Thủ tướng Sisoulith khẳng định Lào sẽ tiếp tục phát triển thủy điện
Ngày 12/9, tham dự phiên thảo luận về Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), Thủ tướng Thongloun Sisoulith khẳng định Lào có nguồn tài nguyên nước lớn, tạo điện đủ dùng trong nước và xuất khẩu.
“Chúng tôi đã đạt được 2/3 kỳ vọng trong nỗ lực sản xuất điện tại Lào và xuất khẩu sang các quốc gia khác nhau. Chúng tôi đã xuất khẩu điện sang Việt Nam, Thái Lan và Campuchia”, ông nói. Lào hiện có khoảng 50 đập thủy điện khắp cả nước.
Theo Thủ tướng Lào (ngồi giữa), đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy hiện vẫn đang được xây dựng lại. Ảnh: H.N
Trả lời câu hỏi của ông Justin Wood – Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, người điều phối phiên thảo luận về những thay đổi trong năng lực sản xuất điện của Lào sau sự cố vỡ đập dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết, câu nói Lào là nguồn xung lực, nguồn pin của ASEAN đến từ một bài báo do một tạp chí viết về Lào nhiều năm.
Tạp chí này đã thực hiện một nghiên cứu về Mekong cũng như đóng góp của Lào. Đây chính là cơ hội cho phát triển về và năng lực thủy điện của Lào, phục vụ phát triển xuất khẩu và sản xuất và hợp tác với các quốc gia lân cận. Theo nghiên cứu này, Lào trong tương lai sẽ trở thành nguồn pin và nguồn xung lực cho các quốc gia Châu Á.
Tuy nhiên, ông Thongloun Sisoulith nhận định Lào khó có thể trở thành “cục pin châu Á” bởi “năng lực phát triển nguồn điện tại Lào so với nhu cầu của các quốc gia lân cận là rất hạn chế”. Ông khẳng định việc xây dựng đập thủy điện cần được thực hiện theo kế hoạch và nghiên cứu chỉn chu.
“Về trường hợp đập thủy điện bị vỡ, đập đang được xây dựng lại. Chúng tôi cam kết đảm bảo từ bây giờ, việc xây dựng các dự án thủy điện dựa trên việc lập kế hoạch rõ ràng, dự án chỉn chu và đảm bảo yếu tố phát triển kinh tế xã hội”, ông nêu rõ.
Cũng theo Thủ tướng Lào, trong xây dựng những dự án, đặc biệt là những dự án lớn, nước này phải kêu gọi các bên liên quan, các thành viên của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế nhận thức được tầm quan trọng cũng như tính khả thi, sao cho xây dựng được các công trình thủy điện hiệu quả.
“Sau tai nạn tại tỉnh Attapeu chúng tôi cũng đang tạm hoãn việc xây dựng của rất nhiều dự án thủy điện tại Lào. Chúng tôi đang rà soát, khẩn trương kiểm tra lại các dự án đang được xây dựng. Chúng tôi cũng kêu gọi các chuyên gia đến Lào thẩm tra lý do đập thủy điện vỡ vào tháng 7 đó” – ông cho biết.
“Chúng tôi đã học được nhiều những kinh nghiệm tốt từ việc xây dựng dự án thành công cũng như những rủi ro xuất phát từ đập thủy điện Lào bị vỡ hồi tháng 7. Tác động của sự cố của sự cố vỡ đập hồi tháng 7 là điều Lào sẽ luôn luôn ghi nhận, ghi nhớ trong quá trình phát triển sắp tới, trong thực hiện các dự án thủy điện. Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét các dự án khác nhau, như nguồn năng lượng gió để có thể tạo ra nguồn năng lượng xanh và bền vững”, ông Thongloun Sisoulith nhấn mạnh.
Ngày 12/9, thủ tướng Lào cùng lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và khu vực tới Hà Nội tham dự Hội nghị WEF ASEAN. Đây là một trong sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018.
N.H (t/h)