Thư viện thân thiện của Room to Read giúp học sinh Quảng Trị chăm đọc sách
Room to Read xây hơn 130 thư viện chào mừng năm học mới |
Tổ chức Room To Read: Đổi đời cho hàng trăm nữ sinh Vĩnh Long |
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’hen Niê trở thành Đại sứ Toàn cầu của Room To Read |
Trong những thư viện thân thiện của Room to Read, sách được phân loại theo mã màu, kệ sách hoàn toàn mở, kê ở tầm thấp cho học sinh dễ dàng lựa chọn. Ảnh: Lâm Thanh/Báo Quảng Trị |
Mô hình thư viện thân thiện do Tổ chức Room to Read tài trợ tại 222 trường tiểu học ở 12 tỉnh, thành của Việt Nam từ nhiều năm nay, với hơn 1 triệu đầu sách, truyện thiếu nhi, đã góp phần giúp học sinh cấp tiểu học chăm đọc sách hơn và hình thành kĩ năng học tập suốt đời.
Trong năm 2019, Room to Read Việt Nam tiếp tục triển khai gói Hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học theo thỏa thuận hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu của Chương trình Thư viện thân thiện là giúp trẻ em phát triển thói quen đọc, cùng với việc phát triển kĩ năng đọc để trở thành người đọc độc lập. Chương trình tập trung vào những nội dung cốt lõi sau: Xây dựng và triển khai quy trình Thiết lập thư viện thân thiện; Tổ chức các hoạt động đọc, khuyến đọc nhằm xây dựng văn hóa đọc ở trường, gia đình và cộng đồng; Xây dựng năng lực, duy trì và phát triển bền vững Thư viện.
Theo đó, Thư viện được sắp xếp thân thiện để học sinh tiếp cận sách dễ dàng, sách được phân loại theo trình độ đọc tương ứng với trình độ đọc của từng lứa tuổi, được dán mã màu và đưa lên kệ có màu tương ứng; tổ chức tiết đọc thư viện hàng tuần, khuyến khích học sinh mượn sách về nhà tổ chức ngày hội đọc sách cho giáo viên, học sinh và cộng đồng; tổ chức tôn vinh và trao giải thưởng Sao đọc sách cho học sinh…
Thực hiện Văn bản thỏa thuận hợp tác, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã thành lập Ban Điều phối và Tổ hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi và giám sát Chương trình Thư viện thân thiện trường tiểu học trực tiếp là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các trường dự án. Ban điều phối và Nhóm cán bộ hỗ trợ được thành lập nhằm chỉ đạo, quản lý và điều phối việc thực hiện các chương trình của Room to Read tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20 trường tiểu học của 5 huyện (Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Triệu Phong và Hải Lăng) tham gia xây dựng thư viện theo Mô hình này và một trường tự nguyện thực hiện nhân rộng (TH Vĩnh Thủy). Từ bây giờ, ngoài thư viện của trường, thư viện ngoài trời và các tủ sách măng non của các lớp, thì các em có thêm một phòng đọc sách đẹp, thân thiện, với mong muốn các em sẽ yêu quý sách và đọc sách thường xuyên, tự nguyện và thích thú hơn, xây dựng thói quen đọc, văn hóa đọc. Qua đó, các em có ý thức và kĩ năng học tập suốt đời.
Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản hơn rất nhiều để khuyến khích các em chủ động mượn sách. Thông qua hoạt động đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà, thư viện thân thiện góp phần hỗ trợ học sinh phát triển ngôn ngữ, rèn kĩ năng giao tiếp và cải thiện chất lượng học tiếng Việt.
Cùng với thiết lập và quản lí thư viện vận hành theo Mô hình của Room to Read, trong năm học này các nhà trường sẽ linh hoạt tổ chức các tiết đọc thư viện vào trong chương trình giảng dạy một cách phù hợp với thời lượng từ 1-2 tiết/tháng/lớp.
Lễ cắt băng khai trương thư viện thân thiện tại trường Tiểu học thị trấn Ái Tử. Ảnh: Cổng thông tin Huyện Triệu Phong |
Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Đông Giang (thành phố Đông Hà) cũng là một những trường được Room to Read được cải tạo lại dựa trên nền cũ của thư viện truyền thống. Ngoài thảm xốp trải phòng được trao bị thêm, bàn và kệ sách hoàn toàn mở (không có cửa kính như trước), lại được kê ở tầm thấp để học sinh chủ động và tự do trong việc chọn sách, thư viện còn có góc tra cứu, góc nghệ thuật, góc trò chơi…
Đánh giá hiệu quả của mô hình Thư viện thân thiện, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Giang, từ khi Thư viện thân thiện đi vào hoạt động trong năm học 2019 -2020, trường tổ chức nhiều hình thức khuyến khích các em học sinh tiếp cận với sách và đọc sách. Ngoài việc phân loại sách theo 6 mã màu bắt mắt tạo hào hứng với việc đọc sách, trường còn tổ chức các tiết đọc thư viện (2 tuần/ tiết) dưới sự hướng dẫn của giáo viên, vận động các em ghi nhật kí đọc sách.
Thêm vào đó, việc phân loại sách theo mã màu làm cho học sinh dễ chọn sách. Ngoài không gian đọc sách ở trong phòng, trường còn tận dụng trang trí không gian ngoài hiên làm nơi để học sinh chơi các trò chơi như ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng... Cũng từ ngày có thư viện mới, nhà trường đã bố trí một nhân viên thư viện riêng chứ không để giáo viên kiêm nhiệm như trước.
Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, một Thư viện thân thiện đã được khai trương tại Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong).
Theo cô giáo Bùi Thị Hương Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ái Tử cho rằng ưu điểm nổi trội của thư viện thân thiện là học sinh không chỉ đến thư viện mượn sách đọc, mà đó là cả một không gian để các em học và vui chơi. Sự thân thiện thể hiện qua gắn kết giữa cán bộ thư viện, giáo viên và học sinh. Cán bộ thư viện trực tiếp hướng dẫn các em chọn những quyển sách phù hợp, hay để đọc. Nơi đây trở thành một phòng học thứ hai của các em sau lớp học của mình. Nhà trường cũng đồng ý cho 100% học sinh mượn sách về nhà đọc với mong muốn người thân, cha mẹ học sinh cùng đọc để có thể hướng dẫn, chia sẻ thêm với con em mình.
Theo ông Phan Hữu Huyện, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Quảng Trị, nhận thấy mô hình Thư viện thân thiện là chương trình có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc góp phần tạo môi trường học tập thân thiện, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, Sở GD&ĐT đã tiếp cận và chuyển giao kĩ thuật cho các trường tự nguyện tham gia.
Từ những hiệu quả bước đầu sau khi triển khai mô hình Thư viện thân thiện do Tổ chức Room to Read hỗ trợ, thời gian tới, Sở GD&ĐT Quảng Trị sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá hiệu quả cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện làm cơ sở từng bước triển khai nhân rộng cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh./.