Trang chủ Chính trị - Xã hội
14:30 | 14/11/2021 GMT+7

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11

aa
Sáng ngày 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực được chất vấn Tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực được chất vấn
Tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn
Chúng ta đã huy động được sức mạnh và niềm tin của nhân dân Chúng ta đã huy động được sức mạnh và niềm tin của nhân dân
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến cử tri đánh giá cao các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhất là các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch và chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đất nước đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong đại dịch, Nhân dân tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ.
Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các đại biểu đến dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa nhân Ngày 20/11 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 60 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu.

"Tất cả vì học sinh thân yêu"

Phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ:

Toàn ngành Giáo dục rất vui mừng khi được biết Thủ tướng Chính phủ quan tâm, dành thời gian gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2021 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là vinh dự, nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trồng người cao quý, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của ngành.

Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đã không ngừng lớn mạnh, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tận tụy với nghề, luôn giữ vững đạo đức, tác phong nhà giáo. Đội ngũ giáo viên với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết đã tích cực, chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị gián đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi, nhiều hoạt động giáo dục không thể thực hiện được. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Hàng nghìn giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập không có lương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh. Tất cả vì học sinh thân yêu!.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Gần 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên, giảng viên không được tới trường trong một thời gian rất dài - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Các thầy giáo, cô giáo có mặt tại đây hôm nay chính là những đại điện tiêu biểu của hơn 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp trong cả nước. Đó là các thầy giáo, cô giáo ngày đêm bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đó cũng là các giảng viên có thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19,…

Được gặp trực tiếp Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự lớn của các thầy cô, với mong muốn được nhận những chia sẻ, động viên của Thủ tướng. Nhân dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị chung tay với ngành Giáo dục để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đội ngũ nhà giáo nói riêng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, đúng theo tinh thần ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam’.

Vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề

Tại cuộc gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ suy nghĩ, nêu những giải pháp, kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp trồng người.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thầy Lê Văn Giáo: Từ ngôi trường của chúng tôi, bao học trò nhỏ như những cánh chim được sải cánh bay xa đến biết bao chân trời rộng mở khắp cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thầy Lê Văn Giáo (Trường THCS Nguyễn Du – huyện Quảng Xương – tỉnh Thanh Hóa) nói:

Là một nhà giáo, tôi vô cùng xúc động và biết ơn những nghĩa cử, những ân tình, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các bậc cha mẹ học sinh, của toàn xã hội dành cho tôi và bao đồng nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc!

Với tôi, dạy học là nghề tôi lựa chọn, cũng là nghề tôi đam mê. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo". Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao, người thầy giáo phải là "Tấm gương cho học sinh noi theo".

Tôi may mắn được giảng dạy tại một trường trọng điểm chất lượng cao hàng đầu của tỉnh là trường THCS Nguyễn Du – ngôi trường có bề dày thành tích trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Từ ngôi trường của chúng tôi, bao học trò nhỏ như những cánh chim được sải cánh bay xa đến biết bao chân trời rộng mở khắp cả nước. Tôi tự hào về những thành quả mà các đồng nghiệp của tôi dày công vun trồng. Trong trang thành tích đó của nhà trường, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc bởi mình có những đóng góp nhỏ bé mà bền bỉ suốt 20 năm qua với những thành quả sau:

Thật vinh dự và tự hào, với tình yêu, trách nhiệm với nghề, với sự cố gắng, nỗ lực miệt mài, với những đóng góp của mình, tôi đã được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú năm 2021. Đây là vinh dự lớn không chỉ của cá nhân tôi mà còn là của gia đình, nhà trường, của ngành giáo dục huyện và tỉnh nhà.

Tự hào và yêu nghề bao nhiêu, tôi càng trân quý những người thầy, người cô đi trước với những đóng góp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục; trân quý tình cảm yêu mến, sự tin tưởng mà xã hội dành cho chúng tôi.

Tự hào là “Kỹ sư tâm hồn”, người kiến tạo tương lai

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Nguyễn Thị Dung: Tôi nghĩ rằng những khó khăn đó không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn: Sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, tôi đã có 9 năm công tác tại trường Mầm non xã Bằng Lãng – huyện Chợ Đồn- Tỉnh Bắc Kạn, nơi tôi công tác cách trung tâm thị trấn 8 km là một ngôi trường nhỏ với gần 100 cháu học sinh 100% là người dân tộc thiểu số.

Nhiều học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, có cháu không đủ điều kiện để đi học, lớp học cách nhà hàng chục km đường rừng. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ các thầy cô giáo đã kiên trì vận động từng gia đình để các con có thể được học những con chữ. Các thầy cô kiên trì bám bản mặc dù lớp học trên đỉnh đồi, xe máy không đi được phải trèo đèo, lội suối để đến trường gieo từng con chữ với mong muốn ngày mai sẽ tươi sáng với các con.

