Tìm hiểu văn học trinh thám Việt Nam cùng nhà văn Di Li
Văn học trinh thám theo thời gian đã giành được một vị trí vững chắc không thể thiếu trong nền văn học phương Tây, đặc biệt là Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Nga, Mỹ… Ở châu Á, ngày càng có nhiều tác giả tạo được trụ cột vững chắc cho thể loại này ở những năm đầu thế kỷ XXI như: Lôi Mễ, Tang Thượng, Chu Hạo Huy (Trung Quốc), Jeong You Jeong (Hàn Quốc), Higashino Keigo, Yoshida Shuichi (Nhật Bản)…
Tại Việt Nam, trải qua gần 100 năm, từ những tập truyện đầu tiên của Phạm Cao Củng theo trường phái thám tử Sherlock Holmes cho đến “Gói thuốc lá” của Thế Lữ, trinh thám dừng lại nửa thế kỷ. Nhà văn Di Li là tác giả đương đại đầu tiên tiếp nối truyền thống hiếm hoi này với 2 cuốn tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7”.
Di Li là một trong những tác giả Việt hiếm hoi viết thể loại trinh thám
Trong buổi tọa đàm, nhà văn Di Li và các nhà chuyên môn như Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Xuân Hà, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Quốc Trọng sẽ cùng trao đổi về vai trò của trinh thám đối với một nền văn học muốn phát triển toàn vẹn và đồng đều. Các chuyên gia cũng bàn luận về tính hiện đại trong nội dung, đề tài và văn phong 2 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Di Li. Trinh thám đóng góp gì cho sự phát triển xã hội và nhận thức của con người? Đó là đề tài mà các diễn giả sẽ cùng thảo luận.
Nhà văn Di Li hiện là giảng viên tiếng Anh của trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR của trường Đại học Hòa Bình, hội viên Hội nhà văn châu Á – Thái Bình Dương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Bìa tác phẩm "Trại hoa đỏ" của Di Li
Chị đã có 28 đầu sách được phát hành bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký, sách chuyên ngành và sách dịch. Chị cũng có tập truyện ngắn được dịch sang tiếng Anh với nhan đề “The Black Diamond” và dịch sang tiếng Hà Lan với nhan đề “Cocktail”.
Mạnh Phúc