Thịt cóc có phải “thần dược” cho trẻ còi xương?
Thịt cóc không phải là thần dược cho trẻ còi xương
Thịt cóc được lưu truyền trong dân gian để phương thuốc hiệu quả để chữa chứng còi xương, biếng ăn cho trẻ, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, và còn được xem là món ăn mang lại nhiều lợi ích (làm ruốc, bột cóc, thịt tươi...) Chính vì điều này thịt có được nhiều bà mẹ mua về làm món ăn cho con trẻ.
Thịt cóc được rao bán trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên theo phân tích của Ths. Bs. Dương Công Minh trên trang Webiste của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho hay dựa trên Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng công bố năm 2007, cho thấy thịt cóc không phải là thần dược để chữa còi xương và biếng ăn cho trẻ.
Thịt cóc rất giàu đạm và kẽm (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm), nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt cóc.
Và lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu. Mặt khác, thịt cóc, với hàm lượng canxi và Vitamin D "nghèo" coi như bằng không, rõ ràng không thể giúp bé phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương được.
Theo bác sĩ Minh, với những phân tích có cơ sở như trên cho thấy: thịt cóc cho dù giàu đạm và giàu kẽm không phải là phương thuốc cứu cánh duy nhất can thiệp trong vấn đề biếng ăn của trẻ, vốn dĩ do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
Cẩn trọng ngộ độc do độc tố từ cóc
Mặc dù thịt cóc có chứa nhiều đạm, kẽm, nhưng trên thực tế thịt cóc lại rất dễ gây độc nếu sơ chế và chế biến không đúng cách.
Chia sẻ với PLO.vn Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao, Viện dinh dưỡng NutiFood cho hay cơ thể cóc có những bộ phận chứa chất độc.
"Độc tố cóc chính là Bufotoxine có trong phủ tạng (gan, mật, ruột, phổi…), trứng, da và dịch tiết màu trắng đục, còn gọi là nọc cóc hay nhựa cóc, từ các tuyến dưới da, sau mang tai, trên mắt và các hạch thần kinh ở dọc hai bên xương sống. Chất này rất bền với nhiệt độ nên không bị phá hủy trong quá trình chế biến. Người ta ước tính lượng bufotoxine trong một con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh", bác sĩ cho hay.
Thịt cóc dễ gây ngộ độc do các độc tố trên cóc gây ra. Ảnh: Internet
Theo Thạc sĩ Hồng Loan, trên thực tế, không ít trường hợp ăn thịt cóc dẫn đến chết người do không hiểu biết, chế biến cóc không bỏ hết da, nội tạng, hoặc khi làm không cẩn thận để nhựa cóc dính vào thịt cóc, hoặc làm vỡ trứng, bỏ sót trứng khi chế biến. Ngộ độc cóc thường xảy ra sau 1-2 giờ với các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, rối loạn nhịp tim, đau đầu, ảo giác, sốc, tổn thương gan, thận và thường tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
"Vì vậy, tuy cóc là một món ăn bổ dưỡng, nhưng việc ăn thịt cóc lại tiềm ẩn nguy cơ vô cùng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người nên để an toàn thì không nên ăn cóc hay tự chế biến thịt cóc mà không biết cách. Nếu phải dùng sản phẩm cóc, chỉ nên sử dụng những sản phẩm được chế biến dưới dạng thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm - thuốc được cơ quan chức năng cấp phép", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên lời khuyên.