Thị trường trà sữa sắp đến lúc bão hòa?
Các quán trà sữa nổi tiếng tại Hà Nội. (Ảnh: Q&Me)
Một cuộc khảo sát thực hiện bởi Lozi cho thấy, 53% số người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm.
Theo một khảo sát của Q&Me (dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) về nhu cầu trà sữa ở Việt Nam cho thấy, 73% số người được hỏi đều nhận biết trà sữa, tỷ lệ nhận biết cao hơn ở những người trả lời trong độ tuổi từ 30-39 tuổi và các người trả lời ở TP. HCM.
Khảo sát cho thấy, việc nhận biết trà sữa chủ yếu thông qua bạn bè, theo sau đó là các yếu tố như có bán ở gần nơi ở/làm việc/học tập và thấy mọi người xung quanh uống. 91% đáp viên biết đến trà sữa có uống sản phẩm này, và tỷ lệ uống trà sữa cao hơn ở những người trẻ tuổi với 95%.
Các quán trà sữa nổi tiếng tại TP. HCM. (Ảnh: Q&Me)
Khi hình dung nói về trà sữa, những hình ảnh được người trả lời đưa ra là ngon, thư giãn và dành cho tuổi trẻ
Theo kết quả khảo sát, ở Hà Nội, Ding Tea là cửa hàng được đến thường xuyên nhất với tỷ lệ 49%, tiếp đó là Toco Toco (16%) và Gong Cha (9%). Ở TP. HCM, Hot & Cold là cửa hàng được đến thường xuyên nhất với tỷ lệ 22%, tiếp đó là Hoa Hướng Dương (14%) và Phúc Long (13%).
Tuy nhiên, với các yếu tố như: giá cao, vị trí không thuận tiện và chất lượng không tốt là những lý do chính khiến người dùng rời bỏ các cửa hàng trà sữa.
Người tiêu dùng đang bị lạc giữa "ma trận" các loại trà sữa
Trước đây, đã từng rộ lên trào lưu kinh doanh bún Thái hải sản, xoài lắc, trà sữa Thái, kem dừa, mì cay Hàn Quốc và giờ là đến trà sữa. Không khó bắt gặp những cửa hàng “cộp mác” món ăn này mở ra nhan nhản khắp nơi. Nhưng coi chừng, kinh doanh theo trào lưu chóng đến, rồi cũng... chóng đi.
Có thể thấy, việc kinh doanh theo trào lưu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với tâm lý ưa thích sự độc, mới, lạ của NTD, khi trào lưu món này tạm lắng sẽ có những món ăn mới nhanh chóng lên ngôi. Nếu không nắm bắt kịp thời tâm lý của NTD, nhiều chủ cửa hàng “ăn theo” sẽ vấp phải khó khăn trong việc duy trì cửa hàng khi trào lưu đã nguội và bão hòa. Lời khuyên của nhiều chủ quán là cần tìm hiểu phương thức kinh doanh, đối tượng khách hàng, mặt bằng, nguyên liệu, giá cả… Đặc biệt là không ngừng thay đổi, sáng tạo sản phẩm để đáp ứng thói quen của khách hàng bởi chất lượng mới là cái làm nên thương hiệu và là cốt lõi của kinh doanh.
Theo Lao Động