Thế hệ nhà văn sau 1975: Tổng kết thành tựu của 30 năm văn học Đổi mới
Sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm Đổi mới, nền văn học Việt Nam có nhiều đổi thay và đạt được những thành tựu mới. Trong đó có đóng góp không nhỏ của những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975. Khá nhiều trong số đó từng được đào tạo hoặc gắn bó với khoa Viết văn – báo chí (tiền thân là trường Viết văn Nguyễn Du).
Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Một, Dạ Ngân, Phan Thị Vàng Anh... (văn xuôi); Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến... (thơ). Trong mảng nghiên cứu – lý luận – phê bình là các gương mặt: Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn, Văn Giá... Các dịch giả: Phạm Xuân Nguyên, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng...
Chính vì vậy, hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” được tổ chức nhằm mục đích đánh giá, tổng kết thành tựu của 30 năm văn học Đổi mới (1986 – 2016).
Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều là những gương mặt sáng tác nổi bật sau năm 1975
Hội thảo sẽ tập trung vào các chủ đề về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mới và sự xuất hiện của thế hệ nhà văn sau 1975 với những nhân tố tác động đến đời sống văn học, những chuyển biến về tư duy nghệ thuật, đội ngũ sáng tác cũng như công chúng văn học. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đánh giá những thành tựu văn học nổi bật về lực lượng phong trào; các chuyên ngành, tư tưởng nghệ thuật, về hệ giá trị mỹ học; những hạn chế và giải pháp của giai đoạn văn học này.
Mặc dù với tên gọi “Thế hệ nhà văn sau 1975” nhưng thực chất cuộc hội thảo này nhấn mạnh về văn học 30 năm Đổi mới và cái mốc sau 1975 là khi nhà văn đã trưởng thành, có tác phẩm tạo được dư luận.
Thông qua các ý kiến thảo luận, hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà nghiên cứu và phê bình văn học nhận diện, đánh giá về diện mạo và thành tựu của một thế hệ nhà văn cầm bút, trưởng thành từ sau 1975.