Thiêng liêng cột cờ giới tuyến trên đảo tiền tiêu
Hùng tráng lễ thượng cờ trên đảo tiền tiêu |
Thiêng liêng những cột mốc đặc biệt trên biên giới Việt Nam |
Ngọn tranh và đá đảo
Từ huyện Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình, sau một đêm thao thức nằm nghe sóng vỗ miệt mài nơi cửa biển Nhật Lệ, chúng tôi và nhóm bạn trẻ vượt đoạn Quốc lộ 1 để băng qua thị trấn Hồ Xá (H.Vĩnh Linh), vào đến nơi ghi dấu trong nhiều sử sách: cầu Hiền Lương.
Khu phi quân sự một thời là chiến địa với Dốc Miếu giăng đầy lửa đạn, nhìn xa xa ngoằn ngoèo khi đứng từ cột cờ giới tuyến ngước về phía Nam. Một vùng đất rộng là vĩ tuyến 17 ngày nào, nay rất quang quẻ với lúp xúp cỏ tranh vây quanh đá đảo.
Những viên đá ở các đảo tiền tiêu của biển Tổ quốc được đưa về đây được ghi danh xuất xứ. Này là Trường Sa, Tiên Nữ, Thuyền Chài… Kia là Len Đao, Phan Vinh, Nam Yết… Ngọn tranh xanh mướt vẫn chĩa thẳng lên trời. Vài ba cánh bàng vuông phơ phất trong gió sớm đầu đông. Cô bạn đi cùng trong đoàn nói: “Em nghe kể và đọc qua sách vở, bây giờ mới thấy tận mắt”.
Rồi say mê chụp hình một nơi có lẽ ai cũng đã từng nghe nhưng vì nhiều lẽ, chưa kịp có lần đến. Nhìn cột cờ cao vời vợi, nhóm bạn trẻ phải gần như nằm xuống để chụp hắt lên đến đỉnh cột. Bữa ấy gió nhiều, lá cờ bay phần phật nghe roàn roạt. Một người bạn đi cùng tên Trường, là dân bờ Nam, thuộc huyện Gio Linh nói: “Chỉ vài tháng là phải thay lá cờ mới. Dấu hình Tổ quốc thiêng liêng nơi này để cho ai qua cũng phải hoài niệm về một thời chia cắt, đau thương”.
Lục lại trí nhớ, có lần tôi đọc ở đâu đó về chiếc cột cờ này, hơn 60 năm trước cứ phải thay liên tục, để cho phía bên này cao vượt hơn phía bên kia, một dạo lịch sử truyền lại, gọi là những cuộc “chọi cờ”. Còn về lá cờ, chỉ tính riêng hơn 11 năm, từ tháng 5.1956 đến tháng 10.1967, đã có 267 lá cờ cỡ lớn được những người lính miền Bắc thay. Trường nói: “Chừ vẫn rứa, anh coi cột cao gió phần phật thổi ri, răng mà giữ không rách được”.
Cũng trong buổi sáng, tôi đã đi quanh và chụp hình, từ gần 10 năm trước, người ta đã đưa về những viên đá biểu tượng ở các đảo trên biển Đông, khắc bảng từng viên lấy về từ đâu và có chú thích rõ ràng kinh độ, vĩ độ của từng hòn đảo.
Hình dung thêm, dù chưa một lần đặt chân đến đảo nào trong số ấy, nhưng nhìn cái cách biển mặn ăn mòn hình dáng và màu sắc của từng viên, có thể cân lượng được sức của thiên nhiên, của biển và ý chí kiên cường, muôn đời của cha ông truyền lại đến ngày nay cho con cháu, là một vạch nối không phải vô hình. Nó hiển lộ hữu hình bằng biết bao mồ hôi, xương máu và anh linh của biết bao người đi giữ biển.
Và bây giờ, đá đảo được những ngọn tranh đất liền ôm ấp, ngọn tranh của xứ gió Lào mọc lên, tua tủa bên cạnh, làm thành biểu tượng hình hài của một đất nước bền bỉ, luôn ở nơi đầu sóng ngọn gió.
