Thế giới ngăn ngừa tai nạn đường sắt như thế nào?
Kinh nghiệm từ thế giới
Tàu hỏa là phương tiện có thể di chuyển với tốc độ rất cao, nhưng có trọng tải nặng, không thể đi chệch khỏi đường ray và cần một khoảng cách lớn để dừng lại.
Cho dù vận tải đường sắt được coi là một trong những hình thức vận chuyển an toàn nhất, vẫn có khả năng xảy ra tai nạn. Trong đó, các vụ tai nạn có thể xảy ra khi tàu trật bánh, va chạm với tàu khác hoặc các phương tiện lưu thông, người đi bộ ở các điểm giao cắt ngang.
Hệ thống đường sắt của Nhật Bản được mệnh danh là tốt nhất thế giới, với một mạng lưới rộng khắp vận chuyển 12 tỷ lượt hành khách mỗi năm. (Nguồn ảnh: Expres.cz)
Các vụ tai nạn đường sắt khi xảy ra thường có những thiệt hại và thương vong lớn. Do đó, an toàn giao thông đường sắt là vấn đề được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Mỗi quốc gia thực hiện những giải pháp khác nhau để ngăn ngừa tai nạn xảy ra và đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách.
Trong số này nổi tiếng là Nhật Bản. Hệ thống đường sắt của nước này được đánh giá là an toàn và thuận tiện. Giờ tàu chạy chính xác tới từng phút. Tàu chỉ chậm tuyến hoặc bị tạm dừng khi có 3 nguyên nhân chính xảy ra là: gió bão, tuyết và có người lao vào đoàn tàu để tự sát.
Để đảm bảo tàu chạy đúng giờ và phòng ngừa tai nạn, Nhật Bản cách ly đường tàu ra khỏi khu dân cư cũng như đường lưu thông của các phương tiện giao thông khác. Một ví dụ điển hình là hệ thống tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản áp dụng cách thức này. Theo đó, các chuyến tàu chỉ chạy trên các tuyến đường sắt chuyên dụng và tách biệt hoàn toàn đối với các đường lưu thông xung quanh.
Nhờ vậy, tốc độ của tàu luôn ổn định đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ tàu va chạm với các phương tiện cơ giới khác hoặc người đi bộ.
Mỹ cũng rất chú trọng đến vấn đề an toàn đường sắt. Do vậy, các tuyến đường ray tàu hỏa chở khách của nước này được trang bị công nghệ chống va chạm tàu được gọi là hệ thống điều khiển tàu tích cực (PTC).
Hệ thống điều khiển tàu tích cực (PTC) được thiết kể để ngăn ngừa các vụ trật đường ray hoặc va chạm do tàu chạy quá tốc độ. Ủy ban an toàn vận tải quốc gia Mỹ cho biết ít nhất 81 vụ tai nạn gây chết người kể từ năm 1969 đã có thể ngăn ngừa được nếu như các tuyến đường đường ray tàu hỏa chở khách được trang bị PTC.
Ngoài ra, ngành đường sắt của Mỹ còn áp dụng Công nghệ kiểm soát tàu hỏa tích cực. Công nghệ này sẽ tự động hãm tốc độ tàu nếu người lái tàu không tuân thủ các tín hiệu an toàn hoặc quá tốc độ hạn chế. Nhờ vậy, các vụ tai nạn có thể ngăn ngừa.
1.529 camera giám sát an toàn đường sắt
Trong thời gian gần đây, một số vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã khiến dư luận Việt Nam rúng động. Vì vậy, để phòng ngừa tai nạn, ngành Đường sắt đã triển khai lắp đặt 1.529 camera giám sát tại các vị trí liên quan trực tiếp đến chạy tàu như đường ngang, nhà ga, đầu máy...
Theo ông Trương Bình, Phó phòng Kỹ thuật - An toàn (Trung tâm giám sát trạng thái hoạt động đường ngang thuộc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội) cho biết, hiện đơn vị đã lắp đặt toàn bộ camera giám sát tại các đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn. Trên mỗi cột tín hiệu lắp một camera để ghi nhận các hoạt động tại đường ngang từ hai phía.
