Tin tức pháp luật trong ngày: Truy sát đồng nghiệp vì nói xấu mẹ đẻ
Để người nước ngoài nhập cảnh trái phép, Bộ Công an yêu cầu Đà Nẵng giải trình
Lực lượng Công an Đà Nẵng kiểm tra người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép trên địa bàn. Ảnh: VTC News |
Tại cuộc họp UBND Đà Nẵng thường kỳ chiều 5/8, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an thành phố báo cáo về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn trong thời gian qua.
Theo Giám đốc Công an Đà Nẵng, trong tháng qua, tình hình người nước ngoài nhập cảnh, lưu trú trái phép trên địa bàn diễn ra phức tạp. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Giám đốc Công an TP Đà Nẵng giải trình về việc để xảy ra lỗ hổng trong công tác quản lý người nước ngoài.
“Mặc dù chúng ta hết sức nỗ lực nhưng tình hình người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và xu hướng đến Đà Nẵng ngày càng đông. Qua 6 vụ Công an Quảng Ninh khởi tố điều tra, trong đó có 2 vụ bắt giữ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thì người ta khai báo là muốn đi vào Đà Nẵng”, ông Viên cho hay.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên khẳng định: “Phê bình của Bộ Công an đối với Công an thành phố cũng đúng, chúng tôi chấp nhận. Đề nghị phải có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc”.
Hiện lực lượng Công an thành phố đã phát hiện 100 người nhập cảnh trái phép, trong đó có 99 người Trung Quốc và một người Đài Loan. Số người này đang được cách ly theo quy định.
Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ một người Trung Quốc và 2 người Việt Nam liên quan đường dây đưa người nhập cảnh trái phép, hiện đang bàn với các cơ quan tư pháp để xử lý tiếp một số vụ việc khác.
Ngoài ra, có 145 người Trung Quốc đang tạm trú ở Crown Plaza (quận Ngũ Hành Sơn). Những người này có thị thực nhập cảnh nhưng mục đích hoạt động ở Đà Nẵng không rõ ràng.
“Chúng tôi đã làm việc với Crown Plaza. Sau dịch COVID-19 sẽ có biện pháp xử lý”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, người nước ngoài nhập cảnh một đường, đi làm một nẻo. Làm hướng dẫn viên du lịch, tổ chức kinh doanh nhiều ngành nghề.
“Trong việc xảy ra dịch bệnh lần thứ hai thì chúng ta có rất nhiều điều nghi ngờ. Khách nước ngoài, chủ yếu là khách Trung Quốc lén đi qua con đường cửa khẩu trên bộ, trên biển”, ông Thơ cho hay.
Theo ông Thơ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương làm căng chuyện này, nên Bộ Công an mới chỉ đạo Công an Đà Nẵng kiểm tra, kiểm điểm về lỗ hổng.
“Ngoài lực lượng công an cũng nhắc nhở chính quyền địa phương. Chúng ta có cả một hệ thống tới tận các tổ dân phố, nhưng không biết sao tê liệt hết, để hổng như thế này.
Làm gì mà ai lạ vào lại không phát hiện được. Nên chỗ này cũng đặt vấn đề tinh thần trách nhiệm, sự lỏng lẻo ở cấp cơ sở để diễn ra cảnh người nước ngoài vào rồi ở tụ tập năm này sang tháng khác, đến khi đổ ra tai họa rồi bắt đầu tá hỏa lên”, ông Thơ cho hay.
Truy sát đồng nghiệp vì nói xấu mẹ đẻ, nam công nhân nhận án 13 năm
Bị cáo Phạm Văn Dũng tại tòa. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật |
Ngày 05/8, TAND TP.Hà Nội đưa bị cáo Phạm Văn Dũng (SN 1989, trú tại thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) ra xét xử về tội Giết người.
Theo hồ sơ, Dũng cùng anh Trần Văn Tính (SN 1981, cùng thôn với bị cáo) và anh Hoàng Quang M. (SN 1973, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đều là công nhân tại công ty TNHH dây cáp điện Minh Hiền có trụ sở tại khu công nghiệp Quất Động ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Ngày 04/10/2019, trong lúc làm việc tại công ty, anh Tính nói với Dũng là anh M. nói mẹ Dũng đi ngoại tình. Nghe xong, Dũng bức xúc và nảy sinh ý định tìm đánh anh M. để trả thù.
Khoảng 13h15 cùng ngày, khi Dũng đang trong xưởng sản xuất thì thấy anh M. đi bộ từ phía ngoài vào trong xưởng và đi ngang qua vị trí của Dũng đang đứng.
Bị cáo nhặt 01 thanh sắt vụt nhiều nhát vào vùng đầu, thái dương đồng nghiệp khiến anh M. ngã dúi dụi xuống nền đất.
Mọi người trong xưởng can ngăn, Dũng mới dừng tay. Về phía anh M. được mọi người đưa đi cấp cứu nên may mắn bảo toàn được tính mạng, nhưng bị tổn hại 47% sức khỏe.
Ngày 08/10/2019, Phạm Văn Dũng bị cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín bắt giữ.
Với hành vi phạm tội nêu trên, tòa cấp sơ thẩm đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Văn Dũng phạm tội Giết người, theo quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 123 BLHS.
Xét thấy hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội. Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Văn Dũng 13 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Đường dây làm hàng triệu găng tay y tế giả ở Bình Tân
Lực lượng chức năng kiểm đếm, niêm phong số găng tay y tế giả. Ảnh HT |
Ngày 5-8, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03)- Công an TP.HCM đã phối hợp với lực lượng an ninh của Bộ Công an triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, kinh doanh găng tay y tế giả với số lượng lớn.
Theo PC03, qua trinh sát thì xác định được Thạch Thị Hoa - Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại Thiết bị TTH, có địa chỉ tại 71/2/21 Nguyễn Bặc (phường 3, quận Tân Bình) có vai trò cầm đầu.
Dưới sự chỉ đạo của Hoa, nhóm Nguyễn Đức Chương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Lynh Trang tổ chức sản xuất, kinh doanh găng tay y tế giả các thương hiệu nổi tiếng, với số lượng lớn để bán cho những người xuất khẩu ra nước ngoài.
Công an ập vào căn nhà số 951/22 đường Hương Lộ 2 (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) phát hiện 32 công nhân đang sàng lọc, đóng thùng găng tay từ bao tải lớn vào từng hộp, thùng có nhãn mác giả danh các công ty có thương hiệu nổi tiếng về găng tay y tế.
Qua kiểm đếm, có 2.370 thùng găng tay đã đóng gói sẵn, tương đương hơn 2,3 triệu chiếc găng tay giả, trị giá trên 3 tỉ đồng.
Qua lấy lời khai ban đầu, PC03 xác định đường dây này đã hoạt động từ khoảng tháng 7 đến nay và tuồn ra thị trường 180 thùng găng tay y tế giả để thu lợi bất chính.
Mở rộng khám xét các địa điểm liên quan, cơ quan chức năng còn thu giữ thêm nhiều tài liệu, phương tiện, máy móc liên quan đến đường dây sản xuất găng tay giả nói trên.
Lãnh đạo Phòng PC03 cho biết, hành vi kinh doanh găng tay giả, kém chất lượng sẽ dễ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, PC03 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ các mặt hàng ngành y tế, của các đối tượng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi.