Thỏa đam mê đọc với "Những ngày văn học châu Âu lần thứ 6"
Năm nay, cùng với Hà Nội, những ngày văn học châu Âu lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại TP. HCM. 8 nước châu Âu mang đến ngày hội văn học sôi động này rất nhiều hoạt động dành cho khán giả yêu văn học như: đọc sách cùng tác giả, giới thiệu sách, hội thảo, trao đổi, triển lãm và chiếu phim.
Từ năm 2011, những ngày văn học câu Âu được EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu tổ chức thường niên tại Hà Nội. Và lần đầu tiên vào năm 2016, sự kiện vươn rộng tới TP.HCM là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự quan tâm của độc giả Việt Nam tới văn học châu Âu. Với rất nhiều loại sách truyện đến từ Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Wallonie-Bruxelles (Bỉ), chắc chắn mỗi độc giả sẽ tìm thấy ở đây điều mình quan tâm.
Những ngày văn học châu Âu sẽ được các đơn vị thành viên khai mạc ngày 5/5 tại Viện Goethe Hà Nội (56 – 58 Nguyễn Thái Học). Đóng góp đầu tiên của Đức là cuốn “Con rối tha hương” – tiểu thuyết về một phần cuộc sống Việt Nam ở Đức do chính tác giả Karin Karisa giới thiệu (bản Việt ngữ). Tiếp sau đó là cuốn sách đã có được những thành công vang dội ở Đức – “Vị hạt táo” do GS. TS Nguyễn Quang Hưng và TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh giới thiệu.
Những ngày văn học châu Âu lần thứ 6 sẽ mang đến nhiều tác phẩm đặc sắc cho độc giả Việt
Bộ tiểu thuyết ba tập được trẻ em yêu thích “Những chuyến phiêu lưu của Rico và Oskar” giờ đây được xuất bản trọn bộ bằng tiếng Việt. Ban tổ chức chương trình sẽ giới thiệu trọn bộ và sau đó chiếu bộ phim “Rico, Oska và những bóng đen bí ẩn”.
Ngoài ra, năm nay, những ngày văn học câu Âu giới thiệu thêm một trong những cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của văn học Đức là “Lâu đài” của Franz Kafka.
Ba địa điểm diễn ra sự kiện tại Hà Nội bao gồm Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm văn hóa Pháp L’espace (24 Tràng Tiền) và Trung tâm văn hóa Ý Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu). Tại TP. HCM, nơi tổ chức sự kiện là Idecaf (31 Thái Văn Lung), Thư viện Khoa học tổng hợp (69 Lý Tự Trọng) và đường sách Nguyễn Văn Bình.