Thông điệp về việc bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam đã được công nhận 11 KDTSQ thế giới với những khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học, chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước, trở thành quốc gia có số lượng KDTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Mặc dù vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch Covid, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại sự kiện. |
Tại Việt Nam, KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận là KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2000. Sau 22 năm, Việt Nam đã có một hệ thống bao gồm 11 KDTSQ thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm: KDTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, KDTSQ Đồng Nai, KDTSQ Quần đảo Cát Bà, KDTSQ đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ Sông Hồng , KDTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang, KDTSQ Miền Tây Nghệ An, KDTSQ Cù Lao Chàm - Hội An, KDTSQ Mũi Cà Mau, KDTSQ Lang Biang, KDTSQ Núi Chúa và KDTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng. |
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu DTSQ tiếp tục hợp tác triển khai các hành động nhằm thúc đẩy việc phát triển mạng lưới các KDTSQ trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng huy động và đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ và tăng cường hiệu quả quản lý các KDTSQ; tăng cường hợp tác với UNESCO, các tổ chức quốc tế, các thành viên trong mạng lưới KDSTQ trên thế giới; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới các KDTSQ thế giới tại Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của KDTSQ; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững;
Quan tâm tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các KDTSQ đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các KDTSQ tại địa phương.
Cù Lao Chàm - một trong số 11 KDTSQ thế giới được công nhận tại Việt Nam. |
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hướng dẫn đề cử, quản lý các KDTSQ thế giới, phấn đấu đến năm 2030 có 15 khu KDTSQ được UNESCO công nhận và nâng cao hiệu quả quản lý.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Các cam kết của UNDP trong việc gây dựng mối quan hệ bền vững giữa con người và thiên nhiên được thể hiện xuyên suốt trong 44 năm hoạt động tại Việt Nam. UNDP luôn đề cao và thực hiện các giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, bao gồm việc cải thiện cơ cấu kinh tế xã hội cho người dân vùng nông thôn cũng như bảo vệ môi trường sống của họ.
Bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển sinh kế cho người dân (Ảnh: Michelle Dang). |
Đồng thời, lồng ghép bình đẳng giới và hòa nhập xã hội được thể hiện rõ trong các thiết kế dự án nhằm tối đa hóa mức độ đại diện và tham gia trong các tham vấn cải thiện khung pháp lý, triển khai hành động liên ngành hiệu quả và nâng cao năng lực, nhận thức, trong đó có việc khuyến khích tăng cường sự tham gia của các nhóm dân tộc thiểu số và phụ nữ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp, sản xuất dưới tán rừng và du lịch sinh thái, cũng như hỗ trợ sinh kế từ rừng cho cộng đồng địa phương.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (Ảnh: Michelle Dang). |
Việc tăng cường quản lý hiệu quả các KDTSQ được thực hiện thông qua các đề xuất cải thiện khung pháp lý và thể chế, đi đôi với các hành động liên ngành tại địa phương để phục hồi và bảo vệ tốt hơn 4.000 ha rừng bị suy thoái, quản lý bền vững 60.000 ha diện tích “khu vực dành riêng” (là không gian bên ngoài các Khu bảo tồn mà có giá trị cao về bảo tồn đa dạng sinh học), và gia tăng sinh kế cho 2.500 hộ gia đình với thu nhập bình quân tăng ít nhất 20%, trong đó 9.350 người được hưởng lợi trực tiếp, với 40% trong số đó là phụ nữ.
Đại biểu tham gia trồng cây hưởng ứng "Sáng kiến 1 tỷ cây xanh" tại các KDTSQ thế giới ở Việt Nam (Ảnh: Xuân Trường). |
Cùng với Lễ mít tinh là chương trình trồng cây để hưởng ứng và thúc đẩy thực hiện “Sáng kiến 1 tỷ cây xanh” tại các KDTSQ thế giới ở Việt Nam và Lễ tổng kết hoạt động Mạng lưới KDTSQ năm 2022. Đây là hoạt động định kỳ hàng năm do Ủy ban Con người và Sinh quyển của Việt Nam (MAB Việt Nam) tổ chức nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững của các KDTSQ thế giới.
KDTSQ thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa việc bảo tồn và phát triển. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới khu dự trữ sinh quyển phát triển rộng khắp trên toàn các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Việc được công nhận các KDTSQ ngoài việc được thừa nhận các giá trị nổi trội về thiên nhiên và đa dạng sinh học, còn tạo cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững, thu hút đầu tư phát triển, tăng cường sự hợp tác và sự tham gia, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong mạng lưới. |