Tìm đường cho"con cá, củ khoai" Kiên Giang tiến vào thị trường Trung Quốc
Vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh miền Tây Nam bộ vào thị trường tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ông Trần Duy Đông cho biết: “Việc triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết (5 nhà: nhà nước; nhà khoa học; doanh nghiệp; nông dân; ngân hàng) ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn chưa thực sự đạt được hiệu quả; phần lớn các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua mua bán dân gian, hợp đồng miệng là chủ yếu, chỉ khoảng 10% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua hợp đồng bằng văn bản, vì vậy rủi ro dễ xảy ra, giá trị nông sản, thủy sản bấp bênh. Để từng bước chủ động và ổn định thị trường đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản, thủy sản sản của các địa phương đối với thị trường trong và ngoài nước, từ đó phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả…”
Đồng chí Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị. |
Hội nghị lần này chính là diễn đàn tốt nhất cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ nông sản, thủy sản thời gian tới đồng thời được được hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn nông sản, thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do lãnh đạo Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng tỉnh Quảng Tây phổ biến.
Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp”.
UBND TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cùng các tỉnh, thành Tây Nam bộ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông, thủy sản. |
Đại diện Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Ông Trần Kiến Lâm cho biết: “Thời gian qua Thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã và đang thiết lập nhiều cơ chế tích cực về giao lưu hữu nghị, trao đổi thông tin và hợp tác qua biên giới. Đặc biệt với cơ chế “123” thương mại (Cơ quan thương vụ hai bên gặp nhau 01 tháng 01 lần, Cơ quan quản lý cửa khẩu hai bên 02 tháng gặp nhau 01 lần, Chính quyền hai thành phố 03 tháng gặp nhau 01 lần) hai bên có thể dễ dàng trao đổi thúc đẩy phát triển thương mại, cùng nhau hình thành cục diện mới hợp tác mở cửa cùng phát triển, cùng có lợi. Bên cạnh đó, thành phố Đông Hưng với hệ thống chính sách ưu đãi toàn diện, cơ chế kết nối hoàn thiện, điều kiện thông quan tiện lợi đã và đang trở thành khu vực trọng tâm trong việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Dịp này, Sở Công thương 7 tỉnh Tây Nam Bộ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản, thủy sản với Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; và Biên bản giữa các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến nông sản thủy sản với Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đây là cơ hội lớn đối với tỉnh Kiên Giang và các tỉnh Tây Nam bộ nhằm tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của các tỉnh phục vụ công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy sản vào thị trường tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc trong thời gian tới.