Có những trường, phụ huynh nghèo quá, một bữa cơm có thịt là cả một niềm mơ ước đối với các con, mỗi ngày đi học là một ngày mang cơm độn ngô, khoai, hay có khi chỉ vài hạt cơm với vài sợi mì tôm chan nước … Lúc đó không ai bảo ai, các cô giáo lại góp tiền, góp công để giúp đỡ những bữa ăn cho các con tươm tất…

Còn nhiều… nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn trên tỉnh miền núi Bắc Kạn. Nhưng tôi nghĩ rằng những khó khăn đó không bao giờ có thể làm nản chí các thầy cô giáo và các học trò của mình.

Bản thân tôi cảm thấy may mắn hơn những bạn đồng nghiệp rất nhiều vì được dạy ở một ngôi trường tuy khó khăn vất vả, thiếu thốn về cơ ở vật chất, điều kiện kinh tế nhưng chưa phải là vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tôi càng thêm kính trọng những người bạn, người đồng nghiệp cả cuộc đời vì học trò thân yêu, và luôn lấy những tấm gương sáng đó dể noi theo và học tập.

Cũng như bạn bè và đồng nghiệp, tôi tự hào vì mình là “Kỹ sư tâm hồn”, là người kiến tạo tương lai. Tôi xin được cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhà Nước đã tạo cơ hội cho những giáo viên chúng tôi được tham dự buổi lễ ý nghĩa này.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Lê Ngọc Lan: Tôi xin dành tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ở các địa phương vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà chưa thể đến trường - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Lê Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám, tỉnh Hoà Bình:

Đến thời điểm hiện tại, thầy và trò ngành GD&ĐT tỉnh Hòa Bình tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp. Trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn thì được đến trường dạy học trực tiếp thực sự là hạnh phúc với thầy và trò chúng tôi. Để có được niềm hạnh phúc đó là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị địa phương đã thực hiện tốt sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tôi cũng xin dành tình cảm, sự chia sẻ chân thành nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh ở các địa phương vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà chưa thể đến trường. Tôi cảm nhận được đầy đủ sự mất mát to lớn, sự xáo trộn nặng nề mà dịch bệnh COVID-19 đã gây ra cho biết bao gia đình và nhất là với các em nhỏ. Hôm nay, được về với Thủ đô ngàn năm văn hiến, được đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ là niềm vui, niềm tự hào, là dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời nhà giáo của tôi cũng như các thầy giáo, cô giáo đang hiện diện tại đây.

Lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu

Cô Lê Thị Xuân Diễm, Trường THPT Lê Quý Đôn, Bến Tre: Xã hội càng phát triển đòi hỏi người thầy cũng phải đổi mới không ngừng khi xã hội đã đặt lên vai người giáo viên chúng ta trọng trách vô cùng lớn “Dạy chữ và dạy người”.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Lê Thị Xuân Diễm: Chỉ có chất lượng, hiệu quả giáo dục mới khẳng định được vị thế của ngành giáo dục - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tôi luôn tự nhủ rằng “kiếp tằm phải trợ nợ dâu”, tôi biết ơn xã hội, biết ơn phụ huynh và học sinh vẫn luôn tôn vinh nghề giáo vẫn và gửi vào chúng ta niềm tin.

“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” vì thế chúng ta hãy cùng nhau cố gắng và phải càng cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. Hãy lấy trách nhiệm và cái tâm của người thầy để cùng phấn đấu. Chỉ có chất lượng, hiệu quả giáo dục mới khẳng định được vị thế của ngành giáo dục.

Được tham dự các hoạt động “tri ân thầy cô” hôm nay, tôi hiểu được rằng: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, luôn đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta có quyền hy vọng rằng với sự nỗ lực, đồng thuận của các cấp, sự chỉ đạo kịp thời của ngành sẽ là nền tảng của sự thay đổi thành công.

Đưa giáo dục nghề nghiệp bước lên những đỉnh cao mới

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thầy Hoàng Quang Đạt: Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thầy Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với hơn 1.900 cơ sở, từ các trường Cao đẳng đến các trung tâm GDNN công lập và tư thục; mỗi năm tuyển sinh và đào tạo hơn 2 triệu người. Trong những năm qua GDNN Việt Nam đã và đang ngày đêm miệt mài đào tạo hàng chục triệu công nhân kỹ thuật và người lao động có tay nghề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật và dịch vụ, cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hệ thống GDNN đã đào tạo ra hàng chục triệu người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là nòng cốt để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Với tư cách là một người đã từng quản lý địa phương, tôi nhận thấy rằng trong quản lý địa phương có hai mặt then chốt đó là: An ninh và phát triển kinh tế-xã hội. Hệ thống GDNN đã đóng góp một tỷ lệ khá lớn những người lao động có tay nghề, có việc làm ổn định, từ đó góp phần vào sự ổn định xã hội, cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước mạnh mẽ trong những năm qua.

