quan hệ hai Đảng hai nước; thể hiện việc hai bên đều xem quan hệ này là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao, làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai Đảng hai nước, gửi đi tín hiệu tích cực quan trọng ra bên ngoài.
Chúng tôi hy vọng chuyến thăm lần này sẽ kế thừa tình hữu nghị truyền thống, tiếp tục củng cố và tăng cường sự tin cậy chính trị cấp cao, đi sâu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam với tinh thần: không quên nguyện ước hữu nghị ban đầu, khắc ghi sứ mệnh chung, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc của mình, cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội thế giới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba chia sẻ về chuyến thăm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Ảnh: Đinh Hòa |
- Năm 2025 đánh dấu 75 năm Việt Nam – Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao; xin Đại sứ cho biết hai bên cần làm gì để thúc đẩy tình hữu nghị và hợp tác chiến lược trước mắt và lâu dài? Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ đối mặt với cơ hội và thách thức gì trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Năm nay tròn 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó cùng các lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ thiết lập quan hệ rất ý nghĩa và nồng thắm. Xét từ sự kiện ý nghĩa này, có thể thấy lịch sử quan hệ giữa hai Đảng đến nay đã 100 năm.
Năm 2025 kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 75 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ôn lại lịch sử để thấy rõ hơn mối tình thắm thiết Việt-Trung vừa là đồng chí vừa là anh em, thể hiện sinh động quan hệ hai Đảng, hai nước.
Theo tôi, hai nước cần tiếp tục kiên trì thực hiện những định hướng chiến lược mà lãnh đạo hai Đảng đã đề ra; kiên trì sự dẫn dắt chính trị của hai Đảng đối với quan hệ hai nước; ủng hộ lẫn nhau đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước; thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Thời gian tới, tôi cho rằng, trong hợp tác, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Việt Nam và Trung Quốc đều coi trọng chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi.
Trong Tuyên bố chung năm 2023 đã đề ra phương hướng “6 hơn”, trong đó có kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng. Cần tuân thủ nhận thức chung, kiên trì đối thoại để kiểm soát, giải quyết bất đồng, không để ảnh hưởng đến quan hệ, tình cảm nhân dân hai nước.
- Sau gần 6 năm công tác tại Việt Nam, Đại sứ cảm nhận, đánh giá như thế nào về nhiệm kỳ của mình và kỷ niệm với đất nước, con người Việt Nam?
Tôi thực sự có nhiều cảm nhận trong gần 6 năm nhiệm kỳ công tác của mình. Đối với tôi, Việt Nam là một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, lại tràn đầy sức sống. Ở một góc độ thì Việt Nam có mối liên kết về lịch sử, văn hóa chặt chẽ với Trung Quốc. Góc độ khác, Việt Nam lại có những nét đặc sắc riêng về văn hóa dân tộc của mình. Có thể nói, sự phát triển của hai dân tộc, hai nền văn hóa Trung – Việt cùng nhau đóng góp cho việc hình thành, phát triển của nền văn minh phương Đông.
Tôi cho rằng người dân Việt Nam rất cần cù, có trí tuệ và tính tổ chức cao, chú trọng phát huy sức mạnh của tập thể. Hình ảnh chịu khó, cần cù của phụ nữ Việt Nam cũng làm cho tôi hết sức ấn tượng.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam rất tiềm năng. Trong 6 năm qua, tôi đã chứng kiến GDP Việt Nam phát triển nhiều lần. Đặc biệt là trước những thách thức như đại dịch COVID-19, yếu tố không ổn định từ môi trường bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả nổi bật, chính trị - xã hội duy trì ổn định, đây là thành tích không dễ mà có.
- Trân trọng cảm ơn!