Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn trở thành điểm đến của các nhà làm phim trong nước và quốc tế
Theo ông Dương Anh Đức, TP.HCM được xem là thị trường lớn về lĩnh vực sản xuất, phát hành phim trên cả nước. Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm, với tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỷ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu). Thành phố mong muốn thông qua các hoạt động của HIFF sẽ thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực điện ảnh cũng như các ngành công nghiệp văn hóa của TP.HCM, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố”.
Ban tổ chức tặng hoa cho các thành viên ban giám khảo Liên hoan phim. (Ảnh: SGGP) |
Ông Dương Anh Đức cũng mong rằng Liên hoan phim sẽ tạo nên một sự kiện điện ảnh góp phần đưa TP.HCM trở thành điểm đến làm phim cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, tiến tới hình thành Thành phố Điện ảnh (Film City), được công nhận là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (Mạng lưới UCCN).
HIFF-2024 diễn ra từ 6 - 13/4. Liên hoan có 3 hạng mục tranh giải chính: Phim Đông Nam Á, phim đầu tay và phim ngắn, với các giải thưởng: Giải sao vàng (Golden Star) dành cho phim Đông Nam Á xuất sắc nhất; giải Nhà làm phim trẻ xuất sắc nhất (Best Emerging Director); giải phim ngắn xuất sắc nhất; giải thưởng phim TP.HCM. Ngoài ra là hệ thống giải thưởng cá nhân dành cho đạo diễn, diễn viên, quay phim, dựng phim, kỹ xảo hình ảnh…
Ngoài các hạng mục tranh giải và hoạt động chuyên môn dành cho nhà làm phim, Liên hoan còn có chuỗi hội thảo chuyên đề về: Phát triển điện ảnh Đông Nam Á; chiến lược phát triển điện ảnh TP.HCM; thảo luận từ các vấn đề vĩ mô liên quan tới phát triển chính sách, ngoại giao văn hoá thông qua điện ảnh tới những vấn đề thiết thực trong việc hợp tác và sản xuất phim.
Theo Ban tổ chức HIFF-2024, từ khi công bố, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 113 phim dài, 206 phim ngắn của các nhà làm phim trong và ngoài nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với mục tiêu xây dựng một Liên hoan phim xứng tầm quốc tế không chỉ ở quy mô số lượng các hoạt động và phim trình chiếu. Liên hoan phim là cơ hội tốt cho ngành điện ảnh TP.HCM được gặp gỡ và tiếp cận trao đổi trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu từ Hollywood (Mỹ), châu Âu, cũng như các nước phát triển tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… Các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh của Thành phố cũng có cơ hội được giới thiệu năng lực, các dự án tới các đối tác để tìm cơ hội hợp tác sản xuất cũng như xuất khẩu ra các thị trường mới. Ngoài ra, các nhà làm phim sẽ tham gia các khóa đào tạo, gặp gỡ các quỹ đầu tư, các hãng làm phim.
Giao lưu cùng đoàn phim "Boléro" trước khi phim công chiếu. (Ảnh: SGGP) |
Tại lễ khai mạc, tác phẩm “Boléro” của nữ đạo diễn kỳ cựu Anne Fontaine (Pháp) được chiếu mở màn. “Boléro” còn đại diện cho nước Pháp ở hạng mục Giao lộ điện ảnh (Cinematic Crossroads) trong khuôn khổ Liên hoan phim, nhằm tôn vinh nền điện ảnh của một quốc gia hoặc thành phố có những thành tựu và ảnh hưởng nổi bật, cũng như có quan hệ văn hóa, ngoại giao, nghệ thuật đặc biệt với TP.HCM.