76 năm qua GDNN Việt Nam đã từng bước khắc phục những khó khăn để vươn lên,đã có nhiều ngành nghề tiệm cận và phát triển ngang tầm quốc tế, có nhiều sinh viên thi tay nghề quốc tế đạt giải cao.

Ở khu vực miền núi phía Bắc với đặc thù là địa hình phân bậc và chia cắt mạnh, đồng bào các dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế-xã hội, khó khăn trong tiếp cận giáo dục và khoa học kỹ thuật tiên tiến; hệ thống dạy nghề bằng sự năng động sáng tạo, đã dời thành thị mang nghề đến với nông thôn. Các nhà trường GDNN đã tổ chức hàng nghìn lớp dạy nghề đến các làng, bản, vùng núi, vùng sâu và thành quả thu được thật đáng khích lệ.

Ngày hôm nay, đứng giữa dải đất biên cương nhìn những thành tựu mà người dân chúng ta đã đạt được như những mảnh vườn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những rừng cây xanh tốt không kém gì đất nước bạn; những công xưởng, những nhà máy, khu công nghiệp... chúng tôi không khỏi tự hào về sự sự thay đổi thần kỳ này. Việc mang nghề đến nông thôn còn có một đóng góp không nhỏ giúp đồng bào ổn định kinh tế, giảm thiểu di cư tự do, giảm thiểu nạn phá rừng trái phép, người dân có thể yên tâm sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình và đặc biệt giúp cho hàng chục triệu người dân vùng núi có cuộc sống phát triển và ổn định.

Để có được những thành quả như đã nêu ở trên, chúng tôi hiểu rằng đó là kết quả của sự quan tâm với chiến lược đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với GDNN. Điều này được thể hiện bằng những nghị quyết, cơ chế chính sách để GDNN của chúng tôi khắc phục khó khăn, vươn lên ngày càng khẳng định vị thế của mình với bạn bè quốc tế và khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó cũng không thể không nói tới những gian lao vất vả của các thầy, cô giáo trong hệ thống GDNN đang ngày đêm tận tụy với công việc của mình. Những cán bộ tuyển sinh phải trèo đèo lội suối, leo lên những con dốc núi dựng đứng để vận động tuyên truyền người dân; hơn thế nữa những cán bộ giảng viên đã gác lại những khó khăn bộn bề của cuộc sống để mang hết kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến với đồng bào, để gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số và dạy nghề cho họ.

Chúng ta không thể không biết ơn tới những việc làm cao quý và sự hi sinh thầm lặng của cán bộ nhà giáo, nghệ sĩ trong hệ thống GDNN, vì chính họ đã mang niềm tin vào cuộc sống, vào Đảng, vào Chính phủ.

Trước những yêu cầu lớn lao từ thực tế đặt ra đòi hỏi GDNN của đất nước trong những năm tới cần đột phá mạnh mẽ để vươn lên đào tạo ra những cán bộ kỹ thuật có trình độ, kiến thức kỹ năng để phát triển kinh tế-xã hội, song hành cùng sự phát triển của đất nước, song hành cùng sự phát triển của dân tộc.

GDNN, với đặc thù là đầu tư ban đầu lớn, chi phí đào tạo cao và người học phần lớn là những người khó khăn nên rất khó thu hút đầu tư tư nhân, trong nhiều năm nữa, đầu tư công cho GDNN vẫn là chủ đạo. Vì vậy, xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm giải quyết:

1-Quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với Quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch Quốc gia.

2- Xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước.

3- Xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực: (1) Thành lập cơ sở GDNN; (2) Tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; (3) Tuyển dụng lao động.

4- Ban hành Nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, trước mắt, có cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn.

Tại Lào Cai, thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng, tỉnh đã sáp nhập các cơ sở GDNN trên địa bàn thành Trường Cao đẳng Lào Cai. Trải qua 3 năm sáp nhập, đã chứng minh hiệu quả và sự đúng đắn của Nghị quyết 19 trong thực tế. GDNN trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã xác định xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Lào Cai là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, là tỉnh nghèo nên Lào Cai rất cần sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để Lào Cai có thể xây dựng một Trường Cao đẳng chất lượng cao cho tỉnh và cho nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc.

