Tình yêu Trường Sa của một kiều bào
Không nguôi nỗi nhớ quê hương
Tôi may mắn được đi cùng CCB Nguyễn Xuân Trường trên con tàu chở kiều bào ra thăm quân và dân Trường Sa - Nhà giàn DK1. Ngồi trên boong tàu, ông kể, sau gần 5 năm trong quân ngũ, ông trở về quê nhà Chí Linh. Thời điểm đó, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn. Nhìn người vợ lam lũ tảo tần nuôi 3 đứa con nhỏ, ông thấy quặn lòng. Năm 1988, ông quyết định đi lao động ở Tiệp Khắc. Những ngày đầu xa quê hương, ông gặp muôn vàn gian khó, vất vả để mưu sinh, cùng với đó là nỗi nhớ quê hương đất nước, nhớ vợ con đến nao lòng. Khi đã có chút vốn, ông đã đưa vợ con sang đoàn tụ.
Ông Nguyễn Xuân Trường tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Nam. |
Thế rồi, Đông Âu tan rã, đất nước Tiệp Khắc tách đôi, thành phố nơi ông mưu sinh thuộc nước Cộng hòa Slovakia, phần còn lại thuộc Cộng hòa Séc. Trong bối cảnh hỗn độn ấy, nhiều gia đình tay trắng trở về nước, người ở lại tiềm ẩn nỗi bất an. Ông may mắn gặp được một người dân nước sở tại lắng nghe nguyện vọng của mình, cuối cùng, cơ quan chức năng tạo điều kiện để gia đình ông được ở lại. Đến giờ, kể lại, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc vì gặp được người tử tế đến thế.
Ông chia sẻ, 34 năm sống nơi đất khách quê người, không lúc nào ông nguôi nỗi nhớ quê hương. Thành phố Topolcony (Slovakia) nơi ông ở hiện nay có khoảng 50 người gồm con cháu và nhiều người trong nước sang sinh sống. Gia đình nào cũng có công việc ổn định, nhưng nỗi nhớ quê hương thì không gì bù đắp được.
Lan tỏa tình yêu Trường Sa
Khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông có điều kiện về thăm quê hương thường xuyên. Ông đã đại diện cho hàng trăm kiều bào ở Slovakia 2 lần ra thăm, tặng quà cho quân và dân ở Trường Sa - Nhà giàn DK1 (năm 2016 và 2018). Ông nhớ, năm 2018, lần thứ 2 ông cùng với hơn 70 kiều bào ở 34 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chuyến đi thăm Trường Sa. Ngồi trên con tàu vượt sóng vươn khơi trên vùng biển quê hương, phóng tầm mắt xa xăm, bỗng ông thấy mắt mình đẫm lệ. Cả đoàn trên tàu hầu như không ai ngủ, ai cũng đều muốn tiến về mũi tàu nơi mặt trời dần ló rạng, bởi phía trước là những đảo nổi, đảo chìm thuộc chủ quyền, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc sắp hiện ra. Xúc động nhất đối với ông là hình ảnh đại diện Quân chủng Hải quân tổ chức ngày Giỗ tổ Hùng Vương, đồng thời tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ngay trên vùng biển Trường Sa để bảo vệ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông chia sẻ, ở nước ngoài rất thiếu thông tin chính thống về tình hình Biển Đông nói chung và về chủ quyền trên đảo Trường Sa, thềm lục địa của nước ta nói riêng. Không ít người chỉ xem trên mạng xã hội rồi vội tuyên truyền sai lệch, thiếu căn cứ. Qua 2 chuyến đi thăm Trường Sa, ông và toàn đoàn đã tận mắt chứng kiến sự lớn mạnh trên các đảo với hàng loạt công trình dân sinh được xây dựng khang trang như: trường học, bệnh xá, những ngôi chùa, công viên, đài liệt sĩ… Chính quyền, quân và người dân các đảo luôn vượt qua khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, nêu cao tinh thần cảnh giác, chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về nước, ông kể lại bằng sự thật mắt thấy tai nghe, nhất là những hình ảnh tuyệt đẹp từ Trường Sa. Qua đó, những người Việt ở Slovakia rất phấn khởi về tình hình đất nước mình, không tin vào những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trong muôn vàn hình ảnh gây xúc động đến kiều bào ta, hình ảnh xúc động nhất là người chiến sĩ trẻ Hải quân bồng súng đứng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền; những đàn em nhỏ tung tăng múa hát với những câu từ mộc mạc mà rất đỗi thân thương, dâng trào niềm tự hào: “Em sinh ra ở Trường Sa, em là con của biển”…
Sau những chuyến về thăm quê hương, suốt mấy năm qua, CCB Nguyễn Xuân Trường càng tăng cường kết nối, thường xuyên kể chuyện về đời sống của quân dân trên đảo Trường Sa. Ông cũng tham dự các hoạt động của Câu lạc bộ Trường Sa; gặp gỡ các CCB Việt Nam ở các nước như: Đức, Séc…; dâng hoa nhân kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Horné Saliby Trnava, nơi lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm nước Cộng hòa Slovakia năm 1957… Ngoài ra, ông còn thường xuyên gửi những món quà tình nghĩa, với tấm lòng thành tri ân tới các gia đình thương binh, liệt sĩ Trường Sa…
Ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tham gia đoàn đi Trường Sa chia sẻ: “Chúng tôi chân thành cảm ơn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện để kiều bào, trong đó có nhiều CCB được ra thăm Trường Sa - Nhà giàn DK1, được tận mắt chứng kiến chủ quyền biển đảo của nước ta luôn được giữ vững, qua đó đem lại một niềm tin sắt son trong tâm khảm của mỗi kiều bào. Niềm tin ấy sẽ được lan tỏa trong cộng đồng người Việt xa xứ. Với những chuyến đi thực tế như thế này, tôi tin kiều bào nói chung, các CCB nói riêng, trong đó có CCB Nguyễn Xuân Trường khi trở về sẽ tích cực tuyên truyền có hiệu quả hơn nữa về tình yêu biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc cho kiều bào, nhất là thế hệ trẻ và cả người dân sở tại. Đặc biệt là phát huy tinh thần “Trường Sa vì cả nước! Cả nước vì trường Sa”, trong đó kiều bào ở nước ngoài luôn là một bộ phận không thể tách rời”.
CT (TH)