Thúc đẩy xúc tiến thương mại, nông nghiệp, thuỷ sản Indonesia - Việt Nam
Ban tổ chức chia sẻ thông tin với doanh nghiệp tại hội thảo. |
Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Triển vọng xúc tiến thương mại Indonesia – Việt Nam năm 2024” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 1/4.
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết: Indonesia là đất nước có quy mô dân số đứng thứ 4 trên thế giới, ước đạt hơn 278 triệu người (năm 2023); trong đó, tỷ lệ dân số trẻ chiếm hơn 50%; tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở các thành phố, đem lại rất nhiều tiềm năng về chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng.
Indonesia đã và đang trở thành một thị trường trọng điểm và hết sức tiềm năng tại khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân Indonesia rất lớn, nhất là các sản phẩm Halal – vốn là thị trường còn rất nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 87% dân số Indonesia theo đạo Hồi).
Việt Nam và Indonesia đang phát triển mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt là kinh tế và thương mại. Với Việt Nam, thị trường Indonesia vẫn giữ vị trí quan trọng như là đối tác thương mại lớn thứ ba trong khu vực Asean và là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng củng cố vị thế trên thị trường Indonesia với giá trị xuất khẩu tăng trưởng liên tục qua các giai đoạn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Indonesia năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt hơn 5 tỷ USD.
Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Indonesia là gạo với hơn 1,16 triệu tấn, kim ngạch đạt 640 triệu USD; các nhóm hàng xuất khẩu đáng chú ý khác như: sắt thép (483 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (gần 380 triệu USD); điện thoại và linh kiện (368 triệu USD). Các mặt hàng như thủy sản, cà phê, sản phẩm hóa chất và các sản phẩm khác từ Việt Nam đều đã có mặt trên thị trường của Indonesia.
Theo bà Hồ Thị Quyên, so với nhiều thị trường trong ASEAN, Indonesia được đánh giá tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường Indonesia với giá trị kim ngạch xuất khẩu đang gia tăng theo thời gian. Bên cạnh gạo, các nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng có lợi thế so sánh và là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vẫn chưa đạt kỳ vọng, chưa khai thác hết tiềm năng của cả hai quốc gia.
“Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính quyền Thành phố đang tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, thủ tục để chào đón các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư Indonesia nói riêng đến đầu tư, kinh doanh. Thông qua hoạt động kết nối giao thương, các doanh nghiệp Indonesia có thể kết nối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu thành phố để tìm đại lý, nhà phân phối; đồng thời tiếp cận và tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu từ Việt Nam đối với các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, dệt may, mỹ phẩm... góp phần gia tăng hiệu quả thương mại giữa hai quốc gia”, bà Hồ Thị Quyên chia sẻ.
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hợp tác thương mại Việt Nam – Indonesia vẫn tăng trưởng đáng kể. Hai nước đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD trong thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia có sự tương đồng khi chủ yếu đều có quy mô vừa và nhỏ - đây cũng là đối tượng cốt lõi của tăng trưởng toàn diện và chuyển đổi kinh tế ở cả hai nước. Tại Indonesia, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới 61% GDP và 97% việc làm. Do đó, điều quan trọng là phải liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển và mở rộng hơn nữa thị trường của mình.
Theo ông Agustaviano Sofjan, ASEAN đang là địa điểm hấp dẫn về thương mại và đầu tư và là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Indonesia và Việt Nam cần tích cực khai thác tiềm năng này để khuyến khích nhiều hoạt động thương mại hơn nữa giữa hai quốc gia.
TP. Hồ Chí Minh được biết đến là đầu mối giao thương quan trọng ở Việt Nam, thường xuyên tổ chức nhiều triển lãm thương mại quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Xúc tiến thương mại thông qua triển lãm là một trong những cách để kết nối, mở rộng mạng lưới và thâm nhập thị trường.
Trong khi đó, ông Edwin Setiawan Tjie - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bên cạnh thương mại, Việt Nam – Indonesia có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam và Indonesia đều đạt được sự tăng trưởng ổn định trong những năm qua nhờ những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ canh tác. Tuy nhiên cả hai nước đều đối mặt với các thách thức tương tự nhau như biến đổi khí hậu, đất nhiễm mặn, dịch bệnh mới, sản xuất phụ thuộc vào phân bón…
“Việt Nam và Indonesia có thể chia sẻ kinh nghiệm điều chỉnh chính sách, dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của nhau. Trong lĩnh vực thuỷ sản, hai nước có tiềm năng hợp tác đầu tư chuyển giao công nghệ, xuất khẩu con giống, nghiên cứu phát triển mô hình canh tác bền vững…” - ông Edwin Setiawan Tjie chia sẻ thêm.