Thế giới 8 tỷ người – cơ hội và thách thức
Bức tranh dân số thế giới
Theo Liên hợp quốc, Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023 (trước 4 năm so với ước tính). Dự kiến tới năm 2050, hơn 50% lượng dân số tăng của toàn thế giới sẽ tập trung ở 8 quốc gia là Ấn Độ, Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Riêng quốc gia Ấn Độ, Liên hợp quốc dự báo sẽ có 1,668 tỷ dân vào năm 2050, vượt xa con số có thể đạt được của Trung Quốc là 1,317 tỷ dân vào giữa thế kỷ 21. Đây là thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của quốc gia này. Tuy nhiên, dù dân số đang tiếp tục tăng nhưng thế giới lại đang phải đối mặt với thách thức khi mức sinh đã giảm rõ rệt ở nhiều quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản… kể cả Trung Quốc, tạo ra cho các quốc gia này đối mặt với giai đoạn “dân số già”. Các quốc gia có “dân số già” sẽ phải đẩy mạnh đầu tư cho phát triển hệ thống y tế, chăm sóc người già, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, chế độ lương hưu phù hợp với số người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Dân số thế giới đã đạt mức 8 tỷ người vào ngày 15/11 vừa qua (Ảnh minh họa). |
Cơ hội nhiều
Con số 8 tỷ người là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng và tiến bộ; đồng thời dấu mốc này cho thấy một câu chuyện thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, y học, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giúp gia tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Với 8 tỷ người sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho việc phân công lao động xã hội, tạo điều kiện đủ mạnh để các quốc gia thúc đẩy các ngành kinh tế, xã hội phát triển cho xây dựng và bảo vệ đất nước; nhất là các nước đang trong thời kỳ có số dân trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao (“dân số vàng”). Đây là cơ hội rất lớn để quyết định sự phát triển bền vững của mỗi nước nếu biết nâng cao chất lượng chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian qua, mới chỉ trong hơn 20 năm, quốc gia Trung Quốc đã biết tận dụng cơ hội “dân số vàng” để mang lại tới 15% tăng trưởng kinh tế. Nhiều nước ở châu Á cũng khai thác khá tốt cơ hội này đã sinh ra những “con rồng”, “con hổ” kinh tế, tạo nên sự phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Việt Nam, với khoảng 65 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 70% dân số) đang thuộc giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Đây cũng là cơ hội lớn cho nước ta đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và bảo vệ đất nước.
Nhưng thách thức còn lớn hơn
Đi kèm cơ hội từ tăng dân số là những thách thức. Dân số tăng trưởng nhanh ở những nước nghèo đang phải đối mặt với nỗi lo lương thực, khiến cho việc xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng cũng như mở rộng hệ thống y tế và giáo dục trở nên rất khó khăn. Những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, xung đột, đại dịch, ô nhiễm môi trường đã tạo ra những cuộc khủng hoảng mới về lương thực, năng lượng... Những vấn đề này đang gây ra tác động vô cùng lớn đến bộ phận người dễ bị tổn thương. Hiện nay, có hàng triệu người ở châu Phi, châu Á vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói, thiếu dinh dưỡng, không được chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học. Phụ nữ vẫn chưa được thực hiện quyền cơ bản của mình.
Liên hợp quốc cho rằng, 8 tỷ người trên thế giới sẽ tạo áp lực lớn đối với môi trường, hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động tới an ninh lương thực, nguồn nước. Đối với mỗi quốc gia, dân số tăng tạo thêm áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi, các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục, tạo việc làm và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo. Các đợt đại dịch bệnh cũng hạn chế tất cả hình thức di chuyển của con người, bao gồm di cư. Riêng đại dịch COVID-19 đã gây ra những thách thức rất lớn, làm ảnh hưởng đến sự thay đổi dân số thế giới.
Tối đa hóa lợi thế và giảm thiểu thách thức
Thế giới đã 8 tỷ người và sẽ còn tăng hơn nữa, thách thức lớn hơn là cơ hội. Phát triển cơ hội, vượt qua thách thức - Giải quyết vấn đề này, điều quan trọng là các quốc gia cần tập trung tăng cường đầu tư vào con người, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của “cột mốc dân số 8 tỷ” để phát triển bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hòa bình cho mọi người. Như lời Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã xác định: “Thời điểm mà thế giới chúng ta chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giải quyết những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Thế giới của chúng ta không chỉ đông đảo về số lượng, mà còn như một gia đình. Số lượng rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng. Chúng ta cần xây dựng một thế giới với 8 tỷ con người kiên cường, một thế giới đề cao quyền và lựa chọn của mỗi cá nhân, mang đến những khả năng vô hạn - khả năng cho con người, xã hội và hành tinh chung của chúng ta phát triển và thịnh vượng”.
Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về ứng phó với thách thức toàn cầu và phục hồi kinh tế Ngày 20-21/10 tại Geneva, đã diễn ra Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề “Đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo và giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu”, trong khuôn khổ Khóa họp cấp cao lần thứ 72 Ủy ban Thương mại và Phát triển, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). |
Đánh giá thời cơ, thách thức với hoạt động thương mại biển Hội thảo "Từ hải cảng ra thế giới: Lịch sử toàn cầu về các cảng Đông Dương (1858-1956)" có ý nghĩa như một sự bù khuyết vào vùng đất nghiên cứu còn những thiếu hụt và bỏ trống rất đáng để chúng ta lưu tâm và cộng đồng trách nhiệm khai thác. |