Tình hình mưa bão ở miền Bắc ngày 11/9: nhiều điểm nóng vẫn đảm bảo an toàn
Hà Nội vẫn an toàn trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên báo động 3
Trưa 11/9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc thông tin nhanh với báo chí về dự báo diễn tiến mưa lũ và ngập úng trong những ngày tiếp theo.
Thông tin về tình hình mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tới tại các tỉnh miền bắc, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ dự báo đến đêm 11/9, lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình,... có thể đạt đỉnh và sau đó biến đổi chậm.
Những ngày tiếp theo nước lũ tại các sông Hồng, sông Thái Bình sẽ giảm dần. Tại Hà Nội, các quận như Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên... đã xảy ra ngập úng ở khu vực ven đê, khả năng trong 6 giờ tới mực nước sông Hồng tiếp tục tăng nên nguy cơ ngập úng vẫn còn hiện hữu.
Dưới chân cầu Long Biên bên phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm). |
Các vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra tình trạng ngập úng.
Theo dự báo trong 6 giờ tới mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt mức 11,3m dưới báo động 3 khoảng 20cm, sau đó có thể chững lại.
"Hiện tại, nước lũ giảm phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa cũng như các diễn biến về việc xả lũ của các hồ trữ nước", ông Hòa nói và nhận định tại huyện Chương Mỹ thời gian tới xảy ra ngập úng kéo dài do lượng nước ở các sông chính ở mức cao, khó thoát.
Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do mực nước ở các sông nhỏ tiếp tục tăng lên.
Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh việc hiện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra thông tin về việc cảnh báo ngập úng trong nội thành Hà Nội trước khi có mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin này và đưa ra tin cảnh báo "ngập lụt do lũ sông Hồng" khiến nhiều người hiểu sai bản chất.
Ông Long khẳng định, nước lũ hiện tại (lúc 11 giờ 30 là 11,02m, thấp hơn báo động 3 là 0,48m) trên sông Hồng chỉ khiến khu vực ngoài đê bị ngập, không ảnh hưởng đến nội thành.
Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động 3, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.
Thủy điện Thác Bà an toàn, lưu lượng nước về hồ đang giảm dần
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, đến 13h ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ đạt 2.992 m3/s, lưu lượng xả 3.005 m3/s, hồ thủy điện bảo đảm an toàn.
Trước đó, Văn phòng Bộ Công Thương cho biết đến thời điểm 9h sáng ngày 11/9, Công ty Thủy điện Tuyên Quang còn 5 cửa xả đáy hồ thủy điện (đã đóng 3 cửa), lưu lượng nước về hồ đang giảm nhanh.
Thủy điện Thác Bà hiện vẫn đang xả tối đa 3 cửa, lưu lượng nước về giảm nhanh. |
Thủy điện Thác Bà hiện vẫn đang xả tối đa 3 cửa, lưu lượng nước về giảm nhanh so với hôm qua (còn còn 3.100 m3/s, cân bằng với lượng nước xả ra).
"Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể, dự kiến sẽ không tăng lên nữa. Công trình nhà máy và hồ chứa thủy điện đang an toàn. Tuy nhiên vẫn không được chủ quan," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Thái Bình: Hệ thống đê sông vẫn an toàn, thành lập 18 sở chỉ huy tiền phương
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến nay, hệ thống các đê sông trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn. Trước đó, ngày 10/9, các huyện, thành phố đã thành lập 18 sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê.
Nước lũ trên sông Trà Lý tiếp tục lên cao. |
UBND các huyện, thành phố đã tổ chức tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động số I, báo động số II, báo động số III trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và sông Trà Lý.
Gác nước tại 207 điếm, thả phai dự phòng được 60 cống dưới đê và cắm 680 tre vè theo dõi 15 kè xung yếu. Toàn tỉnh Thái Bình có 681 lồng, bè nuôi thủy, hải sản trên sông: Quỳnh Phụ 213 lồng, Hưng Hà 275 lồng, Đông Hưng 52 lồng, Vũ Thư 121 lồng, Kiến Xương 10 lồng, TP.Thái Bình 10 lồng. Các hộ nuôi cá lồng trên sông đều đã được thông tin về diễn biến phức tạo, khó lường của mưa lũ.
Do không phân biệt thế nào là đê sông, đê bao, đê bối nên không ít người đã chia sẻ thông tin, bình luận, lan truyền dùng chung từ “vỡ đê” khiến dư luận xã hội, quần chúng nhân dân hoang mang, lo lắng.
Theo giải nghĩa từ ngữ trong Luật đê điều 2016, nêu rõ: Đê sông là đê ngăn nước lũ của sông; đê biển là đê ngăn nước biển; đê cửa sông là đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển; đê bao là đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt; đê bối là đê bảo vệ cho một khu vực nằm ở phía sông của đê sông.
Như vậy, đến nay, hệ thống đê sông của tỉnh Thái Bình nói chung, tại huyện Vũ Thư và Kiến Xương nói riêng vẫn đang bảo đảm an toàn. Chỉ có một số điểm đê bao bảo vệ cho một khu riêng biệt và đê bối bảo vệ cho một khu vực ở phía ngoài sông bị nước tràn, đã và đang được các lực lượng gia cố, xử lý.
200 người chết, mất tích do bão và hoàn lưu bão số 3 Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), theo thống kê của các địa phương, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc tính đến 5h ngày 11/9, đã khiến 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích). Trong đó, Cao Bằng 52 người (29 người chết, 23 người mất tích); Lào Cai 66 người (45 người chết, 21 người mất tích). Hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên, Lào Cai. Yên Bái có 37 người chết, 3 người mất tích. Quảng Ninh có 13 người chết (do bão 12 người, lũ cuốn 1 người)... |