Thông tin mới về nhập cảnh, cư trú...của người nước ngoài tại Việt Nam
Người Việt tại Đức muốn về nước cần làm những thủ tục gì? Người Việt ở Mỹ muốn về nước, cần làm thủ tục gì? Hệ lụy phụ nữ miền Tây kết hôn với người nước ngoài |
Ảnh chụp tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự án luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng nói, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam như tờ trình của Chính phủ.
Về giá trị sử dụng của thị thực (quy định tại Khoản 2, Điều 1), Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí bổ sung trường hợp chính đáng được chuyển đổi mục đích thị thực với những điều kiện rõ ràng như thể hiện trong dự luật. Quy định này phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có đủ điều kiện tiếp tục ở lại Việt Nam chuyển đổi mục đích thị thực để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư mà không phải mất thời gian, chi phí làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh. Đây là quy định thể hiện sự thông thoáng nhưng chặt chẽ trong việc quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
“Với điều kiện quy định như dự thảo luật sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi mục đích khác, bảo đảm yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết. Điều này xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia.
Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam, phát biểu tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, sáng 4/10 (Ảnh: qdnd.vn) |
Về bổ sung quy định đơn phương miễn thị thực, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, với chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh tại Việt Nam thì không nên thu hẹp diện các nước được đơn phương miễn thị thực, mà cần mở rộng hơn. Chính phủ cũng rất quan tâm đến nội dung này nên đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất. Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không bổ sung điều kiện bắt buộc nước khác phải có chính sách tạo điều kiện hoặc đơn phương miễn thị thực cho công dân Việt Nam trước, giữ nguyên như quy định hiện hành.
Về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm, đây là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, mô hình thí điểm được đánh giá cao, công tác kiểm tra, xét duyệt được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Vì vậy, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành bổ sung quy định về nội dung này.
Bên cạnh việc thể hiện quan điểm nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với tờ trình cũng như dự thảo báo cáo thẩm tra dự án luật, các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng đề nghị rà soát thêm để hoàn thiện dự luật.
Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc tìm cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp công dân của quốc gia được cấp thị thực điện tử nhưng xin cấp thị thực theo cách truyền thống; cân nhắc thu hẹp diện đơn phương miễn thị thực để yêu cầu các nước cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam nhập cảnh vào nước họ; bổ sung cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh để thống nhất trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách quốc tế và đồng bộ với quy định chia sẻ cơ sở dữ liệu xuất cảnh, nhập cảnh trong dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự luật theo hướng chặt chẽ hơn, giải trình thuyết phục hơn.
Nhấn mạnh rằng, trong xu hướng mở cửa, hội nhập quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh là tất yếu, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt đồng thời đề nghị phải bảo đảm chặt chẽ, tránh trường hợp lợi dụng sự thông thoáng để nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam nhằm thực hiện hành vi khuất tất, vi phạm pháp luật.