Tinder, tình một đêm và những những dấu hỏi về lòng chung thủy
Giới trẻ hiện tại không còn lao tâm khổ tứ vì một cuộc hẹn, lo lắng người ấy có thích mình hay không. Giờ chỉ cần chiếc app hẹn hò, mọi chuyện trở nên đơn giản.
“Bạn trai hiện tại của em quen qua Tinder, em với anh ấy dọn vào ở chung chỉ sau một tháng hẹn hò”, T.K (26 tuổi, nhân viên PR) chia sẻ với nụ cười tươi tắn.
Mấy năm trước, khi trải qua cú sốc thất tình với anh bạn trai người Mỹ, T.K vẫn đang mông lung tìm cho mình hướng đi mới trong chuyện tình cảm. Tình cờ, cô được bạn đồng nghiệp giới thiệu cho chiếc app “thần thánh” để xoa dịu nỗi đau, và quả thật Tinder khiến cho việc tìm nửa kia của cô dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam hẹn hò qua các ứng dụng, phổ biến nhất là Tinder. Cụ thể, khoảng 65% giới trẻ đang dùng ít nhất một ứng dụng hay trang web hẹn hò, và 21% trong số đó dùng ít nhất ba ứng dụng, theo một khảo sát năm 2017 trên 3.000 thanh niên Việt Nam độc thân từ 20-35 tuổi.
Chưa bao giờ, việc hẹn hò dễ dàng và “sẵn” như thời đại Tinder. Nhưng hàng trăm đối tượng tiềm năng trên màn hình điện thoại mỗi ngày, cùng hàng trăm khuôn mặt đều “diễn sâu” và cuốn hút đến khó phân biệt, hẹn hò thời Tinder phức tạp hơn bao giờ hết.
Zing.vn đã phỏng vấn trên mười bạn trẻ có thời gian dài sử dụng Tinder để hé lộ những câu chuyện đằng sau việc hẹn hò qua app điện thoại. Hầu hết nhân vật đều yêu cầu viết tắt tên của họ, phần nào phản ánh mọi người coi hẹn hò qua Tinder là nhạy cảm và không đơn giản.
Q.T, 26 tuổi, đang làm phóng viên, ban đầu không dùng Tinder với mục đích tìm tình một đêm, nhưng sau 6 năm dùng ứng dụng này, dường như anh bị cuốn vào những cuộc hẹn hò chóng vánh mà kết thúc là những mối quan hệ thể xác không ràng buộc.
Với trên dưới 70 cuộc hẹn hò qua Tinder, Q.T cũng có những trải nghiệm khá phong phú. Khi được hỏi về câu chuyện hẹn hò khó quên, anh nói: “Mình và bạn ấy đã hẹn hò rất vui vẻ”, cô gái xinh xắn, dễ thương không khác biệt quá nhiều với những tấm ảnh trên app, chủ đề nói chuyện của hai người cũng rất ăn ý, cho đến khi anh phát hiện ra sự thật : cô gái không hề độc thân.
“Khi cả hai về đến nhà mình, những tưởng sẽ có một đêm đầy lãng mạn thì cô ấy bỗng nhiên bật khóc”, Q.T cười ái ngại. Hóa ra, cô gái bị bạn trai phản bội, và trong phút bốc đồng, cô đã lên Tinder để tìm đối tượng “trả thù” anh người yêu bội bạc. “Đa phần mọi người đều không thích vướng vào những mối quan hệ phức tạp, mình cũng vậy”, Q.T vừa nói, vừa tiếp tục nhìn màn hình laptop.
“Sợ nhất là mình thích người ta”, đây là đáp án của T.K khi được hỏi về điều làm cô lo lắng trong những mối tình chóng vánh trên Tinder. T.K hiểu rõ bản chất của những mối quan hệ này, đa phần những người đàn ông cô gặp đều là người nước ngoài, “quan niệm của họ rất rạch ròi”, cô lướt nhẹ tay trên điện thoại.
Trường hợp của V.K, một nhân viên văn phòng 25 tuổi, sử dụng Tinder từ sự giới thiệu của đồng nghiệp, là để “chăn rau”. V.K cũng chắc nịch cho rằng, “kiểu trên Tinder chủ yếu là tìm bạn FWB (friend with benefits – tạm dịch: bạn vì xác thịt) hoặc ONS (one-night stand: tình một đêm).
Dù đã có người yêu ngoài đời thực, V.K từng gặp mặt khoảng hơn mười cô từ Tinder. “Gặp rồi thì cũng trò chuyện nhiều thứ, nhưng cái chính cũng chỉ là FWB” - anh không ngần ngại chia sẻ - “Đôi khi mình cắt đứt liên lạc chỉ sau một lần. Có gì ràng buộc đâu”.
