Thủ tướng nêu 28 “chữ vàng” để Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên phát triển mạnh mẽ
Ngày 6/3, tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển nông nghiệp.
ĐBSCL chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế
Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL hiện có vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đến năm 2021, vùng kinh tế trọng điểm này là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông – lâm – thủy sản cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế này còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương vùng ĐBSCL. |
Cũng theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc. Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước.
Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, bình quân 16,9 tiêu chí/xã, trong đó có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn, đặc biệt là chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động biến đổi khí hậu; tác động phía thượng nguồn sông Mê Kông do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước. Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại; biến động thị trường khó lường, nhất là thị trường quốc tế, các tiêu chuẩn kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt hơn; tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tiếp đó là quan hệ sản xuất đổi mới còn chậm; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất nông – lâm – thủy sản còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao…
Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng GDP nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt trên 3%/năm; tốc độ tăng giá trị chế biến nông, lâm, thủy sản trên 7%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản trên 6%/năm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên 30%.
Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của vùng, đồng thời dành nhiều thời gian phân tích và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, chính sách liên quan đến việc sử dụng đất đai, phát triển và bảo vệ rừng; việc ban hành cơ chế, chính sách triển khai quy hoạch vùng, phát triển hạ tầng, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển; việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; liên kết vùng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vị trí, vai trò của ĐBCSL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. ĐBSCL cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng, đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước. Vùng có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch…
Tuy nhiên, thời gian qua ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế. Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản; năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp, tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao; thị trường chưa ổn định, tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu; hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng với tiềm năng…
28 “chữ vàng” để ĐBSCL bứt phá, vươn lên
Từ những ý kiến phát biểu, đóng góp của lãnh đạo các tỉnh, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận phát triển ĐBSCL trong thời gian tới gồm 28 chữ. Đó là: “Tư duy đột phá, Tầm nhìn chiến lược, Thích ứng chủ động, Chuyển đổi linh hoạt, Giá trị nâng cao, Nguồn lực công - tư, Đời sống chất lượng”.
Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới các địa phương trong khu vực cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng; quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, quy hoạch vùng ĐBSCL; phát huy tính tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình, lấy nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa là quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, xác định nguồn lực bên ngoài (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng và đột phá, đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng cũng lưu ý quy hoạch phải thực hiện “4 tốt” (quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt); chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm (trái cây, cá tra, du lịch sinh thái, du lịch biển).
Về hạ tầng, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục phát triển hệ thống cao tốc và khai thác lợi thế giao thông đường thủy; phát triển hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục), hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh vùng có tiềm năng lớn về nắng và gió… ĐBSCL cũng cần đẩy mạnh đào tạo nghề, quy hoạch lại và đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng để có nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương; đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh việc chinh phục các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, khai thác các FTA đã được ký kết, với các loại sản phẩm phù hợp như vừa qua đã đưa xoài đi châu Âu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành phải đồng hành cùng ĐBSCL để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo bước phát triển đột phá, nhảy vọt, không ngừng nâng cao đời sống người dân.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khánh thành Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tại Kiên Giang Chiều 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và bấm nút khởi động hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. |
Đặc biệt quan tâm chất lượng quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai điểm mấu chốt là bảo đảm tiến độ và đặc biệt quan tâm chất lượng quy hoạch, với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. |
Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn mở cửa, không để lỡ nhịp phục hồi nhanh, phát triển bền vững Tình hình kinh tế xã hội trong tháng 1 chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp trên tinh thần không chủ quan, lơ là nhưng tự tin mở cửa trở lại, không để lỡ nhịp phát triển, phục hồi nhanh, phát triển bền vững. |