Tin đồn, tâm lý "bầy đàn" đánh bay ngàn tỷ chứng khoán Việt
Uỷ ban Chứng khoán xử phạt loạt nhà đầu tư cá nhân và tổ chức Nới điều kiện đầu tư ra nước ngoài cho DN chứng khoán Thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới đang ở Đông Nam Á |
Đó là ý kiến đáng chú ý được đưa ra tại buổi toạ đàm “An toàn an ninh trong lĩnh vực chứng khoán”, do Thời Báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng 15/5 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán.
Chia sẻ tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Thế Thọ, Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: Thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin, của niềm tin mà trong đó chất lượng hàng hoá phụ thuộc rất lớn vào chất lượng thông tin.
Theo ông Nguyễn Thế Thọ, không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả tại các thị trường chứng khoán phát triển, tin đồn vẫn xuất hiện. Khi độ minh bạch, công khai còn ở mức thấp thì tin đồn “càng có đất sống”. Thông qua những công cụ như mạng xã hội, tin đồn càng có khả năng lan toả mạnh mẽ, có tin đồn thành sự thật nhưng có tin đồn là thất thiệt.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng luôn tồn tại tin đồn trong thị trường. Trong đó, tin đồn có thể có chủ đích, có chủ thể hoặc không. Tin đồn cũng là một loại thông tin nhưng thông tin đó phải được kiểm chứng. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan quản lý nhà nước cần phải quan tâm, xác minh tin đồn.
Các diễn giả chia sẻ tại buổi toạ đàm tổ chức sáng 15/5. |
Lý giải về việc tin đồn vẫn tồn tại, theo ông Nguyễn Thế Thọ, một phần là do các đối tượng, chủ thể liên quan tới tin đồn chưa kịp thời xử lý, chưa công khai minh bạch thông tin tới các đối tượng tiếp nhận thông tin, đặc biệt là các nhà đầu tư. Ông Thọ cũng cho biết: Đứng trên giác độ quy định pháp luật, bản thân DN khi tham gia thị trường phải có nghĩa vụ báo cáo thông tin, phải có người phụ trách quản trị thông tin.
Trên thực tế, nhiều đối tượng tung ra tin đồn nhằm thâu tóm hoặc thổi giá, đánh sập loại cổ phiếu muốn thao túng. Nhiều tin đồn thất thiệt gây mất an ninh an toàn trong lĩnh vực chứng khoán, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước - Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam Nguyễn Thanh Kỳ nhận định.
Không ít trường hợp tin đồn thất thiệt nhắm vào lãnh đạo các DN, khiến thị trường điêu đứng. Năm 2017, tin đồn bắt giữ ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV) khiến cả thị trường “bay” mất 2 tỷ USD, trong đó riêng 10 ngân hàng mất tới 15.700 tỷ đồng. Tháng 1/2018, Thế Giới Di Động (mã MWG) bốc hơi gần 650 tỷ đồng trong một ngày vì dính tin đồn làm lộ thông tin cá nhân khách hàng. Gần đây, Masan “đánh rơi” 1.163 tỷ đồng trong giai đoạn khủng hoảng truyền thông…
Để hạn chế tin đồn, giảm thiểu ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư, nhiều giải pháp đã được đưa ra thảo luận tại buổi toạ đàm. Trong đó, có thể kể đến giải pháp kịp thời công khai minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, phối hợp quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như các cơ quan báo chí truyền thông.
Tin đồn có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán. Ảnh minh hoạ. |
Theo đại diện Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, khi có tin đồn, trước hết chủ thể DN có liên quan tới tin đồn phải kịp thời phản ứng, cung cấp đầy đủ thông tin, đồng thời kiểm chứng thông tin. Sau đó, các DN phải có kế hoạch, chiến lược xử lý tin đồn, phối hợp với các cơ quan báo chí chính thống để công bố thông tin chính xác tới thị trường. Nếu không xử lý khéo léo, từ tin đồn có thể biến thành khủng hoảng truyền thông.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam, bổ sung: Ở những thị trường phát triển, mọi thông tin được cung cấp rất nhanh, kịp thời và đây là một giải pháp quan trọng để ngăn chặn tin đồn. Theo ông Kỳ, có 121/128 quốc gia mà Uỷ ban Chứng khoán là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ/Quốc hội, có thể xử lý ngay tin đồn, thậm chí khởi tố ngay đối tượng tung tin đồn thất thiệt, nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi để điều tiết thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thọ cho biết: Không có ngành nào có mức xử phạt cao như ngành chứng khoán. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán ở mức cực kỳ cao và bộ Luật Hình sự cũng có quy định về việc xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng tới cá nhân và doanh nghiệp. Ông Thọ nhận định rằng mức xử phạt dù đã cao nhưng có lẽ vẫn chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng tung tin đồn. Theo ông Thọ, ngoài phạt tiền, có thể xem xét bổ sung hình phạt như cấm giao dịch, thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề…
Về phía nhà đầu tư, theo ý kiến của diễn giả tại buổi toạ đàm, các nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, sử dụng các thông tin đã được xác minh, được cung cấp bởi các cơ quan quản lý giám sát. Trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải cân nhắc, tránh tâm lý “bầy đàn”. Kết hợp với các công cụ loại bỏ tin đồn độc hại, việc nâng cao nhận thức nhà đầu tư sẽ góp phần giảm bớt ảnh hưởng của tin đồn tới thị trường.
Đây là những gì sẽ xảy ra khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao đốc Tháng 10 chứng kiến sự rút vốn mạnh mẽ khỏi các quỹ đầu tư sau khi Chứng khoán toàn cầu có những biến động nghiêm ... |
Thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng TĐO- Theo thông tin từ HoSE, ngày 26/9 vừa qua một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu, FTSE Russell ... |
Vì sao chứng khoán Châu Á về mức thấp nhất 14 tháng qua? TĐO - Ngày 12/9, thị trường chứng khoán Châu Á sụt giảm về quanh mức thấp nhất 14 tháng qua, trong bối cảnh các nhà ... |