Tin tức thời sự 24h nóng nhất sáng 22/7: Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu
Tin tức thời sự 24h nóng nhất hôm nay (20/7): Nguyên Phó Chủ tịch TP.HCM bị đề nghị khai trừ Đảng |
Tin tức thời sự 24h nóng nhất sáng 20/7: Tắm mưa dưới rạch nước, cháu bé 6 tuổi bị cuốn trôi |
Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu
Ông Dương Chí Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Báo Tin Tức |
Chiều 21/7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu ra thông báo kết quả kỳ họp thứ 35 và 36 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Qua đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Dương Chí Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu.
Lý do bị kỷ luật là vì ông Bình đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại một số thửa đất trên địa bàn phường 2, TP Bạc Liêu không đúng quy định của pháp luật, chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu. Khuyết điểm, vi phạm của ông Bình đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông.
Qua xem xét tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết giảm nhẹ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định thi hành kỷ luật ông Bình bằng hình thức Cảnh cáo.
Trước đó, ông Bình đã đồng ý cho chuyển mục đích sử dụng gần 1.900 m2 đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở đô thị không đúng quy định cho cặp vợ chồng ở phường 2. Sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vợ chồng này tách thành 16 thửa đất thổ cư khác, báo VnExpress thông tin thêm.
Ngoài ra ông Bình còn cho phép họ chuyển đổi mục đích sử dụng 159 m2 đất nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch, phải thu hồi. Việc thu tiền sử dụng đất các thửa đất nói trên cũng không đúng quy định, gây thất thoát lớn cho ngân sách.
"Quá trình làm việc với đoàn kiểm tra, ông Bình hợp tác tốt và nhận khuyết điểm cũng như sai phạm của mình", Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu nói.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị các tổ chức Đảng có thẩm quyền kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem xét, thi hành kỷ luật đối với 2 đảng viên; xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với 2 đảng viên; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 4 đảng viên có liên quan đến sai phạm trên.
'Hé lộ' danh sách các nhà thầu đang nợ tiền VEC
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh minh họa |
Sau khi hàng loạt lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bị bắt, cảnh cáo và kỷ luật Đảng, phía VEC bất ngờ phát đi hàng loạt các văn bản đòi tiền nợ từ các nhà thầu.
Theo tìm hiểu số nợ của các doanh nghiệp đối với VEC từ vài chục triệu VNĐ đến hàng trăm triệu VNĐ nhưng đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Đầu tiên phải kể đến số nợ 519 triệu VNĐ của Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp công trình 575 (Gọi tắt là Công ty 575 - đại diện Liên danh gói thầu B1 - C2 -1). Đây là gói thầu thiết bị Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Phía VEC yêu cầu Công ty 575 khẩn trương nộp chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh gói thầu B1 - C2 -1 theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
"VEC đề nghị Công ty 575 khẩn trương chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh giảm về VEC trước ngày 27/5/2020, nếu sau ngày này, Công ty không thực hiện nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một gói thầu khác mà Công ty 575 cũng đang nợ tiền VEC đó là B1 - A1 - 3 (gói thầu thiết bị dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, số tiền nợ tại gói thầu này vào khoảng 74 triệu VNĐ, vì thế, VEC đề nghị Công ty 575 khẩn trương chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh giảm về VEC trước ngày 27/5/2020, nếu sau ngày này, Công ty không thực hiện nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Nhà thầu tiếp theo bị VEC gửi công văn đòi nợ đó là Công ty TNHH đầu tư Quảng Long - Thanh Hoá (gọi tắt là Công ty Quảng Long - Thanh Hoá - đại diện Liên danh gói thầu B1 - A8 -1) dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Theo đó, Công ty Quảng Long - Thanh Hoá đang nợ VEC số tiền là 319 triệu VNĐ, vì thế, công ty này phải khẩn trương chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh giảm về VEC trước ngày 27/5/2020, nếu Công ty Quảng Long - Thanh Hoá không thực hiện nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Công ty sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, VEC cũng gửi tiếp văn bản đòi nợ thứ 2 tới Công ty Quảng Long - Thanh Hoá yêu cầu trả nợ trên 20 triệu VNĐ còn nợ tại gói B1 - A1 -4, Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Nếu Công ty Quảng Long - Thanh Hoá nộp chậm sau ngày 27/5/2020 theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tiếp đó, VEC có văn bản gửi Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) - nhà thầu gói NG5, dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải khẩn trương nộp chuyển trả số nợ là 207 triệu VNĐ theo kết luận từ Kiểm toán Nhà nước.
VEC đề nghị Cienco 1 khẩn trương chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh giảm về VEC trước ngày 27/5/2020, nếu sau ngày này, Cienco 1 không thực hiện nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Một trong những đơn vị khác bị VEC gửi công văn đòi nợ đó là thương hiệu lớn trong ngành giao thông - Tập đoàn Cienco 4.
Theo VEC, trong quá trình xây dựng gói thầu NG4, Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Tập đoàn Cienco 4 còn nợ số tiền là 89,7 triệu VNĐ, vì thế, đề nghị Tập đoàn Cienco 4 khẩn trương chuyển trả tiền và xuất hoá đơn điều chỉnh giảm về VEC trước ngày 27/5/2020, nếu sau ngày này, Tập đoàn không thực hiện nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Cienco 4 sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tất cả các gói thầu trên đều thuộc Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã thông xe cách đây từ năm 2014 (6 năm). Vậy tại sao bây giờ VEC mới có văn bản đòi tiền các doanh nghiệp, nhà thầu? Ngoài ra, lộ trình thực hiện cũng khá gấp gáp vì 6 văn bản đều ban hành ngày 19/5/2020 do Phó Tổng Giám đốc VEC Nguyễn Thế Cường ký, nhưng chậm nhất đến ngày 27/5/2020 các nhà thầu bắt buộc phải nộp tiền ngay và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Từ 2021, Giấy đăng kí xe được làm bằng nhựa có mã QR
Biểu mẫu Giấy đăng kí xe chất liệu nhựa tổng hợp có tích hợp mã QR. Ảnh: VTC News |
Ngày 21/7, đại diện Cục CSGT cho biết, kể từ 1/1/2021, Giấy chứng nhận đăng kí xe (hiện tại làm bằng giấy) sẽ được làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp, có mã vạch QR với kích thước, màu sắc giống với Giấy phép lái xe hiện tại.
"Tại Thông tư 58 của Bộ Công an có quy định về các mẫu Giấy chứng nhận đăng kí xe ô tô, xe máy, máy kéo. Loại giấy tờ này sẽ được làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp, có mã vạch QR", đại diện Cục CSGT cho hay.
Việc tích hợp mã QR trên Giấy đăng kí xe sẽ giúp lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm có thể quét mã code để kiểm tra thông tin chủ xe, ngày tháng cấp, lỗi vi phạm trước đó, tình trạng kỹ thuật xe...
Quy định trên áp dụng đối với chủ phương tiện mới mua xe, đi đăng kí mới.
Đối với thủ tục đăng kí cấp Giấy đăng kí xe có mã QR, chủ phương tiện có thể kê khai thông tin trên mạng internet và sau đó sẽ được lực lượng chức năng đặt lịch hẹn giải quyết.
Chi phí cấp mới giấy đăng ký ô tô, xe máy kèm biển số là 150.000 đồng. Nếu chủ phương tiện đổi giấy đăng ký sẽ mất chi phí 30.000- 50.000 đồng.