Tiền nội chủ động làm nóng thị trường, có cổ phiếu đạt thanh khoản cao nhất 9 tháng
Định vị thị trường
Trước khi Trung Quốc công bố số liệu CPI, các thị trường chứng khoán tại châu Á lại đang có những diễn biến giảm đồng loạt. Các chỉ số Hang Seng, SHCMP, CSI 300 đã có phiên điều chỉnh khá nhanh trong khi một loạt các chỉ số như TWSE (-0,55%), NIKKEI 225 (-0,41%), KLSE (-0,47%) cũng ít nhiều bị tác động theo.
Trong bối cảnh trên, vận động của VN-Index chịu thử thách khi mới chớm lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, sau một phiên giao dịch khá "chưng hửng", các nỗ lực tăng điểm đã trở lại để giúp thị trường có kết quả khá tích cực.
Chất xúc tác
Phiên hôm nay, khối ngoại chỉ bán ròng 35 tỷ đồng trên cả 3 sàn nhưng đã là phiên rút tiền thứ 5 liên tiếp khỏi thị trường chung. Trạng thái này không mới nhưng vẫn đòi hỏi dòng tiền trong nước cần phải có sự chủ động cao.
Điều này đã được đáp ứng khi chốt phiên, khối lượng khớp lệnh được đẩy qua mức bình quân 20 phiên, đạt 650,68 triệu đơn vị, tương đương 9.826 tỷ đồng. So với khối lượng khớp của phiên hôm qua, rõ ràng đã HOSE đã thể hiện được sự quyết liệt hơn.
Vận động nhóm ngành
Cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản của phiên hôm nay là DXG (+6,72%) khi đạt giá trị khớp lệnh là 488 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều mã cùng ngành Bất động sản như VPH (+7%), DLG (+7%), DIG (+3,51%), TDH (+4,5%), SCR (+4,1%), KHG (+3,7%), LDG (+3,5%), NLG (+2,6%) cũng có trạng thái giao dịch khá hưng phấn.
Nhóm cổ phiếu Khu Công nghiệp cũng có sự tiếp ứng của dòng tiền như GVR (+4,3%) VGC (+5,8%), LHG (+2%), ITA (+2,9%), KBC (+1,1%) trong đó KBC làm nhiệm vụ hút tiền với quy mô giao dịch 258 tỷ đồng. Còn GVR là cổ phiếu kiến tạo điểm số cho cả nhóm lẫn toàn bộ thị trường chung.
Xét về khối lượng giao dịch, 2 cổ phiếu nổi bật nhất của nhóm Bất động sản và Khu Công nghiệp là DXG và GVR còn xác nhận những cột mốc rất đáng chú ý. DXG ghi nhận mức thanh khoản cao nhất kể từ tháng 11/2022 còn GVR cao nhất kể từ tháng cuối tháng 8/2022.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu còn có sự hỗ trợ nhất định từ một số cổ phiếu Ngân hàng như STB (+2,3%), VIB (+2%), MBB (+1,1%), OCB (+2,5%), SHB (+3,6%). Sau chuỗi các phiên điều chỉnh cuối tháng 4, hiện STB, SHB, VIB đều đã lấy lại được xu hướng tăng ngắn hạn và hứa hẹn sẽ giúp thị trường sẽ tiếp tục phát triển nhịp hồi phục trong thời gian tới.
Chốt phiên, toàn HOSE có 64% mã tăng giá. Chỉ số VN-Index tăng 4,49 điểm lên 1.058,26 điểm (+0,43%) qua đó thể hiện rõ những nỗ lực bứt phá khỏi đường MA20. Tính cả giao dịch thỏa thuận, thanh khoản sàn đạt 717,42 triệu đơn vị, tương đương 11.157 tỷ đồng.
2 chỉ số còn lại còn thể hiện tốt hơn với biên độ rộng hơn. HNX-Index tăng 0,92% lên 213,89 điểm với thanh khoản đạt 1.705,19 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index tăng 0,64% lên 78,84 điểm, đạt giá trị giao dịch 550,94 tỷ đồng.
Những cổ phiếu giao dịch tích cực nhất trên UPCoM và HNX nằm ở nhóm Chứng khoán và Bất động sản là CEO (+4,1%), SHS (+2,8%), C4G (+5,8%), SBS (+6%).