Việc dùng Tinder tìm kiếm tình một đêm phổ biến đến nỗi Tinder thường bị gọi là nơi “gạ tình” và nhiều người dùng phải ghi rõ “no fwb” trong phần giới thiệu, để phân định họ không tìm những cuộc tình một đêm.
Bà Vũ Nguyệt Ánh, CEO của hai ứng dụng hẹn hò ở Việt Nam, nói với Zing.vn rằngcó số lượng “rất lớn” người trên ứng dụng hẹn hò “không có nhu cầu hẹn hò nghiêm túc mà thường chỉ là tò mò, cần giết thời gian, cần tìm đối tác cho những mối quan hệ "ngoài lề" hay có thể là "one night stand" như một thú vui hay thoả mãn nhu cầu.
Theo nghiên cứu của tác giả Kyla C. Flug trường đại học St. Catherine (Minnesota, Mỹ) về chủ đề hẹn hò online của giới trẻ trong thời đại công nghệ số, khảo sát những bạn trẻ trong độ tuổi từ 18-24, kết quả cho thấy 58% đã dùng các ứng dụng để tìm đối tượng hẹn hò. Trong số đó, 34% sử dụng để tìm chuyện tình cảm lâu dài, nhưng điều đáng chú ý hơn là có đến 42% số người được hỏi chỉ tìm kiếm những mối quan hệ ngắn hạn hoặc tình một đêm.
Còn theo một khảo sát ở Việt Nam năm 2017 trên 350 bạn trẻ tuổi từ 18-30 cho thấy trên 50% người được hỏi dùng Tinder để “tìm người yêu” và “kết bạn”. Tuy nhiên, riêng ở nam giới, việc “Tìm bạn tình/tình một đêm” là lý do hàng đầu.
Sau khoảng thời gian “chinh chiến” trên Tinder, Q.T không còn kiên nhẫn với những cuộc hẹn truyền thống. Anh cho rằng Tinder giảm đi rất nhiều thủ tục như xin số, làm quen, và quan trọng nhất là không mất công thăm dò xem liệu người ấy có thích mình hay không. “Vì đã 'match' tức là cả hai người đã có chút thích nhau rồi , không nhiều thì ít”, Q.T nói.
Q.T thường sẽ hẹn gặp ngay trong 1-2 ngày đầu nói chuyện, và nếu đến lần hẹn thứ 2 mà đối phương có tín hiệu chỉ muốn mối quan hệ bạn bè đơn thuần không vượt quá giới hạn thì anh sẽ chấm dứt ngay lập tức. “Đơn giản là mình không còn kiên nhẫn như ngày xưa nữa, có hàng tá cô gái ngoài kia đồng ý quan hệ chỉ sau một tuần, tại sao phải đợi đến cả mấy tháng chứ?”, Q.T dứt khoát.
“Cũng chỉ gặp một lần, không nên biết về nhau nhiều quá”, V.K, dù vẫn đăng tải những hình ảnh, tên thật của mình trên Tinder, nhưng anh khẳng định sẽ không trao đổi thông tin về tài khoản mạng xã hội khi đối phương đề cập, “Sẽ rất phiền phức nếu người kia tọc mạch chuyện cá nhân hay những mối quan hệ khác”.
“Ngày trước, mất rất nhiều thời gian để có một cuộc hẹn, nhất là mình còn là con gái nữa”, Trang, một cô gái đã từng đi du học, thường xuyên dùng Tinder chia sẻ. Theo cô gái 28 tuổi, trước đây, khi các ứng dụng hẹn hò chưa xuất hiện hầu như cô sẽ bị động và ngồi chờ lời mời từ các chàng trai. Giờ đây, một tuần cô có thể có đến 2-3 cuộc hẹn vì “chẳng có áp lực gì cả, cứ chủ động hẹn người ta nếu thích”. Nhưng đến hiện tại, Trang vẫn chưa hẹn hò với ai đến lần thứ hai.
Theo tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam của ĐH Quốc gia Hà Nội, công nghệ luôn có hai mặt: nó khiến cho mọi người kết nối với nhau dễ dàng hơn, bắt đầu mối quan hệ nhanh chóng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc những mối quan hệ đó thường hời hợt và ít gắn kết hơn. “Hẹn hò thời nay dựa nhiều vào cảm xúc, giống như một ly sinh tố, màu mè và vị ngọt trôi qua rất mau, chứ không giống như ngày xưa, tiếp xúc với nhau rồi từ từ khám phá. Giống như uống trà vậy, càng lâu càng thấy ngấm”.