Trải qua thực tế làm ở nhiều cương vị khác nhau từ quản lý sản xuất kinh doanh đến quản lý điều hành địa phương, nay là cơ sở GDNN tôi nhận thấy GDNN là một trong những lĩnh vực giáo dục đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chúng tôi đã và đang gặp những khó khăn không nhỏ trong hoạt động của mình: Chất lượng học sinh, sinh viên đầu vào còn thấp (chênh lệch xa so với đại học), điều kiện kinh tế của các gia đình có con em đi học nghề không tốt bằng những gia đình có con em đi học ở phân khúc giáo dục khác. Vai trò của GDNN tại nhiều địa phương còn mờ nhạt, nhưng chúng tôi chỉ coi những khó khăn đó như những thử thách mà chúng tôi kiên quyết phải vượt qua, để đưa GDNN của nước nhà bước lên những vinh quang mới, những đỉnh cao mới.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thầy Dương Quý Sỹ mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù - Ảnh VGP/Nhật Bắc

PGS. TS. BS Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng: Qua 30 năm công tác, tôi vẫn luôn tâm niệm, bất kỳ dù ở vị trí nào vẫn luôn cống hiến, đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà. Tôi xin đề xuất một số giải pháp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong giai đoạn tới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ban, ngành, hệ thống chính trị cho giáo dục nghề nghiệp, các thầy cô trong các trường giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, có những chính sách, mô hình đào tạo kỹ năng toàn diện, bao trùm, đặc biệt là thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tình hình mới hiện nay.

Tôi rất rất xúc động với sự nêu gương, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, đã truyền cảm hứng cho chúng tôi noi gương theo.

Rất mong Thủ tướng, các bộ ngành Trung ương quan tâm đến các nhà giáo trong lĩnh vực đặc thù, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cho đối tượng yếu thế, ở các trường dân tộc nội trú, những ngành nghề đặc biệt… Mong rằng chúng ta có những chính sách thu hút nhân tài, cũng như có những mô hình mới để phát triển các trung tâm đào tạo nghề quốc gia, hình thành hệ thống liên kết trong giáo dục nghề nghiệp, để lực lượng lao động ngang tầm với khu vực và thế giới.

Xin cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đồng hành, dành tình cảm cho giáo giục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ giáo viên đóng góp hơn nữa, phấn đấu đạt được “mục tiêu kép” trong bối cảnh hiện nay.

Nguyện cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp trồng người

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thầy Nguyễn Viết Lâm bày tỏ xúc động khi được trao tặng danh hiệu cao quý của nghề giáo - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thầy Nguyễn Viết Lâm, Giảng viên cao cấp khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng phát biểu: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”; “… những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo” …

Khi được nghe những ý đẹp lời hay như vậy, có lẽ không có bất kỳ thầy, cô nào lại không có cảm giác tự hào, vui sướng và bồi hồi xúc động về nghề nghiệp và vị trí nhà giáo của mình. Riêng đối với chúng tôi, gần 80 thầy, cô của Khối các trường đại học trực thuộc được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo ưu tú đợt này, nỗi xúc động và niềm vui nêu trên sẽ còn được nhân lên gấp bội.

Danh hiệu mà chúng tôi được trao tặng hôm nay thực sự là một danh hiệu cao quý; một món quà, một phần thưởng hết sức ý nghĩa, và đồng thời cũng sẽ là một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong cuộc đời làm nghề giáo của mỗi người chúng tôi. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao.

Chúng tôi xin hứa sẽ tiếp tục làm việc và cống hiến bằng cả tài và đức của mình cho sự nghiệp trồng người, góp phần vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 NQ/TW của Đảng, góp phần đẩy lùi và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và tất cả để sự nghiệp GD&ĐT của chúng ta thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Mai Kim Phượng: Các thầy cô tự nhủ bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho các em được học - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Mai Thị Kim Phượng, hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, huyện Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh: Thời gian vừa qua, TPHCM đã có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Thời gian đầu của giãn cách, các em học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Có những em mất cả cha lẫn mẹ, cũng có những em hoàn cảnh vô cùng nghèo. Các thầy cô tự nhủ bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho các em được học, các nhà giáo đã cùng nhau ủng hộ cơ sở vật chất để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngành giáo dục thành phố cũng hỗ trợ thiết bị để cho các em học.

Cũng trong thời điểm đầu của thời gian giãn cách xã hội, việc đem sách, thiết bị tới cho các em rất khó khăn. Nhưng thời tới điểm hiện tại, các em được tham gia học trực tuyến. Các thầy cô cũng mày mò, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, để công tác dạy và học duy trì hiệu quả nhất có thể.