“Hình ảnh từ camera được truyền trực tiếp về trung tâm qua mạng di động 3G-4G. Qua các màn hình tại trung tâm, chúng tôi có thể nhận được toàn bộ hình ảnh thực tế đang diễn ra tại các đường ngang, từ người và phương tiện qua đường ngang thế nào, tàu qua đường ngang ra sao”, ông Bình nói.
Đường ngang đường sắt Bắc - Nam tại Km 18+806 địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội là nơi cần chắn tự động nhiều lần bị ôtô đâm gãy, nay đã lắp camera giám sát. Nguồn: Giao Thông.
Cũng theo ông Bình, cùng với lắp đặt camera, công ty đang ứng dụng phần mềm theo dõi trạng thái kĩ thuật của các thiết bị tại một số đường ngang. Khi áp dụng phần mềm này, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật công ty có thể trực tiếp nắm được toàn bộ trạng thái hoạt động, kỹ thuật của các thiết bị tại các đường ngang cảnh báo tự động có lắp thiết bị giám sát thông qua màn hình hiển thị trạng thái tức thời của thiết bị. Thông qua đây có thể biết những hư hỏng, sai sót để điều nhân viên khắc phục kịp thời.
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban ATGT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngoài các đường ngang có cần chắn tự động, ngành Đường sắt cũng lắp đặt camera giám sát tại các đường ngang có gác.
Theo ông Chiến, tính đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lắp đặt camera tại 263 phòng trực ban chạy tàu tại tất cả các ga có tác nghiệp đón, tiễn, chạy tàu. Cùng đó, 266 đầu máy cùng được lắp đặt camera cả trong và ngoài cabin; hơn 620 trạm chắn đường ngang (có gác) cũng được lắp camera trong chòi chắn và ngoài đường ngang tại; cùng đó, tại 380 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động cũng được phủ sóng camera.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch cho biết: Việc lắp đặt camera tại các vị trí trên giúp ngành Đường sắt có thể giám sát, kiểm tra chéo nhau. Ví dụ, camera ngoài cabin đầu máy nhằm ghi lại hành trình chuyến tàu, đồng thời giám sát hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực quy trình quy phạm của các nhân viên thực hiện điều hành chạy tàu dọc đường như trực ban ga, gác ghi, tuần đường, gác chắn… đã đúng chưa, kể cả việc thực hiện các thao gác báo tín hiệu như vị trí đứng, tư thế cầm cờ, đèn…
Camera lắp trong cabin đầu máy nhằm giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy, từ điều khiển tốc độ, kéo còi, hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Việc giám sát online từ xa được thực hiện 24/24h thông qua ứng dụng trên các thiết bị thông minh di động như máy tính xách tay, smartphone, máy tính bảng…
“Việc lắp đặt các camera giám sát này chủ yếu là biện pháp hỗ trợ phòng ngừa vi phạm do chủ quan, đảm bảo an toàn vì có thể phát hiện kịp thời những sai sót để bổ cứu, điều chỉnh ngay. Nhất là với các nhân viên sai sót, không tuân thủ nghiêm quy trình thì nhắc nhở ngay để phòng tránh sự cố”, ông Hoạch nói.
Thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang Thông tin với Báo Giao thông về các giải pháp công nghệ để tăng cường an toàn chạy tàu, giảm thiểu tai nạn, sự cố, bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đang tiến hành nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại tại đường ngang sử dụng cần chắn chuyên dụng đóng kín, có hỗ trợ quản lý giám sát. Hệ thống này sẽ tự động đưa ra tín hiệu cảnh báo khi có trở ngại mà không phụ thuộc vào chủ quan của con người. Cùng đó, Tổng công ty cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống giám sát hành trình tuần đường với mục tiêu giám sát công việc từ xa thông qua mạng internet. Qua đó có thể biết người tuần đường có thực hiện đúng quy trình hay không thông qua các thông số trên biểu đồ tuần đường như: Tốc độ di chuyển; Trạng thái tuần đường (dừng, di chuyển); Số km đã tuần trên cung đường… |
Hải Phong