Tiếng Việt trở thành lợi thế cạnh tranh của trường học Đài Loan
Học sinh gốc Việt Hứa Thuần Hựu (trái) và cô giáo Nguyễn Thị Kim Chi trong một giờ học tiếng Việt tại TH Cao Thụ. Ảnh chụp màn hình PTS |
Nếu có dịp tới thăm trường TH Cao Thụ (huyện Bình Đông, phía Nam Đài Loan, Trung Quốc), khách tham quan sẽ dễ dàng bắt gặp những lớp học không khác gì ở Việt Nam. Cô giáo mặc áo dài đứng trên bục giảng, viết lên bảng những chữ "o", "a"..., dạy các em từng nét chữ, cách ghép vần. Ở dưới, các em học sinh chăm chú dõi theo, rồi đồng thanh đọc theo cô.
Theo trang tin PTS, tại Đài Loan (Trung Quốc), số học sinh thuộc thế hệ di dân thứ hai ở độ tuổi thiếu niên đang ngày càng tăng. Đơn cử như trường TH Cao Thụ, trong 400 học sinh toàn trường, đã có đến 20% là các em thuộc nhóm này (hầu hết là người Việt).
3 năm trước, trường TH Cao Thụ đã thí điểm sử dụng chương trình "giáo khoa di dân mới", và sau đó ra mắt đề cương dạy học mới, chính thức đưa môn tiếng Việt vào chương trình giáo dục quốc tế.
Những mô hình dạy tiếng Việt như ở trường TH Cao Thụ đã đóng vai trò tích cực trong việc giúp trẻ em sinh ra, lớn lên ở nước ngoài gìn giữ được sợi dây gắn kết với quê mẹ, hướng về nguồn cội. Đa số các em học sinh gốc Việt đều nhận thấy lợi ích trước mắt của việc học tiếng mẹ đẻ là giúp các em có thể trò chuyện trực tiếp với ông, bà ngoại và người thân trong những chuyến về thăm quê hương.
Theo trang PTS, tại trường TH Cao Thụ, bên cạnh học sinh gốc Việt, bất cứ học sinh nào có nhu cầu học tiếng Việt đều có thể tham gia lớp như một ngoại ngữ tự chọn. Đặc biệt, chính sự đa dạng hóa các môn học như việc thêm tiếng Việt vào chương trình học đã góp phần làm tăng sức cạnh tranh quốc tế cho trường trong thời kỳ hội nhập.
Xem thêm: Học sinh và thầy tỉ thí cờ gây sốt