Thị trường có sự chuyển dịch từ Ngân hàng sang nhóm Midcap và Penny
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á vận động trái chiều trong phiên đầu tuần với NIKKEI 225 (+0,08%), SZI (+2,03%), SHMCP (+0,51%) tăng điểm. Trong khi đó, chiều ngược lại, các chỉ số TWSE (-0,1%), KOSPI (-1,15%), SET (-0,66%) cùng xuất hiện sắc đỏ.
Chỉ số VN-Index đã đi theo nhóm giảm điểm và đã có nhịp nhúng giảm về gần 1.240 điểm. Tuy nhiên, dường như thị trường chỉ đang chứng kiến một sự dịch chuyển của dòng tiền từ các cổ phiếu Ngân hàng sang các nhóm Midcap và Penny. Chỉ số UPCoM-Index thậm chí đã có một phiên tăng điểm đi ngược lại xu hướng.
Chất xúc tác
Với những vận động dịch chuyển khá mạnh mẽ, thanh khoản trên HOSE đã có sự gia tăng đột biến. Khớp lệnh trên HOSE tăng 41,55% so với phiên cuối tuần trước, lên 712 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 13 phiên trở lại và cùng vượt trên mức bình quân 20 phiên.
Đáng chú ý, một số mã như STB và HPG đã đạt quy mô giao dịch trên 1.000 tỷ đồng dù kết quả là khá trái ngược nhau.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng quy mô tương đối lớn. |
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có những động thái bán ra với quy mô khá lớn, đạt 956 tỷ đồng tập trung vào các cổ phiếu MSN (-251 tỷ đồng), CMG (-207,18 tỷ đồng), STB (-112 tỷ đồng), TCB (-76,7 tỷ đồng) trong khi mua vào HPG (+159 tỷ đồng), DGC (+68,2 tỷ đồng).
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp có những phiên bơm ròng lại hệ thống để giảm áp lực. Trong tuần trước, NHNN bơm ròng 65.450 tỷ đồng ra thị trường bằng kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 89.999,91 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 76.650 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Áp lực giảm điểm của chỉ số VN-Index đến từ nhóm Ngân hàng với hầu hết các mã giảm giá trong đó STB (-4,8%), MSB (-2,9%), HDB (-2,7%), TPB (-2,7%), BID (-1,9%), TCB (-1,7%) giảm sâu nhất.
Với sức ảnh hưởng vốn hóa, Ngân hàng đã có lúc khiến cho VN-Index lùi về gần 1.240 điểm. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index lại có được trạng thái "rút chân" với nỗ lực kéo lại của các Bluechips khác như HPG (+2,6%), FPT (+1,8%), MSN (+1,7%), VHM (+1,5%), GVR (+1,5%), BCM (+1,4%) trong đó HPG đóng cửa cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây.
Hiệu ứng của Ngân hàng chỉ giới hạn tới một số mã như Chứng khoán, Bất động sản như HCM (-1,72%), SSI (-1,52%), VND (-2,03%), DPR (-2,34%), TCH (-1,94%).
Trong khi đó, nhiều mã khác ở nhóm Midcap và Penny lại thoát ra khỏi sự kìm kẹp của Ngân hàng như CMG (+6,89%), DGC (+2,95%), HAH (+2,29%), VOS (+6,78%), CSV (+5,75%), VIP (+6,67%), VTO (+6,7%), HVN (+4,23%), VSC (+3,24%), VCG (+3,17%)… Chỉ số VNSML đại diện cho các cổ phiếu Penny thậm chí còn đi ngược thị trường với việc tăng 0,33%.
Sàn UPCoM cũng có nhiều cổ phiếu tăng tốt như VGT (+5%), VGI (+2,1%), DDV (+4,8%), TTN (+5,7%), DRI (+3,4%) và chỉ số UCoM-Index tăng 0,27%.
Trong khi đó, VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa giảm điểm, lần lượt mất 0,18% và 0,01%. Giá trị giao dịch của HOSE đạt 19.616 tỷ đồng còn HNX đạt hơn 1.000 tỷ đồng.