Biển mặn bên bờ vĩ tuyến
Khi tôi viết những dòng này, cơn bão số 13 khắc nghiệt đã suy yếu, nhưng cũng kịp gây ra thiệt hại cho nhiều nơi từ Quảng Bình đến Quảng Nam, nhất là ở Thừa Thiên-Huế. Biển nổi sóng cồn và những ngày trước đó nhìn vào biểu đồ cơn bão đi qua được cập nhật liên tục trên Facebook của một chuyên gia với những lời cảnh báo truyền đến cho đồng bào, đầy lo lắng. Chỉ gần 50 ngày vắt từ tháng 9 qua tháng 11, Việt Nam đã có 8 cơn bão và một cơn áp thấp.
Vùng biển Thái Bình Dương không ngơi nghỉ sóng gào. Gió mang theo vị mặn của biển biến thành những trận cuồng phong gây đau đớn cho cả dải đất hẹp miền Trung. Biển gió thét gầm, Trường Sơn sạt lở. Chợt liên tưởng đến một đoạn trong bài Hòn Vọng Phu 2 của cố nhạc sĩ Lê Thương, ông đã nhân cách hóa một đoạn về hình sông thế núi của đất nước rất hay: “Nên núi non thương tình, kéo nhau đi thăm nàng, nằm thành Trường Sơn, vạn lý xuyên nước Nam…”, rồi: "Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo xa, ra tới khơi ngàn…”. Sự liên tưởng quá phong phú và cách lồng ghép vào âm nhạc độc đáo đến nỗi khi nhìn những viên đá đảo ở vĩ tuyến 17, có lẽ ai cũng nghĩ rằng đất nước đã đi suốt chiều dài lịch sử một cách gian truân. Để đến bây giờ, hiện hữu nơi đây là hình hài của đá đưa về từ biển mặn…
… Cũng nơi này, ngày niên thiếu tôi đã từng qua lại bao lần. Quê hương Gio Linh của tôi bên bờ Nam và Vĩnh Linh phía bờ Bắc lúc ấy nhập thành một huyện có tên là Bến Hải. Chiến cuộc đã tàn, nhưng vết thương vẫn còn lở loét. Câu chuyện đau thương của biết bao góa phụ của hai miền như đúc lại thành đá, nghẹn nỗi cô đơn. Người ra đi từ chiến trường nay không về và mái tóc thơ trẻ của biết bao bạn bè tôi, như chát nắng trên đồi, ngày gió Lào thổi mãi vào đêm. Ánh trăng hòa bình tỏa rạng trên mọi nẻo đường quê. Và bao đận khó khăn ấy, giờ hồi tưởng lại mờ mịt như lùi vào cõi nào rất xa, để ký ức của thế hệ tôi và các bạn chỉ còn lưu giữ lại ánh trăng miên man rọi trên lũy tre làng, mỏng mảnh sắc xanh hòa trộn với lung linh dát bạc.
Vĩ thanh
Có biết bao mùa mưa nắng qua đôi bờ dòng Bến Hải, chảy qua cuộc đời của mấy thế hệ ra đi từ đó. Để khi về lại đứng bên bờ dòng sông lịch sử, tôi và có lẽ cũng với nhiều người, trong tâm tưởng chỉ đau đáu một nguyện ước: hòa bình và hạnh phúc.
Điều nguyện ước ấy, cứ rực lên trong tôi và bạn bè như ngọn cờ thắm đỏ bao năm vẫn ngạo nghễ bay trên nền trời. Tổ quốc chỉ có một, và bây giờ hàng chục hòn đảo ấy, vây quanh cột cờ từng ghi dấu sự vẹn toàn thống nhất, mà mỗi khi ngước nhìn lên, lại bật lên bao dấu hỏi, có lẽ không chỉ riêng tôi, rằng thiên tai bão lũ sao cứ chất chồng lên dải dất hẹp này, để con người cứ phải căng mình chịu đựng?
Và một khi thiên nhiên đã vậy, thì những chuyện vẫn nghe hàng ngày với cụm từ “nhân tai” người ta thường nói những ngày qua, kiểu như câu chuyện thủy điện Thượng Nhật, sao vẫn cứ hiện diện mãi trên đất nước này?
"Thiên đường hoa cỏ lau" ở cột mốc biên giới Ở độ cao hơn 800 mét so với mặt nước biển, cột mốc 1297 hút khách đến ngắm nhìn cỏ lau nở rộ. |
Cột cờ Lũng Cú, điểm đến nơi cực Bắc Việt Nam Cột cờ Lũng Cú là cột cờ Quốc gia, nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ ... |