Trang chủ Chính trị - Xã hội Chào ngày mới
20:06 | 16/05/2019 GMT+7

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 10

aa
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 16/5 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 16/5, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Theo chương trình được Trung ương thông qua, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII sẽ bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; và một số vấn đề quan trọng khác.

Trước hết, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các đồng chí đã về dự Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhân đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn các đồng chí đã dành cho chúng tôi tình cảm trìu mến, thân thiết và luôn luôn ủng hộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện tốt những nhiệm vụ trong thời gian vừa qua.

Về chương trình, nội dung họp lần này, các đồng chí đã vừa nghe Bộ Chính trị báo cáo và đã được nêu khá đầy đủ trong các tờ trình và các báo cáo của Bộ Chính trị, tôi không nhắc lại. Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí quan tâm trong quá trình nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến.

toan van phat bieu cua tong bi thu chu tich nuoc nguyen phu trong tai hoi nghi tu 10
Hội nghị Trung ương 10 khai mạc ngày 16/5

1. Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Theo quyết định của Trung ương, chúng ta đã thành lập các tiểu ban để chuẩn bị các văn kiện. Nói văn kiện là nói chung, văn bản có nhiều. Văn kiện trung tâm là Báo cáo chính trị. Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó.

Nói Báo cáo chính trị là trung tâm không có nghĩa là chỉ có Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị nêu toàn diện tất cả các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, có tính chính trị để sắp tới triển khai các công việc. Cùng với Báo cáo chính trị có Báo cáo tổng kết Cương lĩnh. Có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng. Một là, Báo cáo về kinh tế - xã hội. Đặc biệt lần này, chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2011 - 2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới. Kinh tế là trung tâm, lâu nay thường có Báo cáo kinh tế - xã hội nhưng là Báo cáo chuyên đề, nó không trùng với Báo cáo chính trị, nó phải cụ thể hơn. Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Nếu có sửa thì chúng ta phải tổng kết. Nhưng Báo cáo kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt cũng là 2 báo cáo chuyên đề đi sâu vào 2 lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung, có điều kiện nói cụ thể hơn.

Tóm lại, các văn kiện trình ra Đại hội XIII là rất quan trọng, trong đó trung tâm là Báo cáo chính trị. Chính vì thế, Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban, chứ không phải chỉ có một tiểu ban, đó là Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh. Tiểu ban Kinh tế - Xã hội thì vừa làm báo cáo kinh tế để phục vụ cho Báo cáo chính trị, đồng thời chủ yếu tập trung tổng kết thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm qua và xây dựng chiến lược 10 năm tới.

Như vậy, nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu.

Như vậy, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Tôi chỉ nói một ví dụ: Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế.

Tôi nói đây là những vấn đề vô cùng quan trọng, rất khó và phức tạp. Tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện, tôi đã khái quát 8 vấn đề khó và phức tạp nhất sắp tới phải tập trung, không phải chỉ Trung ương mà tất cả các địa phương. Đi khảo sát các nơi, vừa rồi đã nhắc các đoàn rồi, không phải xuống nghe các báo cáo chung chung, phải đi khảo sát, trao đổi những vấn đề tôi vừa nêu trên đây. Tôi nói ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh, 10 năm nữa, 15 năm nữa sẽ là thế nào? Có hình dung được hết không? Hà Nội sẽ là thế nào? Cứ nói thành phố thông minh, thành phố xanh, vậy nội hàm cụ thể là gì, hoặc nước ta đến năm 2030 sẽ là nước công nghiệp phát triển hay là một nước phát triển, hay là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nội hàm của nó là gì? Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa? Khó lắm các đồng chí ạ, phải hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế. Đấy, văn kiện là thế đấy, không phải cốt có báo cáo.