Hôm nay, được đại diện cho ngành giáo dục TP.HCM, tôi xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho TPHCM. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản vượt qua khó khăn, giúp các em học sinh thực hiện tốt việc học, góp phần thực hiện mục tiêu “trồng người” của ngành và cả nước.

Chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được nghe thêm phát biểu của các thầy, cô giáo từ TPHCM, nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong thời gian qua cũng như từ miền Trung, nơi luôn bị tác động mạnh mẽ bởi thiên tai, bão lũ...

Phải đặt an toàn của các em học sinh lên trên hết

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Hồ Thị Tuyết: Nếu việc đến trường không an toàn thì các em nghỉ, phải đặt an toàn của các em lên trên hết - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Hồ Thị Tuyết, giáo viên Trường Trung học cơ sở Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị chia sẻ về những ngày thiên tai, bão lũ: Sau những trận lũ, nhiều học sinh hỏi: “Cô ơi, sáng nay có đi học được nữa không?”. Cô chỉ có thể trả lời: Nếu việc đến trường không an toàn thì các em nghỉ, phải đặt an toàn của các em lên trên hết.

Tuy khó khăn như vậy, nhưng thầy trò của vùng đất này luôn cố gắng, nỗ lực cao nhất để vươn lên. Nhiều đêm lũ về đột ngột trong đêm, nhiều học sinh không kịp phòng tránh lũ, ướt hết sách vở, quần áo… Các em nói, “cô ơi cho em nghỉ học, vì bây giờ em không có áo quần khô để đi học”. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, của cả nước, các em đều nhanh chóng được đến trường. Khi nhìn những đoàn xe cứu trợ từ khắp mọi miền Tổ quốc với dòng chữ “tất cả vì miền Trung ruột thịt”, chúng tôi thấy rất ấm lòng và luôn động viên các em học sinh nỗ lực, cố gắng hơn nữa khi chứng kiến tình cảm, sự quan tâm của đồng bào cả nước, tất cả chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng.

Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã thay đổi tới 6-7 thời khóa biểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên và học sinh cố gắng, nỗ lực để làm sao vừa dạy và học, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch. Tôi xin chia sẻ khó khăn, đồng thời bày tỏ cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước và chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với tình cảm đó.

Bão lũ không thể dập tắt ngọn lửa yêu nghề

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Lê Thị Uyên: Tôi rất thương các thầy cô miền bão lũ vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Lê Thị Uyên, Giáo viên trương THPT Nguyễn Thiện Thuật, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên: Tôi không phải giáo viên đến từ miền Trung, nhưng chồng tôi là nhà giáo tại tỉnh Hà Tĩnh. Cứ mỗi lần lũ về, gia đình lại vô cùng trăn trở. Trong hoàn cảnh ấy, cứ 3,4 ngày không thể liên lạc với chồng và 2 con, tôi rất lo lắng. Khi liên lạc được, hình ảnh lũ lụt, nước biển lấn sâu vào đất nước, mênh mông trên những mái nhà khiến tôi và nhiều người vô cùng xót xa. Khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh cũng xảy ra với vùng lũ.

Quá nhiều trẻ em miền Trung thiếu thiết bị để học trực tuyến. Tôi cũng rất thương các thầy cô miền bão lũ vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn. Điều tôi mong ước hiện nay là ngọn lửa nghề trong mỗi chúng ta đừng bao giờ dập tắt, ngọn lửa yêu nghề cần tràn đầy hơn nữa, tiếp thêm năng lượng đến từng học sinh, hãy mang con chữ đến mọi vùng sâu vùng xa, vùng “rốn lũ”. Mong Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ban ngành có chính sách tốt để hỗ trợ cho giáo viên tại miền Trung và những vùng khó khăn của cả nước.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Lâm Yến Phương đã tham gia vận động nhiều nhà tài trợ hỗ trợ học sinh khó khăn - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Lâm Yến Phương, Giáo viên Trường Trung học cơ sở Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh chia sẻ vinh dự được ra thăm Lăng Bác và dự cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ. Khẳng định năm học vừa qua là năm học đặc biệt nhất trong cuộc đời giáo viên, cô cho biết, ngoài công việc giảng dạy, cô còn tham gia vào hoạt động vận động các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ các em học sinh gặp khó khăn. Nhấn mạnh lòng tự hào với công việc nhà giáo, trong một gia đình có truyền thống dạy học, cô bày tỏ mong Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm tới ngành giáo dục nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng còn nhiều khó khăn.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Lê Thị Hạnh kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trong giảng dạy, học tập - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Lê Thị Hạnh, Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Loi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An: Những năm gần đây, thiên tai, bão lụt gây ảnh hưởng rất lớn đến tỉnh Nghệ An. Là giáo viên công tác vùng sâu vùng xa đến nay hơn 20 năm, tôi thấy trang thiết bị cho giáo dục ở các khu vực miền núi còn thiếu. Vừa qua, khi dịch COVID-19 diễn ra, các thầy cô dạy học trực tuyến nhưng học sinh lại không có trang thiết bị, Các thầy cô cắm bản để gieo chữ cho học sinh, có bản xa trường 20km, có bản không có học sinh, có bản 1-2 học sinh. Tôi rất mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện về trang thiết bị, vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Thầy Nguyễn Khánh Cường, Trường Cao Đẳng Công nghệ Lilama2, tỉnh Đồng Nai: Đợt dịch vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh, đặc biệt tại nhiều khu công nghiệp. Các học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các em năm nay tốt nghiệp. Việc học, dạy và đào tạo nghề cần thực hành mới có thể triển khai được. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức dạy học “3 tại chỗ” để khắc phục những khó khăn, thể hiện được tinh thần cùng ăn, ở và hướng dẫn sinh viên học.

