Thương tiếng cồng chiêng
Nói đến Tây Nguyên là nói đến cái Exotique giá trị “Đại ngàn”, về không gian văn hóa cồng chiêng, nó đại diện, chi phối. “Exotique”(khái niệm dùng trong dân tộc học, nhân học với nghĩa là Lạ, bề mặt của cái lạ - có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp) lớn đến nỗi dường như nhắc đến Tây Nguyên không thể có sự lựa chọn nào khác thế, cho dù ở thời đại nào, hoàn cảnh nào. Tinh thần ấy vang lên trong bối cảnh mà bên ngoài thực địa Tây Nguyên bằng mắt ai cũng thấy nó không còn điệp trùng rừng, ngút ngàn nguyên sinh, thẳm sâu huyền thoại, mà đã là bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, mênh mông tiêu, điều, bắp, đậu, cùng với cảnh trạng chật nêm làng xã mới với người nhập cư từ xa đến.
Thương tiếng cồng chiêng. |
Nhưng bỗng giờ đây, muốn nghe diễn xướng cồng chiêng ai cũng phải bỏ tiền, mua tour, mua vé, và giới hạn số người nghe xem.
Sẽ không sao cả. Vì với Tây Nguyên, việc đưa tiếng chiêng vào du lịch, thành “hàng hóa”, sản phẩm giải trí, sản phẩm du lịch là sự cần thiết để phát triển kinh tế, và thúc đẩy nền du lịch, là thức thời hóa những giá trị văn hóa mà ta có. Nhưng mọi thứ giá trị sinh lợi cần được nuôi dưỡng.
Dù ta có bênh vực cho việc lấy “chất liệu” đại ngàn làm phông nền kia cũng không làm cho mọi ngọn núi, cánh rừng, dòng sông, con suối … trùm lên màu xanh nguyên sinh, và khỏa lấp được sự thật là những chỏm rừng tự nhiên chỉ còn với diện tích ít ỏi, le lói và luôn phập phồng trong vài vườn quốc gia trên xứ sở này. Tiếng chiêng dịch vụ du lịch được đánh lên, không từ nhu cầu riêng tư của từ bà con sơn nguyên ở các plei, bon, buôn vẫn cứ ít nhiều lay động được du khách. Và đôi khi, đứng trước những “tour” dịch vụ cồng chiêng đó, bà con sơn nguyên và những người am hiểu sâu về không gian văn hóa cồng chiêng ngỡ như người ta đang tưởng niệm, làm kỷ niệm về ký ức của nền văn minh rừng, không gian văn hóa cồng chiêng, văn hóa Tây Nguyên, hơn là thực tiễn đời sống. Kêu gọi sự cần thiết phải biết ngượng khi nói về sự ăn khớp, ở đây là sử dụng chất liệu “đại ngàn”, sự thật đang diễn ra trong đời sống, sẽ là một câu chuyện khác, vì với khách du lịch thường thì chỉ là sự thỏa mãn, vui mắt, vui tai, lạ hơn những thứ văn nghệ giải trí ở Sài Gòn, Hà Nội, Qui Nhơn, Đà Nẵng là được, đủ. Du khách nào cũng nghe được tiếng chiêng, cũng thấy vui mắt trước các vũ điệu sơn cước, nhưng không phải ai cũng biết tiếng chiêng là thông điệp của bà con sơn cước sống và dùng nó để “trò chuyện” với trời đất, giao tiếp với thần linh, và để diễn ra sự giao tiếp đó phải cần vật chủ, rừng, cùng hệ thống giá trị sinh ra theo rừng.
Cồng chiêng dịch vụ du lịch thì không có đời sống thật của bà còn sơn nguyên ở đó. Nên mỗi khi tiếng cồng chiêng không từ nhu cầu trao đổi tâm tư của người sơn cước vang lên, những ai hiểu về nó cứ day dứt cho tiếng chiêng thật - có quan hệ trực tiếp với không gian sinh nở ra nó và đối tượng gắn bó với nó.
