Tin tức thời sự 24h nóng nhất sáng 17/8: Trượt chân ngã xuống suối trong mưa lớn, 1 cháu bé bị nước cuốn tử vong thương tâm
Trượt chân ngã xuống suối trong mưa lớn, 1 cháu bé bị nước cuốn tử vong
Tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khiến 1 cháu bé tử vong. Ảnh: VOV |
Khoảng 15h30 chiều 15/8, cháu Lù A T, sinh năm 2010, trú tại bản Kéo Lồm, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn (Sơn La) không may bị trượt ngã xuống suối Thím, thuộc địa phận bản Kéo Lồm, xã Chiềng Lương.
Do thời điểm xảy ra sự việc trời mưa lớn, nước chảy siết, nên nạn nhân đã bị nước cuốn trôi.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình nạn nhân, chính quyền địa phương cùng bà con dân bản đã khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm.
Đến 10h trưa nay (16/8), các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân, cách nơi trượt ngã ban đầu khoảng 2 km; thi thể cháu bé sau đó được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Tại tỉnh Sơn La, nhiều nơi đang tiếp tục có mưa lớn, mực nước tại các sông, suối dâng cao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mỗi người nên đề cao cảnh giác, chú ý khi đi qua những đoạn đường trơn trượt, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.
Lịch trình di chuyển của bệnh nhân thứ 10 mắc Covid-19 tại Hà Nội
Ảnh minh họa |
23h ngày 16-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có báo cáo về trường hợp mắc Covid-19 tại quận Hai Bà Trưng. Đây là ca mắc Covid-19 thứ 10 trong cộng đồng được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ ngày 29-7 đến nay.
Theo đó, bệnh nhân là V.H.C (25 tuổi, là F1 của bệnh nhân 962). Bệnh nhân C là nhân viên Chi nhành Ngân hàng Tiên Phong, 300 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Bệnh nhân ở trọ tại phòng 301 nhà số 10, ngõ 147, đường Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngày 16-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả RT-PCR do CDC Hà Nội thực hiện cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Theo báo cáo của CDC Hà Nội về lịch trình của bệnh nhân C trước khi được xét nghiệm Covid-19, bệnh nhân C có tiếp xúc với bệnh nhân 962 vào lần cuối ngày 8-8. Khi biết thông tin bệnh nhân 962 là F1 của bệnh nhân 812, bệnh nhân đã chủ động ở phòng trọ tự cách ly từ ngày 8-8, không tiếp xúc gần với ai. Trong thời gian tự cách ly tại phòng trọ, bệnh nhân có ra ngoài cổng nhà trọ lấy hàng đặt qua mạng và đồ chị gái gửi. Tuy nhiên, bệnh nhân có đeo khẩu trang và yêu cầu người gửi để đồ ở xa rồi mới lấy, đi đổ rác có đeo khẩu trang.
Ngày 16-8, bệnh nhân C được Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng lấy mẫu RT-PCR lần 1 và đưa vào cách ly tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, quận Nam Từ Liêm. Cùng ngày, CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định kết quả, bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) để điều trị.
Ngay sau khi nhận kết quả xét nghiệm, CDC Hà Nội đã thông báo cho Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, tiến hành điều tra các địa điểm liên quan và điều tra các trường hợp tiếp xúc gần.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng báo cáo: Không ghi nhận trường hợp F1. Hiện đã lập danh sách và lấy mẫu 16 trường hợp ở cùng khu nhà trọ bệnh nhân, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà trọ của bệnh nhân.
Ngoài ra, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao cũng không ghi nhận trường hợp F1. Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã tiến hành phun khử khuẩn phòng cách ly bệnh nhân ở.
Bình Phước có gần 700 ca mắc và 2 ca tử vong do sốt xuất huyết
Cán bộ y tế phun thuốc diệt muỗi tại các hộ dân. Ảnh: VOV |
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn ghi nhận gần 700 ca mắc và 2 ca tử vong do sốt xuất huyết. Số ca mắc sốt xuất huyết rải đều trên tất cả các địa phương trong tỉnh.
So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc giảm 84% nhưng tăng 1 ca tử vong. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước nhận định, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng do thời tiết mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Để chủ động trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, Bình Phước tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy tại các xã, phường và phun hóa chất tại các khu vực nguy cơ cao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết vào cộng đồng trên các phương tiện truyền thông sẵn có tại địa phương, để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho rằng, Bình Phước là một tỉnh có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao trong những năm gần đây và ghi nhận trường hợp tử vong hàng năm. Khi ngành y tế đang dồn sức vào công tác chuyên môn thì sự đồng hành của người dân là sức mạnh để đẩy lùi các loại dịch bệnh.
“Người dân chưa thật sự tích cực và chủ động cùng với chúng tôi phòng, chống sốt xuất huyết. Người dân còn nghĩ, việc diệt lăng quăng, diệt muỗi là trách nhiệm của ngành y tế. Vì thế, chúng tôi mong muốn, mỗi cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng chung tay với ngành y tế phòng chống sốt xuất huyết với thông điệp “Không có lăng quăng, không có muỗi, không có sốt xuất huyết. Chúng tôi hy vọng rằng, thông điệp này được duy trì thường xuyên”, Bác sĩ Sáu chia sẻ.
Đưa thêm 340 công dân Việt Nam từ Canada về nước an toàn
Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, trong hai ngày 15 và 16-8, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng Canada đưa 340 công dân Việt Nam về nước an toàn.
Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người bị bệnh nặng, sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về chỗ ở, người lao động đã hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người đi du lịch bị kẹt lại và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver (Canada) đã cử cán bộ trực tiếp đến sân bay hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi lên máy bay.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.