Tôi tạm nêu 8 nhóm vấn đề khó và phức tạp, còn nhiều vấn đề khác nữa, đòi hỏi trí tuệ của Trung ương đóng góp xây dựng các văn kiện. Văn kiện là định hướng để làm chứ không phải để nói. Tôi nêu một số trọng tâm của Hội nghị lần này để chúng ta bàn, thảo luận cho thật tốt đề cương các văn kiện. Từ đó mới ra cách làm, phân công thế nào, từng nhóm thế nào, khảo sát thế nào, nghiên cứu lý luận thế nào. Tôi cũng muốn nhấn thêm một số ý này để các đồng chí thấy vị trí, yêu cầu, tính chất rất quan trọng của Đại hội sắp tới. Tại Đại hội, nhân sự là rất quan trọng và rất khó rồi, nhưng vấn đề nội dung này càng quan trọng hơn, để sau này khi Đại hội công bố ra, nhân dân thấy phấn khởi, tin tưởng vào đường lối của Đảng. Vừa qua, Trung ương đã cho thành lập các tiểu ban, các tiểu ban hoạt động rất tích cực, họp thường xuyên, hội thảo khá nhiều. Bộ Chính trị cũng đã nghe, các tiểu ban cũng họp mấy lần rồi nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm, mới là bước đầu, nhưng đây là bước mở đầu rất quan trọng. Lần này, Trung ương thảo luận kỹ, thống nhất được định hướng thì anh em làm sẽ thuận, là rất tốt. Hội nghị Trung ương chúng ta tập trung cho ý kiến về tư tưởng chủ đề, tiêu đề, kết cấu đề cương, chưa phải đi sâu vào nội dung.

Lần này, đối với Trung ương, tôi đề nghị cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã nói: Mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm, các đồng chí lãnh đạo dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ, tận dụng tối đa trí tuệ của các đồng chí, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hôm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học. Cách làm đó rất tốt, nên làm nhiều hơn nữa, chia làm nhiều chủ đề, nhiều chuyên đề, nhiều đối tượng nghe, cọ xát, thảo luận.

Đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và lấy ý kiến nhân dân, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc. Riêng về kết cấu của các báo cáo thì cần được quyết định sớm ngay tại Hội nghị này để kịp hoàn chỉnh dự thảo Đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

2. Về định hướng chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm thành công của đại hội đảng bộ các cấp và góp phần cho thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy cần được các đồng chí Trung ương cho ý kiến.

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị khoá XI về vấn đề này; khẳng định những kết quả, bài học kinh nghiệm cần được kế thừa, phát huy; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh; xác định rõ những vấn đề thực tế đặt ra nhưng chưa có quy định, cần bổ sung thêm. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chỉ thị mới trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi ban hành.

Đề nghị các đồng chí quan tâm thảo luận thật cụ thể về Tờ trình và dự thảo Chỉ thị, tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ, đặc biệt là yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cơ cấu, số lượng cấp uỷ các cấp; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; độ tuổi tham gia cấp uỷ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và về bầu cử cấp uỷ...

Thưa các đồng chí,

Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

toan van phat bieu cua tong bi thu chu tich nuoc nguyen phu trong tai hoi nghi tu 10 Trung ương chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương phát huy trí tuệ để hoàn thiện các báo cáo, đề án được trình tại ...

toan van phat bieu cua tong bi thu chu tich nuoc nguyen phu trong tai hoi nghi tu 10 Hội nghị Trung ương 10 bàn nhiều vấn đề quan trọng

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội sáng 16/5. Tổng ...

Theo VOV
Nguồn:

Tin bài liên quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Liên bang Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Chiều 23/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện, đã có bài phát biểu quan trọng tại cuộc họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long

Sáng 13/2 (tức mùng 4 Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tỏ lòng thành kính các bậc tiên đế, tiên hiền có công với đất nước ở Điện Kính Thiên, Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Các tin bài khác

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ (7/5/1954) là thành quả của nhiều nhân tố, trong đó có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy, trực tiếp là Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy-Chỉ huy trưởng, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có vai trò quan trọng trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Lấy người dân làm trung tâm

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Lấy người dân làm trung tâm

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024.
Hơn 120 đoàn khách quốc tế đến từ 50 quốc gia tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Hơn 120 đoàn khách quốc tế đến từ 50 quốc gia tham gia Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị xúc tiến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 nhằm thu hút, kêu gọi sự quan tâm tài trợ của các doanh nghiệp, đơn vị đối với Triển lãm.
Sôi động Tuần lễ ASEAN tại Mexico - Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ACMC

Sôi động Tuần lễ ASEAN tại Mexico - Việt Nam khẳng định vai trò Chủ tịch ACMC

Những sắc màu văn hóa đa dạng và đặc trưng của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã liên tục tỏa sáng trong chuỗi sự kiện Tuần lễ ASEAN đang diễn ra tại trụ sở Hạ viện Mexico ở thủ đô Mexico City, Mexico.

