Tiến trình phân định biên giới Việt Nam - Lào (bài 17)
Biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 1945 – 1975 (bài 16) Trong giai đoạn này, cả Việt Nam và Lào đều phải tiến hành kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cả hai nước đều thấy rằng ... |
Biên giới Việt Nam - Lào trước khi Pháp xâm lược Đông Dương (bài 15) Việt Nam và Lào là hai quốc gia láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương. Nhân dân hai nước đã gắn bó với ... |
Đẩy mạnh hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào TĐO - Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962-2017) và 40 năm ngày ký kết ... |
Quá trình phân giới, cắm mốc
Từ ngày 23/5 đến 03/7/1978, Ủy ban Liên hợp Phân giới trên thực địa đã họp khoá đầu tiên tại Viêng Chăn để thông qua chủ trương, kế hoạch và phương pháp phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới; đồng thời trao đổi thống nhất phương pháp giải quyết những nội dung có liên quan như: vấn đề chuyển giao các khu vực cần chuyển giao, vấn đề xây dựng quy chế biên giới...
Từ ngày 25/7/1978 đến 31/3/1979, Ủy ban Liên hợp đã triển khai làm thí điểm đoạn biên giới giữa Bình Trị Thiên và Sa Va Na Khet, mở đầu bằng đoạn 24 km ở phía Nam và phía Bắc cầu Xà Ợt trên đường 9 (Lao Bảo), sau đó tiếp tục làm đoạn 192 km còn lại.
Cột mốc biên giới 605 trên biên giới Việt Lào (Ảnh: TTX) |
Tháng 7/1979, Ủy ban Liên hợp triển khai nhiều đợt công tác liên tục để hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào. Đến tháng 6/1981, hai bên đã phân giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới Việt Nam - Lào. Tuy nhiên, trong quá trình phân giới, cắm mốc, do Hiệp ước có sai sót và do thực tế của đường biên giới cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của cả hai bên, nên Bộ Chính trị Trung ương hai Đảng đã phải trao đổi, thoả thuận và, cuối cùng trong cuộc hội đàm ngày 28/01/1984, hai Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giải quyết xong toàn bộ các khu vực còn tồn tại trên biên giới Việt Nam - Lào.
Ngày 24/8/1984, thực hiện thoả thuận của hai Bộ Chính trị, hai bên đã cắm xong mốc G-12 ở khu vực Na Hàm, kết thúc công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào theo Hiệp ước Hoạch định Biên giới quốc gia giữa hai nước. Tổng cộng trong giai đoạn này, hai bên đã phân giới được 1.877 km trong tổng số 2.067 km đường biên giới và cắm được 202 mốc quốc giới.
Ngày 24/01/1986, Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được ký tại Viêng Chăn. Nghị định thư đã miêu tả đầy đủ đường biên giới đã được phân giới trên thực địa giữa hai nước, các mốc quốc giới đã được cắm, các khu vực đã được chuyển giao giữa hai bên kèm theo có đầy đủ các văn bản, bản đồ, sơ đồ pháp lý ghi nhận kết quả phân giới, cắm mốc theo đúng thủ tục và trình tự của luật pháp quốc tế
Linh hoạt để phù hợp luật pháp và thực tiễn
Trong quá trình đi thực địa, hai bên đã xác định được trên thực địa một đường biên giới về cơ bản là đường biên giới đã được hoạch định trong Hiệp ước năm 1977, nhưng đồng thời đã thoả thuận một số chỗ điều chỉnh khác với đường biên giới hoạch định và sửa nguyên tắc hoạch định biên giới theo sông, suối cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Những sửa đổi có tính nguyên tắc đó đã được hai bên xác định trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định và được ký vào ngày 24/01/1986 tại Viêng Chăn.
Đội tuần tra chung của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Lào tại mốc quốc gia 255. Ảnh: qdnd.vn |
Thực hiện Hiệp ước bổ sung, từ ngày 25/12/1986 đến ngày 06/4/1987, hai bên đã phối hợp thực hiện việc sửa đổi toàn bộ 196 km đường biên giới đi một bên bờ sông suối, thành đường biên giới đi ở giữa dòng trên cả thực địa và bản đồ; cắm mới 06 cụm mốc ba, 02 cụm mốc đôi và xây lại 01 mốc đơn, đồng thời đã phá dỡ 05 mốc không cần thiết trên sông, suối biên giới.
Ngày 16/10/1987, hai bên đã ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung, kèm theo đó có toàn bộ các văn bản pháp lý của quá trình này, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào.
Đánh giá kết quả quá trình phân giới và cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ Lào đã cùng tuyên bố:
“Hai Bên rất vui mừng nhận thấy rằng: Trong quá trình phân vạch cụ thể đường biên giới trên thực địa, những trường hợp khó khăn do lịch sử để lại, do địa hình rừng núi hiểm trở gây ra, đều được giải quyết tốt trên cơ sở hoàn toàn nhất trí, tôn trọng lẫn nhau, vừa bảo đảm nguyên tắc, vừa bảo đảm hữu nghị, đậm đà tình nghĩa anh em, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào".
Khai mạc các hoạt động giao lưu VHTTDL vùng biên giới Việt Nam - Lào 2017 Sáng 5/7/2017, tại TP.Sơn La đã diễn ra các hoạt động mở màn cho Ngày hội Giao lưu văn hóa thể thao du lịch (VHTTDL) ... |
Đẩy mạnh hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào TĐO - Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962-2017) và 40 năm ngày ký kết ... |