Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên làm việc với các trưởng đoàn G7
Tại hội nghị lần này, 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 tập trung thảo luận 5 chủ đề chính, gồm: đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng có lợi; chuẩn bị việc làm cho tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cùng hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương, thúc đẩy năng lượng sạch; và xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn.
Trên cương vị nước chủ nhà, Canada cam kết thúc đẩy các cuộc thảo luận để làm nền tảng cho các hành động trong tương lai nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu và đón nhận những cơ hội phát triển mới do những thay đổi mọi mặt về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, xã hội mang lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VOV
Mối quan hệ ngày càng tốt đẹp của Việt Nam và Canada
Các nước thành viên G7 cũng như các nước được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, trong đó có Việt Nam, đều phải đối mặt với thách thức chung là biến đổi khí hậu. Theo đó sẽ thảo luận các giải pháp để ứng phó với tình trạng này, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ.
Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 sau lần đầu tiên được mời tham dự vào năm ngoái tại Nhật Bản. Điều đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, thể hiện mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn của Việt Nam và nước chủ nhà Hội nghị G7 năm nay là Canada.
Điều đó cũng cho thấy năng lực của Việt Nam trong việc đưa ra các giải pháp, ý tưởng để giải quyết nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn về đề ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang quan tâm.
Đề xuất hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Trong khuôn khổ chủ đề và nghị sự của G7 năm 2018 dưới sự chủ trì và điều phối của Canada, nội dung của Hội nghị G7 mở rộng đặt trọng tâm vào vấn đề biển và đại dương. Hội nghị đã đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển; kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên làm việc với các trưởng đoàn G7 và G7 mở rộng sáng 9/6. Ảnh: TTXVN
Tại Hội nghị, hầu hết các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và biện pháp tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống xói mòn bờ biển và nước biển dâng, hình thành các cơ chế hợp tác và chuẩn mực quốc tế chung về chống rác thải nhựa, chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, tăng cường quản lý và bảo tồn sinh thái biển, phát triển cơ sở hạ tầng biển, bảo đảm phát triển bền vững các ngành kinh tế biển…
Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Canada về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam ủng hộ nước chủ nhà Canada dành trọng tâm nội dung nghị sự của Hội nghị G7 mở rộng năm nay tập trung vào chủ đề biển và đại dương; hoan nghênh các nước G7 đã thể hiện quyết tâm và tinh thần hợp tác để cùng tìm giải pháp thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.
Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
Thủ tướng cũng cho biết tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 6/2018, Việt Nam đề xuất Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa và được GEF hoan nghênh, hợp tác triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh mục tiêu đại dương xanh chỉ có thể đạt được khi môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác được gìn giữ và lan tỏa trên các đại dương.
Thủ tướng hoan nghênh các nước G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, theo đó cần tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm củng cố hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nước chủ nhà Canada và nhiều nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất cũng như lập trường của ASEAN về Biển Đông.
V.H (t/h)