Thúc đẩy phổ biến văn học Việt Nam tại Đức
Phó Chủ tịch Bùi Khắc Sơn (phải) và GS Günter Giesenfeld tại buổi tiếp
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Bùi Khắc Sơn chào mừng đoàn Hội hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức đến thăm Việt Nam; đánh giá cao những đóng góp của Hội cho mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Đồng thời khẳng định Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn những con người hết lòng hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là các thành viên Hội hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức và GS Günter Giesenfeld, người đã dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho sự phát triển của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Bùi Khắc Sơn hi vọng trong tương lai, Hội hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam làm tốt vai trò cầu nối tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – CHLB Đức.
GS Günter Giesenfeld cho biết: Thời gian gần đây, bên cạnh các hoạt động đoàn kết và giúp đỡ tinh thần và vật chất thông qua các dự án cho nhân dân Việt Nam, một trọng tâm hoạt động khác của Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức là lĩnh vực văn hóa và các dự án về văn học. Hội hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức đã mời các tác giả và nhà xuất bản Việt Nam sang Đức tham dự Hội chợ sách Frankfurt lớn nhất thế giới. Hàng năm, Hội đều thuê một gian triển lãm và các nhà xuất bản của Việt Nam có thể triển lãm các sách và ấn phẩm của mình, tiếp xúc với các nhà xuất bản và nhà xuất nhập khẩu sách báo trên toàn thế giới, ký kết các hợp đồng về phát hành và bản quyền tác giả trong dịch thuật, qua đó tuyên truyền, phổ biến rộng rãi văn học Việt Nam tới nước Đức.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Nhân dịp này, GS Günter Giesenfeld gợi ý một số vấn đề phát triển nền văn học Việt Nam tại Đức và trao đổi kinh nghiệm khi Việt Nam muốn đăng cai làm khách mời danh dự tại hội chợ sách Frankfurt, đồng thời GS Günter Giesenfeld khẳng định sẵn sàng hỗ trợ việc chỉnh sửa các tác tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Đức và ngược lại.
Chiều cùng ngày, đoàn Hội hữu nghị Việt Nam của CHLB Đức có buổi làm việc với Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam - Đức để trao đổi tình hình hai nước, lên kế hoạch triển khai chương trình hợp tác đến cuối năm 2017.
Theo Vietpeace