Giờ đây, 450.000 hécta cà phê của vùng mỗi năm đã đưa về 3,5 tỉ USD, cùng hàng trăm ngàn hécta tiêu, cao su… đưa thêm về vài tỉ USD nữa. Đó là niềm vui vật chất lớn. Nhưng cùng lúc cũng có một cái hao tổn rất nặng, sâu, là mất mát về văn hóa, tinh thần, không gian đặc trưng của xứ sở. Bởi tất cả số vật chất có được đều là đánh đổi từ rừng, thay rừng bằng cây công nghiệp. Trước kia mỗi năm mất trên trăm ngàn hécta rừng nguyên sinh. Cho đến những năm gần đây cũng mất thêm mỗi năm ít nhất hai vạn hécta rừng tự nhiên. Tình cảnh nhiều nơi ở Tây Nguyên giờ phải khoan giếng sâu cả trăm mét mới tìm thấy nước uống và nước tưới là điều chưa từng thấy trên xứ sở. Qui hoạch cây trồng nào cũng vỡ qui hoạch, mất kiểm soát, thậm chí gọi đúng tên phải là “rơi” tự do. Chính bão lực của những cây trồng đó cùng cơn lốc dân nhập cư không dừng đã xua đi những cánh rừng nguyên sinh của Tây Nguyên, lột trần xứ sở. Rừng là sinh mạng văn hóa Tây Nguyên lẫn không gian sinh tồn của cộng đồng dân ở Tây Nguyên, và cả sự an toàn cho miền xuôi, cũng như sự ổn định chính trị, xã hội cho Tây Nguyên. Tất cả có được từ rừng. Những gì diễn ra không khoa học, hài hòa, vênh lệch, tắc trách, bất cập mấy chục năm qua là một cuộc đổi chác nghiệt ngã. Còn trong từng tổ nhà, đến cấu trúc xã hội của cộng đồng bản địa bị rạn vỡ ở nhiều khía cạnh đời sống lẫn tinh thần. Bởi, rừng đẻ ra văn hóa Tây Nguyên, từ cái lễ thổi tai để hình thành nên kiếp con người, cho đến lễ cúng rừng, rẫy, mưa, bến nước, lúa mới, mừng tuổi, bỏ mả…
Tiếng cồng, tiếng chiêng mà khi nói về Tây Nguyên ai cũng biết chỉ “sống” đúng nghĩa, thiêng, thật, bền khi nó được đánh lên trong không gian của rừng, con người được đối thoại trực tiếp với rừng, chan hòa vào thiên nhiên xứ sở, vọng đến Yàng Bri (thần, rừng). Tây Nguyên quí báu, huyền thoại là ở chỗ này. Nhưng giờ đây, những lễ hội đó, tiếng cồng tiếng chiêng đó đã vắng bóng dần trong đời sống thật của cộng đồng ở các (làng) bon, buôn, plei… Nói sáng rõ hơn, nó chỉ còn xuất hiện thường trong các tour du lịch, điểm dịch vụ du lịch, hay các chương trình sân khấu hóa, lên “kịch bản”. Nghĩa là không từ tự thân cộng đồng, hoặc họ không thuộc về. Và cả Sử thi (Ót n’rông, Khan, H’mon) mà Chính phủ đang hướng đến đưa ra thế giới công nhận di sản văn hóa phi vật thể thế giới lại càng thế, phụ thuộc vào rừng.