“Với các thế hệ trước đây, tình cảm chỉ phát triển khi dựa trên mối quan hệ gắn bó lâu dài và có sự tin tưởng nhất định. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay lại đôi khi 'đổ sập' chỉ bằng vài dòng tin nhắn ướt át.” - Nikki Glaser, chuyên gia đã thực hiện các nghiên cứu chuyên nghiệp về các trang web hẹn hò như Tinder cùng văn hóa hookup (hẹn hò ngắn hạn) chia sẻ trên CNET.
Và khi tất cả mọi bước được thực hiện trên ứng dụng di động thì “bạn có thể bắt đầu mối quan hệ với ai đó mà thậm chí chưa từng nghe giọng họ”, Glaser nói.
Không thể phủ nhận sự thuận tiện và dễ dàng mà Tinder giúp những con người cô đơn có dịp hẹn hò. Tuy nhiên, chính sự dễ dàng đó lại là thách thức không nhỏ với lòng chung thủy của những cặp đôi.
“Có quá nhiều lựa chọn cho mình, có thể tối nay mình đi chơi với người yêu, nhưng ngay sau đó nếu quẹt thấy bạn xinh hơn, nói chuyện vui hơn và bạn ấy thậm chí cũng thích mình thì đương nhiên mình sẽ rung động rồi”, Q.T, chàng trai thừa nhận mình bị nghiện Tinder, chia sẻ. Anh cho biết thêm, kể cả khi đã có người yêu, vẫn thèm quẹt trái, quẹt phải và cảm giác được “match”.
Nhưng Q.T có lẽ không phải là duy nhất, theo khảo sát về Tinder của Index (GWI) trên 47.000 người từ khắp nơi trên thế giới cho thấy có tới trên 30% người dùng Tinder được khảo sát đã kết hôn, 12% số khác đang trong một mối quan hệ.
“Người yêu mà xài Tinder là em giết luôn”, Tiên, nhân viên văn phòng 28 tuổi ở TP.HCM, nói giọng nửa đùa nửa thật khi được hỏi về việc có chấp nhận bạn trai dùng Tinder hay không. Tiên cho rằng không có cặp đôi nào không có mâu thuẫn hay có những lúc cảm thấy chán nản nhưng nếu lúc đó có thêm chất xúc tác thì mối tình sẽ tan vỡ rất nhanh.
“Tinder cho người ta thêm nhiều lựa chọn, lúc đó không ai còn ở lại cứu vãn mối quan hệ nữa”, cô giải thích.
Theo Esther Perel, nhà trị liệu tâm lý người Bỉ đồng thời là tác giả của cuốn sách “Nội tình và ngoại tình”, chia sẻ trên VOX thì chính các ứng dụng như Tinder đang cung cấp cho ta quá nhiều lựa chọn đồng thời gây tê liệt các mối quan hệ tình cảm trong xã hội hiện đại ngày nay.
Cô cho rằng một người dù đang trong một mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh vẫn có thể gặp phải nỗi sợ bị bỏ lỡ (Hội chứng FOMO) khi trong tay họ là nguồn dữ liệu vô tận về những người đang có nhu cầu hẹn hò. Và chính nó là chất xúc tác khiến cho các mối quan hệ ngày càng trở nên kém bền vững hơn.
Trước đây, T.K có thói quen lướt Tinder mỗi lần cãi nhau với bạn trai và nó luôn là yếu tố khiến cuộc chia ly diễn ra nhanh hơn.
Và rồi, sau nhiều đổ vỡ, T.K đã quyết định xóa Tinder vì “mình đã biết quá rõ nếu quẹt Tinder thì mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào rồi.”
Xem thêm
Thu Thủy không yêu người trong nghề vì sợ nghệ sĩ phản bội, không chung thuỷ Bên cạnh đó, Thu Thủy cũng cho biết thêm cô đã chủ động xưng hô với Ưng Hoàng Phúc là "bố" để tránh những hiểu ... |
Trước hôn nhân đào hoa đa tình, nhưng kết hôn rồi thì con giáp này hết lòng chung thủy, trước sau như một Trong thời đại bây giờ, bất kể là nam hay nữ đều thích sự tự do không ràng buộc, thích mối quan hệ không rõ ... |
Trung Quốc: Nghe lời mẹ, người đàn ông nhu nhược đá thẳng vào bụng bầu 5 tháng của vợ vì nghi không chung thủy Bởi gia đình không có gen sinh đôi, mẹ chồng nghi ngờ con dâu ngoại tình và nhẫn tâm bắt cô phá bỏ song thai ... |
Kỷ niệm Ngày Gia đình, Tình yêu và Lòng chung thủy của Nga TĐO - Ngày 29/6, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội (TTKH&VH Nga) đã diễn ra chuỗi sự kiện ... |