Thị trường kiệt quệ thanh khoản, nhà đầu tư cố gắng xoay xở
Định vị thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội chinh phục mốc 1.300 điểm trong năm 2024. Khi bối cảnh chung kém đi sự thuận lợi, sức chống chịu của thị trường cũng không được thể hiện.
Với một loạt các chỉ số châu Á giảm điểm, VN-Index cũng không là ngoại lệ. Cụ thể, chỉ số đã giảm trở lại 0,25% trong khi các chỉ số khác đều đóng cửa trong sắc đỏ: SHCMP (-0,61%), TWSE (-0,46%), KOSPI (-0,92%), KLSE (-0,56%).
Chất xúc tác
Thanh khoản vẫn là vẫn đề nổi cộm của thị trường. Quy mô khớp lệnh của HOSE đã có 6 phiên liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên và ở phiên hôm nay còn giảm khoảng 3% so với hôm qua xuống 475 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng hơn 140 tỷ đồng trên HOSE. |
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đã tiếp tục được gia tăng với đóng góp trong 2 chiều mua/bán chiếm 12,5%. Dù vậy, khối ngoại cũng chỉ bán ròng gần 150 tỷ đồng thay vì xuất hiện các giao dịch thỏa thuận đột biến như phiên trước. Các mã VPB (+141 tỷ đồng), TCB (+125 tỷ đồng), FPT (+109 tỷ đồng) được mua vào nhiều trong khi MSN (-90 tỷ đồng), VHM (-74 tỷ đồng), STB (-83 tỷ đồng), SSI (-70 tỷ đồng), HPG (-56 tỷ đồng), VNM (-41 tỷ đồng) là những đối trọng.
Được biết, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tranh thủ bơm ròng 8.399,91 tỷ đồng qua thị trường mở khi chỉ số DXY đang tạm chững đà đi lên. Trạng thái giao dịch hiện có 35.014,48 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 71.350 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Còn giá bán USD trên thị trường tự do đã xuống dưới 25.800 VND/USD trong khi các ngân hàng đang bán ra ở mức 25.458 VND/USD.
Vận động thị trường
Trong 2 phiên trước, thị trường đã gỡ được tổng cộng 9 điểm. Những nỗ lực để duy trì đà hồi phục vẫn còn duy trì trong khoảng thời gian đầu phiên hôm nay. Nhưng khi lực cầu không có dấu hiệu tham gia, chỉ số VN-Index đã phải chấp nhận quay đầu đảo chiều.
Đặc biệt, khoảng thời gian phiên chiều đã chứng kiến những sức ép nhiều hơn từ các cổ phiếu lớn. VN-Index đã có lúc giảm về gần 1.255 điểm với nhiều cổ phiếu lớn kéo xuống. Đóng cửa phiên, chỉ số đã thu hẹp lại phần nào chênh lệch và chỉ còn giảm 3,15 điểm xuống 1.258,63 điểm (-0,25%). Giá trị giao dịch đạt 12.700 tỷ đồng, tương đương 536 triệu đơn vị.
Một số mã trong VN30 như VHM (-3,7%), SSI (-1,3%), PLX (-1,2%), VNM (-1%) vẫn giảm hơn 1% khi đóng cửa. Trong khi đó, độ rộng của VN30 cũng chứng kiến 17/30 mã giảm giá.
Trong khi đó, một số mã Ngân hàng như STB (+2,2%), VIB (+1,3%), TCB (+1,1%), NAB (+1,6%), TPB (+0,9%) đã làm nhiệm vụ đỡ thị trường cuối phiên.
Sự hoảng loạn không xuất hiện khi thị trường đang kiệt quệ về thanh khoản. Tuy nhiên, các cổ phiếu đang phân hóa mạnh hơn với một số mã đi ngược như NVL (+3,36%), DXG (+1,22%), SIP (+4,51%) còn các mã HCM (-1,05%), HSG (-1,69%), VHC (-1,25%), DGW (-1,38%), GEX (-1,44%), PC1 (-1,1%) giảm trên 1%. Tổng cộng, toàn HOSE có 47% giảm so với 36,5% mã tăng giá.
Dòng tiền cũng đã tìm cách chuyển hướng sang HNX và UPCoM nhưng chỉ tạo ra một số điểm sáng như IDC (+2,8%), DTD (+2%), VEA (+3,2%), HBC (+6,1%), MFS (+3,7%), C4G (+2,4%). Cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index dù đóng cửa trong sắc xanh nhưng vẫn chưa phải trạng thái tốt nhất phiên, lần lượt tăng 0,14% và 0,15%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 1.500 tỷ đồng.