Không phải ngẫu nhiên mà quá mười năm trước, UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng” là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, chứ không phải là chiếc cồng, chiếc chiêng, với tư cách nhạc cụ, tiếng chiêng, việc biểu diễn nó. Họ thừa nhận nó ở cái bao trùm, giá trị tích hợp, đi cùng, không tách rẽ. Rừng không còn, thì không gian di sản đó trú ở đâu (!?). Bỗng một ngày tôi le lói hy vọng vào sự hồi sinh của không gian văn hóa cồng chiêng, chứ không phải kiểu hùa heo nói leo theo tiếng cồng chiêng son phấn dịch vụ, rằng không gian văn hóa cồng chiêng đang rất mong manh, chênh vênh. Nên năm kia, khi đến Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra vấn đề phát triển mới cho Tây Nguyên: “Phải làm cho hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn”, và ông dùng từ “tội ác” để chỉ những hành động phá rừng, vi phạm lâm luật.
Đối với các hoạt động biểu diễn, cần có phương án để hoạt động diễn xướng cồng chiêng không bị biến tướng, và thương mại hóa vô lối. Trước tiên là phải bớt giả trang và son phấn lên các chương trình biểu diễn cồng chiêng, dù là phục vụ lễ lạt hay hoạt động kinh doanh du lịch. Trả lại giá trị đích thực của tiếng cồng tiếng chiêng. Và dĩ nhiên, văn hóa cồng chiêng cần được quảng bá sâu rộng hơn, không chỉ trong nội quốc mà cần phải hướng ra ngoại quốc để giá trị của nó được lan tỏa, hồi sinh sức sống, và nhân đó tìm kiếm thêm cơ hội cho huy động nguồn lực tài chính, những dự án tài trợ, nhất là phát triển không gian rừng, để phục vụ việc bảo tồn cho được nó.
Còn rừng thì Tây Nguyên còn khỏe mạnh, vững chãi. Tây Nguyên quan trọng lắm, vẫn cứ đang là mái nhà của Đông Dương, lá phổi xanh, tấm áo tự nhiên và Tô Dà - nơi tạo ra nguồn nước (tiếng các dân tộc bản địa xứ này) nhân từ để cân bằng, che chở và nuôi dưỡng cho đồng loại mình ở dọc duyên hải Miền Trung, Sài Gòn-TP.HCM, và cả miền Tây Nam Bộ (nhiều con sông chảy về dòng Mê Kông phía bên Lào, Campuchia để tụ về đó) xưa nay mà. Và bằng cái nhìn thực dụng cho tương lai, Tây Nguyên là “của để dành” cho đất nước, giữa thời buổi biến đổi khí hậu, và mối nguy “Biển tiến” đang hé lộ dần từ đại dương dưới kia.
Giá trị cao cả của “đại ngàn” đang thách thức lương tâm và sự tận tình của chúng ta, mà trước hết cho cộng đồng gắn bó máu thịt, ngàn đời ở đó. Những lúc thế này, tiếng vọng của sử thi Dam San-một trong hàng trăm bộ sử thi đặc sắc ở Tây Nguyên - từ trong mù xa lại vang lên thứ ký ức đại ngàn của xứ sở: “Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà sàn vang xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời và lan ra khắp cả xứ. Hãy đánh cho đến lúc voi và tê giác phải lắng nghe mà quên cho con bú. Đánh cho ếch nhái và dế cũng phải lắng nghe mà không kêu nữa…”.
Lampard lên tiếng về việc bị Chelsea 'trảm' không thương tiếc Là huyền thoại của CLB Chelsea và vinh dự được dẫn dắt đội bóng cũ gây được ấn tượng mạnh, Frank Lampard vẫn bị sa thải không thương tiếc. Cựu tuyển thủ người Anh đã lên tiếng về việc bị "bay ghế" ở Stamford Bridge. |
Bộ Công thương: Hoa Kỳ tiếp tục áp thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại song phương Thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang chuẩn bị tiếp tục áp thuế lên hàng hóa của Việt Nam từ tháng 12 này dựa trên cáo buộc Việt Nam định giá thấp tiền đồng. |
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động của Thuỷ điện Thượng Nhật Chiều ngày 27/11/2020, Cục Điều tiết điện lực đã ban hành Quyết định số 108 về việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật. |