Đọc nhiều

Đại sứ Philippines: Nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN là một minh chứng cho trường phái "ngoại giao cây tre"

Đại sứ Philippines: Nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN là một minh chứng cho trường phái "ngoại giao cây tre"

Đại sứ Philippines tại Việt Nam kỳ vọng vào những cuộc thảo luận thực chất và cởi mở tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024.
Kết nối hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp TP Cần Thơ và doanh nghiệp Campuchia

Kết nối hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp TP Cần Thơ và doanh nghiệp Campuchia

Ngày 21/4, tại Campuchia đã diễn ra lễ ký kết ghi nhớ hợp tác và giao lưu giữa Hội Khmer Việt Nam tại Campuchia với Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia TP Cần Thơ; ...
Hội hữu nghị Việt - Nga dâng hoa kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I. Lenin

Hội hữu nghị Việt - Nga dâng hoa kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I. Lenin

Đây là hoạt động thường niên của lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Nga nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, người thầy ...
Giá vàng SJC đi xuống theo đà thế giới

Giá vàng SJC đi xuống theo đà thế giới

Vàng miếng SJC tụt về mốc 82 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá vàng thế giới "rơi tự do".
Vùng 5 Hải quân rút kinh nghiệm đợt cao điểm chống khai thác IUU

Vùng 5 Hải quân rút kinh nghiệm đợt cao điểm chống khai thác IUU

Chiều 23/4, tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm đợt cao điểm chống khai thác IUU.
Quyết tâm cao gỡ bỏ cảnh báo ‘Thẻ vàng’ trong năm 2024

Quyết tâm cao gỡ bỏ cảnh báo ‘Thẻ vàng’ trong năm 2024

Công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024.
Quảng Ninh: 10 ngư dân gặp nạn trên biển được cứu hộ thành công

Quảng Ninh: 10 ngư dân gặp nạn trên biển được cứu hộ thành công

Trận dông lốc xảy ra đêm 20/4 đến rạng sáng 21/4 trên địa bàn huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã khiến gần chục phương tiện bị đánh đắm. 10 ngư dân gặp nạn được cứu hộ thành công.
top 3 diem den thu hut du khach quoc te tai ha noi
xe dap tho trong chien dich dien bien phu
gioi thieu quang ba ve dat nuoc va con nguoi viet nam tai dan mach
lan dau tien am thuc hungary ra mat tai ha noi
dai su cac nhom g4 gui thong diep chuc tet nguyen dan
viet nam tang 8 bac trong bang xep hang chi so phat trien con nguoi
dai su canada ghe xu hoa dao nhat tan hao hung don tet viet
Xin chờ trong giây lát...
Top 3 điểm đến thu hút du khách quốc tế tại Hà Nội
Sản phẩm Làng nghề Dệt Thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Đại sứ Marc Knapper trò chuyện cùng chị Lưu Hiếu
Hơn 300 lưu học sinh Lào, Campuchia trải nghiệm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Hyakka Souen - Bách Hoa Thương Viêm
Giai điệu Nga trong lòng Hà Nội
Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đón lượng khách cao gấp 3 lần
Hành trình chinh phục khán giả xứ anh đào của KURROCK
Cảm nhận biến đổi khí hậu để nỗ lực hành động vì trái đất
Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Lần đầu tiên ẩm thực Hungary xuất hiện tại Hà Nội
“Hương vị nước Nga” giữa lòng Hà Nội
Ra mắt không gian ẩm thực Hungary tại Hà Nội
Csaba Szabo: người mang ẩm thực Hungary tới Việt Nam
Lũy thép biên phòng toàn dân
Phiên bản di động