Thủ tướng đồng ý vay ODA 2,53 tỷ USD cho 16 dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đây là 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Thủ tướng đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Tại hội nghị, các ý kiến cùng chung nhận định: hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, cản trở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Dự kiến đến năm 2026, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp... Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn đối với triển khai các dự án đầu tư công, trong đó có các dự án ODA.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng chỉ đạo và phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong triển khai các dự án, hoàn thiện các thủ tục quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần nghiêm túc quán triệt các yêu cầu trong triển khai các dự án: Phải bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm tiến độ và phấn đấu sớm hơn; phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái và đặc biệt không để thiếu nguyên vật liệu; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý sai phạm.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước và phát huy tối đa những kết quả đã đạt được, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự án. Bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, chính quyền vào cuộc, tích cực đi kiểm tra thường xuyên, vừa xây dựng kế hoạch, vừa xây dựng chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giám sát, quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao (giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự án thành phần,...); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến độ. Các nhà thầu khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công 3 ca 4 kíp. Các đơn vị tư vấn nâng cao trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, độc lập, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; tuyệt đối không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
Đối với các dự án chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ.
Trong giai đoạn 2021-2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn đối ứng vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng ĐBSCL còn thấp, hết tháng 6/2023, giải ngân vốn trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là 153,910 tỷ đồng (đạt 5,34% - thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 15,7%). https://baochinhphu.vn/thu-tuong-dong-y-vay-253-ty-usd-cho-16-du-an-oda-vung-dbscl-102230708184002363.htm |