Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (14/5): Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể bị hoãn
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (13/5): Mỹ dự chi hơn 3.000 tỷ để khắc phục hậu quả COVID-19 |
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (12/5): Nga dỡ bỏ phong tỏa quốc gia từ ngày 12/5 |
Tin tức thế giới hôm nay 14/5
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có thể bị hoãn
Ông Jared Kushner, trợ lý và cũng là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mới đây cho biết ông không thể đảm bảo cuộc bầu cử Tổng thống nước này sẽ diễn ra đúng như dự kiến vào tháng 11 tới do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuyên bố được đưa ra khi ông Kushner trả lời phỏng vấn tạp chí Time rằng liệu ông có thể khẳng định cuộc bầu cử sẽ diễn ra đúng kế hoạch nếu một làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện hay không.
"Tôi không chắc chắn là tôi có thể cam kết bằng cách này hay cách khác, nhưng ngay bây giờ thì đó vẫn là kế hoạch. Hy vọng tới tháng 9, 10, 11, chúng tôi đã thực hiện đủ công việc với những thách thức và với tất cả những điều khác mà chúng tôi đang cố gắng làm để ngăn chặn sự bùng phát một đợt dịch nữa quy mô lớn trong tương lai mà sẽ khiến chúng tôi lại phải đóng cửa một lần nữa" - ông Kushner cho hay.
Trợ lý và cũng là con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Jared Kushner. (Ảnh: Reuters) |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 3/11. Theo luật định, Nhà Trắng không có quyền thay đổi.
Tuy vậy, bình luận của ông Kushner đã làm dấy lên nhiều lo ngại, trong bối cảnh đương kim Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden đang bước vào 6 tháng cuối cùng ngày càng căng thẳng của chiến dịch tranh cử.
Theo kết quả thăm dò mới đây, ông Joe Biden đang "dẫn trước" đối thủ khoảng 6-9 điểm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa ứng cử viên Dân chủ này sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Nhiều nước châu Âu chưa có kế hoạch mở cửa biên giới
Trong nỗ lực tránh làn sóng lây nhiễm thứ 2 của đại dịch COVID-19, chính quyền Tây Ban Nha có kế hoạch tiếp tục đóng cửa biên giới đến tháng 7 tới. Các biện pháp cách ly sẽ hết hiệu lực vào ngày 24/5, khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner ngày 13/5 cho biết nước này sẽ duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới với Đức cho đến ngày 15/6, dù đã có một số nới lỏng nhằm hỗ trợ cuộc sống thường nhật của những người thường xuyên phải đi qua biên giới.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thì cho biết hiện không có kế hoạch mở lại biên giới với Italy. Tuy vậy, chính phủ Áo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế giao thông từ ngày 15/5 và dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới với Đức từ ngày 15/6 tới.
Đường phố Bồ Đào Nha vắng vẻ trong mùa dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang hối thúc các chính phủ cân nhắc các yếu tố kinh tế và xã hội cũng như y tế khi xem xét việc mở cửa trở lại biên giới.
Cụ thể, EU đề xuất cách tiếp cận 3 giai đoạn, bắt đầu với tình hình hiện tại khi hầu hết hoạt động di chuyển qua biên giới không cần thiết đều bị cấm.
Giai đoạn tiếp theo, EU muốn dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới giữa các nước và các khu vực, nơi tình hình y tế đang cải thiện.
Giai đoạn cuối cùng là tất cả hoạt động kiểm soát biên giới ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan sẽ được dỡ bỏ và cho phép đi lại trên khắp châu Âu.
Cụ bà cao tuổi nhất Tây Ban Nha chiến thắng COVID-19
Tờ The Week dẫn lời truyền thông Tây Ban Nha ngày 13/5, cho hay: Cụ bà Maria Branyas (113 tuổi), được cho là người già nhất ở nước này, đã bình phục sau khi bị nhiễm COVID-19 tại Viện dưỡng lão Santa Maria del Tura (thành phố Olot) hồi tháng 4.
"Cụ Branyas đã ổn định. Hiện giờ, cụ cảm thấy tốt và đã thực hiện xét nghiệm vào tuần trước, kết quả không bị nhiễm COVID-19", Người phát ngôn Viện dưỡng lão nói.
Cụ bà cao tuổi nhất đất nước cho biết, ngoài những cơn đau không đáng kể, tình hình sức khỏe của cụ vẫn ổn. Cụ Branyas cũng gửi lời cảm ơn tới các nhân viên Viện dưỡng lão đã ở bên chăm sóc cụ trong thời gian bị cách ly vì dịch bệnh.
Cụ bà Maria Branyas (Ảnh : Solarpix) |
Được biết, cụ Maria Branyas sinh ngày 04/3/1907 tại San Fransisco (Mỹ). Năm 1915, cụ trở về quê cha ở Tây Ban Nha. Cụ Maria đã chứng kiến cả 2 cuộc chiến tranh thế giới Thứ nhất (1914-1918) và Thứ hai (1939-1945) cũng như cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha (1936-1939).
Cụ Branyas cũng đã sống sót sau đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) vốn cướp đi sinh mạng của 50 triệu người. Trong suốt hơn 1 thế kỷ qua, cụ đã chứng kiến sự vận động, chuyển mình của thế giới.
Tây Ban Nha hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi đại dịch COVID-19. Thống kê của Đại học Johns Hopkins ngày 13/5 cho thấy nước này đã ghi nhận hơn 227.400 ca nhiễm bệnh, trong đó, hơn 26.700 người tử vong.