Bên cạnh đó, trường chúng tôi được Chính phủ Đức hỗ trợ để xây dựng thành trung tâm đào tạo nghề của đất nước, chúng tôi đã đào tạo được nhiều nhân lực cao cấp cho các tập đoàn quốc tế lớn. Trường cũng có trên 50 giáo viên dạy nghề đạt chứng chỉ đạo tạo nghề của Đức.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Cao Thị Tiếng chia sẻ về nghề giáo - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Cao Thị Tiếng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã tạo điều kiện để các thầy cô có thể phát biểu về những trăn trở, suy nghĩ. Chia sẻ những đặc thù trong công việc dạy các em học sinh khuyết tật, cô nhắc lại một câu nói rằng giáo dục hòa nhập là đỉnh cao của giáo dục, để nhiều em được đến trường hơn, ít nhất là giúp các em tự phục vụ được bản thân mình. Cô kiến nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về vấn đề định mức lao động, biên chế của các trung tâm giáo dục hòa nhập, hiện chưa có văn bản pháp quy quy định về nội dung này.

Cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Cô Nguyễn Thị Duyên: Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực, phát triển văn hóa truyền thống của quê hương - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Cô Nguyễn Thị Duyên, Giáo viên trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh: Hà Tĩnh là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, thiên tai, là vùng đất nghèo nhưng hiếu học. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, nhiều nhà hảo tâm đã đồng hành, động viên, hỗ trợ các tỉnh miền Trung vượt qua khó khăn.

Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực, phát triển văn hóa truyền thống của quê hương có các danh nhân như Nguyễn Công Trứ, đại thi hào Nguyễn Du…với tinh thần: “Tiền nhân tỏa sáng tâm tài, hậu thế rạng ngời đức trí”, mong muốn các học sinh có thể phát triển toàn diện từ thể chất, kỹ năng, ngoại ngữ, năng lực, trí tuệ, tâm hồn để trở thành công dân toàn cầu.

Là Giáo viên THPT, tôi rất trăn trở về giáo dục hướng nghiệp làm thế nào để có sự phù hợp giữa đào tạo và nhu cầu công việc thực tế để không lãng phí thời gian, tiền của, đặc biệt không lãng phí nhân tài.

Tôi cũng mong muốn chính sách thu hút nhân tài vào ngành sư phạm. Thực tế những học sinh giỏi của bậc THPT không lựa chọn vào sư phạm ngoại trừ những học sinh có đam mê với nghề giáo. Do đó, cần có chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm và giáo viên trẻ có năng lực.

Thầy Nguyễn Quốc Tuấn từ Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản chia sẻ về những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ các trường nghề trên cả nước trong việc góp phần khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng lao động thời gian qua. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng và các đại biểu về hoạt động của trường, cho biết nhà trường nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao các học viên tốt nghiệp của nhà trường – vốn là bộ đội, công an xuất ngũ. Hai đại biểu đề xuất một số vấn đề về cơ chế, chính sách với hoạt động đào tạo nghề, trong đó có đối tượng bộ đội, công an xuất ngũ, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn…

Giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón 60 các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước, “dành thời gian cho tôi được gặp mặt, được nghe, được chia sẻ các thầy cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là những người hội tụ phẩm chất trí tuệ, sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu đối với sự nghiệp trồng người là “những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp”. “Thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là một người học trò và từng là người giảng dạy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước”, Thủ tướng nói.

“Con ơi nhớ lấy lời này. Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên; “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, nhắc lại lời dạy của cha ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sự hiểu biết, khát vọng và tầm nhìn lớn lao sâu sắc về giáo dục. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho.... đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 một trong 8 nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”.

