Tổ chức Plan khẳng định luôn đồng hành cùng Hà Giang
Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” là sự kiện mở đầu trong chuỗi những hội nghị giới thiệu địa phương do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các địa phương tổ chức. Bà đánh giá như thế nào về công tác tổ chức của Hội nghị?
Tôi nghĩ rằng Hội nghị hôm nay đã giới thiệu được những hình ảnh đẹp nhất, độc đáo nhất của tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, thông qua những chia sẻ của các lãnh đạo tỉnh, tôi cảm nhận được sự quyết tâm của Hà Giang trong phát triển du lịch và kinh tế bền vững trong tương lai. Tôi nghĩ Hội nghị đã được tổ chức rất thành công.
Bà Sharon Kane, Giám đốc Quốc gia tổ chức PLAN Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh)
Là một trong những tổ chức phi chính phủ gắn bó và có nhiều dự án tại Hà Giang, bà có thể chia sẻ những dự án Plan đã triển khai thành công tại đây? Thời gian tới Plan sẽ chú trọng tập trung vào những dự án phát triển nào?
Tính cho tới thời điểm hiện tại, Plan đã có mặt tại Hà Giang được gần 10 năm, có dự án tại 4 xã và đã giúp đỡ hơn 13.000 hộ dân tại 200 ngôi làng. Plan là một tổ chức tiếp cận phát triển từ một khía cạnh bao trùm. Chúng tôi có các dự án bảo vệ trẻ em, xây dựng chương trình tiểu học, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thiên tai và cả ở lĩnh vực dinh dưỡng sức khoẻ.
Một trong nhưng dự án thành công nhất của Plan tại Hà Giang đó là hỗ trợ bổ sung kiến thức cơ bản cho người dân bản địa, giúp họ giải quyết những vấn đề về giáo dục con trẻ, sức khoẻ, dinh dưỡng... Và chính sự kết nối ngày càng mạnh mẽ và chặt chẽ giữa Plan với chương trình phát triển bền vững của tỉnh đã nói lên sự thành công của chúng tôi tại Hà Giang.
Các dự án của Plan đều được xây dựng để phục vụ các mục tiêu chiến lược lâu dài của chính phủ Việt Nam như xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh Hà Giang. Trọng tâm của các dự án Plan tại Hà Giang là phát triển chương trình giáo dục sớm cho các hộ gia đình, cho các các em bé học mẫu giáo và ở cấp tiểu học. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chúng tôi đang có những dự án về sức khoẻ và dinh dưỡng để hỗ trợ các hộ gia đình dân tộc thiểu số hiểu biết nhiều hơn về chăm sóc dinh dưỡng cho con trẻ. Như các bạn đã biết, Hà Giang được liệt kê trong những khu vực còn khó khăn, có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao với tình trạng suy sinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi ở mức cao nhất.
Các ưu tiên của Plan tại Hà Giang trong tương lai chắc chắn tập trung vào lĩnh vực sức khoẻ và dinh dưỡng, xây dựng các chương trình giúp đỡ các hộ dân bản địa và đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Theo bà, những yếu tố nào sẽ giúp Hà Giang thu hút thêm nhiều đầu tư và các chương trình đào tạo nguồn nhân lực nên có hướng đi ra sao để giúp tỉnh đạt được mục tiêu phát triển?
Hà Giang là một tỉnh miền núi cách xa các trung tâm kinh tế như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và điều này khiến các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được các tiềm năng của tỉnh. Hơn nữa, mặc dù cơ sở hạ tầng ở đây đã được phát triển phần nào nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ việc thu hút đầu tư. Ví dụ như đường đi tới TP. Hà Giang từ các tỉnh thành khác đều khá là thuận lợi nhưng nếu bạn muốn di chuyển tới các xã, huyện xa hơn thì vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.
Theo tôi, khó khăn lớn nhất trong việc thu hút các nhà đầu tư chính là cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ đây cũng là thách thức lớn mà các nhà lãnh đạo của tỉnh Hà Giang cần phải tìm được phương pháp khắc phục để có thể thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư hơn nữa.
Xin cảm ơn bà!
Theo Báo Quốc tế