Thông điệp cứng rắn Mỹ gửi Trung Quốc khi diễn tập chung với ASEAN trên Biển Đông
Tàu chiến tham gia diễn tập hàng hải Mỹ - ASEAN (Ảnh: AFP) |
Cuộc diễn tập hàng hải chung đầu tiên của các nước ASEAN với Mỹ đã khép lại vào ngày 6/9. SCMP cho rằng đây là nỗ lực của các nước Đông Nam Á trong việc cân bằng các hoạt động tương tác quân sự giữa khối với Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay quân sự và hơn 1.000 quân nhân.
Theo chuyên gia Rajeev Ranjan Chaturvedy của trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore thì mục tiêu chủ chốt của cuộc diễn tập hàng hải là củng cố hiểu biết và các kỹ năng cần thiết của lực lượng các bên để đối phó với những mối đe dọa an ninh hàng hải.
Ông Chaturvedy cũng so sánh cuộc diễn tập ASEAN - Mỹ và cuộc diễn tập ASEAN - Trung Quốc diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Chuyên gia này cho rằng cuộc diễn tập chung với Bắc Kinh hạn chế hơn hẳn về mặt quy mô khi các nước chỉ tham gia các hạng mục tìm kiếm cứu hộ và khắc phục thảm họa.
Trong khi đó, cuộc diễn tập vừa kết thúc hôm qua, các nước ASEAN và Mỹ nhằm tăng cường hoạt động nhận thức tình huống và nâng cao khả năng tương tác.
Khả năng tương tác với Mỹ nâng cao sẽ giúp các nước Đông Nam Á củng cố năng lực hoạt động tại khu vực Biển Đông, bằng cách cho phép các lực lượng khác biệt hoạt động cùng nhau tại khu vực đang diễn ra tranh chấp về mặt chủ quyền.
Trong cuộc diễn tập, Mỹ đã cam kết sẽ duy trì hoạt động giao lưu quân sự với khu vực trong bối cảnh Biển Đông vẫn đang căng thẳng. Trung Quốc đã có những yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết khu vực, đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn”, đồng thời thực hiện bồi đắp và quân sự hóa trái phép khu vực.
Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khẳng định khu vực này nằm trong một phần chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington.
Thông điệp cứng rắn
Sean King, phó chủ tịch công ty chiến lược chính trị Park Strategies (Mỹ), cho rằng Washington thông qua cuộc diễn tập muốn gửi thông điệp cứng rắn và rõ ràng tới Trung Quốc rằng họ vẫn đang hiện diện ở khu vực.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại trường S. Rajaratnam, nói rằng các nước Đông Nam Á đang tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ để đối phó lại với Trung Quốc vì sự bất đối xứng trong năng lực quân sự giữa các quốc gia này và Bắc Kinh. Ông Koh cho rằng, ngoài Mỹ, các nước ASEAN cũng đang củng cố mối quan hệ an ninh và quốc phòng với những cường quốc khác như Astralia hay Nhật Bản.
Mỹ trong thời gian qua đã tăng cường hoạt động tại Biển Đông. Tháng trước, họ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan tới thăm cảng Philippines. Động thái này không chỉ thể hiện cam kết của Washington với đồng minh mà còn nhằm nhắc nhở Trung Quốc về sự có mặt của họ tại khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyên các nước ASEAN không nên lựa chọn nghiêng hẳn về một bên nào do sự đa dạng về lợi ích quốc gia và ưu tiên của mỗi nước Đông Nam Á đều khác nhau, theo ông Chaturvedy. Theo chuyên gia này, các nước ASEAN nên chọn phương án cân bằng giữa cả 2 bên.
Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã từng tuyên bố rõ ràng rằng Washington không yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á phải "chọn phe" giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Mỹ với ASEAN là nhằm mong muốn hợp tác, tôn trọng chủ quyền các nước cũng như quy định cơ bản, quyền con người và tăng trưởng kinh tế bền vững".
“Sự tham gia của chúng tôi vào khu vực này không và sẽ không phải là tình trạng “kẻ được người mất”. Các lợi ích của chúng tôi đơn giản là hòa hợp tự nhiên với lợi ích của các bạn và hướng tới lợi ích chung của chúng ta”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.