Trong suốt những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đào tạo đã đóng góp to lớn trong việc bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng dẫu rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh của chúng ta đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam. Những thành tựu đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ các thầy cô giáo.

Gần 2 năm qua, dịch COVID - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn Ngành Giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục. Các thầy cô giáo của các trường y luôn sẵn sàng lên đường tới bất cứ nơi đâu để tham gia phòng chống dịch. Có thể nói trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20/11 - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành đã tổ chức triển khai kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn và đảm bảo yêu cầu chống dịch, được dư luận đánh giá cao. Cả nước ghi nhận sự cố gắng nỗ lực này của toàn ngành. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, thách thức để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn - ngay cả khi dịch bệnh ở thời điểm căng thẳng nhất. Các thầy cô giáo và ngành Giáo dục đã biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội và động lực để đổi mới giáo dục.

Cần có cơ chế ưu tiên cao nhất…

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành Giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. “Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...”, Thủ tướng nói. “Khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi cũng đã chỉ đạo Bộ phải phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan giải quyết từng bước những khó khăn, bất cập của ngành Giáo dục”.

Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa đảm bảo khoa học hiệu quả, và phù hợp, đổi mới thi cử hiệu quả, có chính sách thu hút nhân tài tăng cường dạy kỹ năng sống, chú trọng nâng cao hiệu quả chất lượng các môn học lịch sử ngoại ngữ tin học... Tất cả những điều đó để đạt được mục tiêu cuối cùng là phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước, cho sự nghiệp trồng người, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế ưu tiên cao nhất để có những thầy cô giáo là những sinh viên ưu tú nhất phục vụ sự nghiệp trồng người.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Phương châm là: “Lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục lấy “nhà trường làm nền tảng”,“lấy thầy cô giáo làm động lực” để thành công cho phương châm lấy học sinh làm trung tâm”. Trong quá trình đó, yêu cầu là phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thủ tướng gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần

Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh. Trong đó, một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi hơn để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân. Rà soát đội ngũ giáo viên theo tinh thần ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả theo Nghị quyết của Trung ương.

Cùng chung tay sát cánh vì sự nghiệp trồng người

Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vấn có một số nơi chưa làm. Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. “Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập”.

Với phụ huynh học sinh, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, thách thức, mong muốn các bậc phụ huynh cùng với chính quyền, nhà trường linh hoạt tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho sự nghiệp trồng người đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do COVID-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học. Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.., Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.

Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ... cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo. “Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời, học mãi và cũng luôn là một nhà giáo dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này”.

Nhân dịp 20/11, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ và nhân danh cá nhân, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. “Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hô: Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người ”.

Ngành giáo dục kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng Ngành giáo dục kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng
Toàn ngành giáo dục đã và đang ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay rơi vào thứ mấy? Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay rơi vào thứ mấy?​​​​​​​
Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 năm nay rơi vào thứ mấy là thắc mắc của rất nhiều người. Cùng xem ngay dưới đây nhé!
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
Sáng ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Theo Báo Chính Phủ
Nguồn: baochinhphu.vn

Tin bài liên quan

Thủ tướng tới hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người thiệt mạng và mất tích tại Lào Cai

Thủ tướng tới hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người thiệt mạng và mất tích tại Lào Cai

Chiều 12/9, ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.
Thủ tướng biểu dương tinh thần sẻ chia của Hải Phòng và Quảng Ninh sau bão số 3

Thủ tướng biểu dương tinh thần sẻ chia của Hải Phòng và Quảng Ninh sau bão số 3

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tự lực, tự cường của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, sự chia sẻ của 02 địa phương với ngân sách trung ương và các địa phương khó khăn bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Việt Nam ghi dấu ấn tại WEF trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Việt Nam ghi dấu ấn tại WEF trong chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6.

Các tin bài khác

Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động

Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Việt Nam luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động, nỗ lực phấn đấu để những thành tựu kinh tế mang lại những chuyển biến tích cực cho phát triển và công bằng xã hội, cải thiện cuộc sống của người dân và phát triển theo hướng xanh hơn và bền vững hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tô thắm hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ trên đất nước Lào

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tô thắm hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ trên đất nước Lào

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm Công ty Star Telecom (Unitel) - liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Lào. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Đại tướng Chansamone Chanyalath; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam và Lào.
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam, Pháp

Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam, Pháp

Theo đặc phái viên TTXVN, nhân chuyến thăm chính thức tới Cộng hoà Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 6-7/10, hai nước đã ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác từ nghị viện đến địa phương

Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác từ nghị viện đến địa phương

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 7/10 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher.

