Thị trường bán lẻ: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều “khát” mặt bằng khu vực trung tâm
Theo xếp hạng của ATKearney, Chỉ số phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam xếp hạng thứ 6 trên toàn thế giới và đang tiếp tục thu hút nhà đầu tư đầu tư thế giới vào thị trường này. Đây là một trong những nội dung nghiên cứu vừa được Savills Việt Nam công bố.
Theo Savills, một trong những lý do khiến chỉ số phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp thứ hạng cao vì niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng được nâng cấp
Mặc dù thị trường bán lẻ có chỉ số phát triển rất cao, nhưng theo Savills, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn, khi mật độ bán lẻ tại 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ đạt 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/ người, thấp hơn nhiều thành phố trong khu vực.
Theo Savills, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tập trung tại khu vực trung tâm hơn, với tỷ lệ khoảng 13%. Trong khi đó tại Hà Nội, do quỹ đất hạn chế và việc giới hạn chiều cao công trình nên chỉ có khoảng 2% nguồn cung mặt bằng bán lẻ tập trung ở khu vực trung tâm.
Có một thực tế Savills chỉ ra đối đối lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam là trong khi lĩnh vực thời trang bình dân, rạp chiếu phim, ẩm thực có sự tăng trưởng rất nhanh và các doanh nghiệp khá nhanh nhạy đưa ra mức giá phù hợp. Thì ngành hàng cao cấp và trang sức có mức giá bán luôn cao hơn từ 20-50% so với giá trung bình trên thế giới do tác động của thuế và vấn đề định giá.
Việc mở rộng đối với ngành hàng cao cấp cũng rất khó khăn do doanh nghiệp không những không mở rộng, mà còn có xu hướng thu hẹp, đóng bớt một số cửa hàng.
Theo đánh giá của Savills, thị trường bán lẻ Việt Nam có tính cạnh tranh rất cao, nhưng vẫn rất tiềm năng và có nhiều cơ hội. Dù vậy, Savills cho rằng, đây chưa phải thời điểm tốt đối với nhà phát triển bất động sản bán lẻ.
Bởi nếu chọn giải pháp an toàn đầu tư mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm, chi phí sẽ rất lớn. Trong khi đầu tư các khu vực ngoài trung tâm, rủi ro lại cao hơn, lại bị cạnh tranh lớn hơn, vì các dự án phát triển sau này thường có chất lượng cao hơn và sẽ nhanh chóng soán ngôi các dự án trước.
Theo đánh giá của Savills, khách hàng – đối tượng chính của ngành bán lẻ trong thời đại công nghệ có xu hướng thay đổi rất nhanh. Vì vậy, các doanh nghiệp phát triển bất động sản bán lẻ cũng sẽ phải thay đổi để bắt kịp xu hướng này. Do đó, các nhà phát triển và chủ dự án bất động sản bán lẻ cần có cái nhìn dài hạn hơn, có những dự đoán những thay đổi đối với thị trường bán lẻ trong tương lai ra sao sẽ ảnh hưởng thế nào đối với dự án bất động sản của mình!Minh Hằng
Theo Báo Thời Đại