Đọc nhiều

Người phụ nữ Mỹ với tình yêu bất tận dành cho nghệ thuật Việt Nam

Người phụ nữ Mỹ với tình yêu bất tận dành cho nghệ thuật Việt Nam

Bà Suzanne Lecht, một người Mỹ yêu nghệ thuật Việt Nam và hiện là Giám đốc Sáng tạo của Art Vietnam Gallery, đã có một hành trình đầy "tình cờ" để đến với Hà Nội, nơi bà tìm thấy sự cảm mến và niềm đam mê mới trong nghệ thuật và văn hóa. Câu chuyện của bà Suzanne Lecht không chỉ là hành trình cá nhân đến với nghệ thuật Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự kết nối văn hóa giữa hai quốc gia. Với sự cống hiến, bà đã góp phần giới thiệu nghệ thuật Việt Nam đến với thế giới và xây dựng những cầu nối văn hóa sâu sắc.
Những Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Những Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài

Sau 2 năm triển khai, đã có 6 Tủ sách tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại 5 nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hungary, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Séc. Đây là một điểm sáng trong việc lan toả tiếng Việt của Uỷ ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).
Kon Tum đã huy động đầu tư gần 112.600 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Kon Tum đã huy động đầu tư gần 112.600 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đây là số liệu được đưa ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ IV, năm 2024 do UBND tỉnh Kon Tum tổ chức vào ngày 11/10.
Hỗ trợ các hộ gia đình và trường học tại Cà Mau ứng phó với hạn hán năm 2024

Hỗ trợ các hộ gia đình và trường học tại Cà Mau ứng phó với hạn hán năm 2024

Ngày 11/10, tại Trung tâm văn hoá xã Khánh An (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Tổ chức Save the Children International - Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) tổ chức lễ triển khai Dự án cứu trợ khẩn cấp bằng tiền mặt cho hộ gia đình khó khăn và trường học bị ảnh hưởng sau hạn hán năm 2024 tại huyện U Minh.
Tiếp nhận ngư dân gặp nạn về đảo Sinh Tồn điều trị

Tiếp nhận ngư dân gặp nạn về đảo Sinh Tồn điều trị

Ngày 13/10, Tàu 418, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tiếp nhận nạn nhân, ngư dân của tàu cá QNg 95267 TS bị viêm túi mật về đảo Sinh Tồn điều trị.
Nghệ An: nông dân góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Nghệ An: nông dân góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Ngày 12/10, Hội Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) phối hợp với Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An tổ chức ra mắt Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân Lào

Khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân Lào

Từ ngày 12-13/10, tại huyện Sop Bao, tỉnh Houaphanh, Lào diễn ra hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới huyện Sop Bao. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Giao lưu Hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ hai.
infographics nobel 2024 giai nobel hoa binh ton vinh to chuc nihon hidankyo cua nhat ban
infographics 70 nam giai phong thu do ha noi danh gan 100 ty dong tham hoi tang qua doi tuong chinh sach
infographics viet nam dong gop tich cuc chu dong trach nhiem trong cong dong phap ngu
inforgraphics phong chong dich benh mua mua bao
thong diep chuyen du dai hoi dong lhq cua tong bi thu chu tich nuoc to lam
inforgraphics bao ve tre em trong truong hop xay ra thien tai
inforgraphics 11 dai hoc viet nam dat tieu chuan nuoc ngoai
Xin chờ trong giây lát...
Liên hoan Giai điệu hữu nghị tỉnh Đồng Nai năm 2024
Cận cảnh Kia Seltos 2024 tại đại lý
Khởi động Giải báo chí toàn quốc về văn hóa, thể thao và du lịch lần 2
Lộ diện kỳ thủ Việt Nam tranh chức vô địch Cờ Shogi Quốc tế 2024 tại Nhật Bản
UNICEF hỗ trợ người dân Sóc Trăng có nước sạch bằng năng lượng mặt trời
Ông Vi Tiêu Nghị, con trai Tướng Vi Quốc Thanh - trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc: Để những kỷ niệm xưa tạo sinh trong hiện tại và tương lai
Vietnam Cultural Show London 2024
Lão nông nhiều năm sưu tập những bức ảnh quý giá về Bác Hồ
Bác Hồ và bộ phim Những ngày tháng bên nhau
Hồ Chí Minh là biểu tượng của hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội
Bộ đội hải quân giúp dân chống hạn
Du học sinh Trung Quốc trải nghiệm đặc sản Hà Nội - 'cà phê trứng'
Du học sinh Trung Quốc trải nghiệm đặc sản Hà Nội - cà phê trứng
Top 3 điểm đến thu hút du khách quốc tế tại Hà Nội
Sản phẩm Làng nghề Dệt Thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Phiên bản di động