Thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn lao động tại Thái Nguyên
Các gia đình được thăm, tặng quà gồm: gia đình anh Lăng Văn Trúc (công nhân Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên, nạn nhân bị tai nạn tử vong) ở xóm Đông Mẫu, xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ); Trần Mạnh Hiếu (hộ sản xuất gia đình, bị thương nặng 97% và đang nằm liệt tại chỗ) ở tổ dân phố 13, phường Tân Lập (thành phố Thái Nguyên).
Đoàn tới thăm và tặng quà gia đình anh Trần Mạnh Hiếu ở Thái Nguyên. |
Được biết, anh Lăng Văn Trúc (sinh năm 1980) có thâm niên 12 năm làm việc tại Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên, bị tai nạn lao động trong sản xuất hầm lò tháng 10/2021 dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong. Anh Trúc được đánh giá là công nhân lành nghề, tích cực trong lao động sản xuất, thu nhập bình quân 6 tháng liền kề trước khi bị tai nạn là khoảng 13 triệu đồng/tháng.
Ngoài việc hỗ trợ, chi trả chế độ chính sách theo quy định đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, vợ anh Trúc là chị Lý Thị Giang còn được Xí nghiệp kẽm chì làng Hích (Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên) tiếp nhận vào làm việc, thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Thái Hợp, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp kẽm chì làng Hích, cho biết: Ngay sau vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra đối với anh Lăng Văn Trúc, Xí nghiệp đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, quán triệt tới người lao động tại các tổ, đội sản xuất về các nội quy, quy trình về an toàn lao động; chủ động nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời rà soát lại các quy trình vận hành, thiết bị; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn như chèn, chống, san gạt, đảm bảo độ bằng phẳng trong quá trình khai thác…
Trường hợp của anh Trần Mạnh Hiếu (sinh năm 1988) bị tai nạn lao động (điện giật) trong lúc hàn tại xưởng cơ khí của gia đình vào năm 2020. Anh Hiếu có vợ và 2 con nhỏ, hiện đang nằm liệt tại chỗ và được vợ con chăm sóc.
Tại buổi trao quà, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động, cho hay: "Ban Chỉ đạo Trung ương đã phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.
Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động Chu Thị Hạnh tặng quà vợ nạn nhân Lăng Văn Trúc ở xóm Đông Mẫu, xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên). |
Theo bà Hạnh, công tác ATVSLĐ luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành các quy định về ATVSLĐ cho người lao động và chủ sử dựng lao động; tuyên truyền về những tác hại, hệ lụy khi để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh…
“Công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hoạt động hàng ngày, thường xuyên, liên tục của mỗi đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Với mỗi người lao động, ai cũng mong muốn có một môi trường làm việc an toàn. Song người lao động cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy trình về an toàn lao động. Đảm bảo an toàn cho mình chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp” - Phó Cục trưởng Chu Thị Hạnh chia sẻ.
Đánh giá về công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn, nhất là các hoạt động trong Thàng hành động về ATVSLĐ, ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, cho biết: Thời gian qua, các hoạt động thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ đã được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tiếp cận từ các hình thức truyền thống đến hiện đại, từ tĩnh sang động để chuyển tải thông tin tới người lao động và người sử dụng lao động. Trong bối cảnh ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, việc khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh là những thách thức và nguy cơ trong công tác ATVSLĐ.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên tặng quà gia đình anh Lăng Văn Trúc. |
Chính vì vậy, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác ATVSLĐ tại địa phương. Đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình...
Đối với tỉnh Thái Nguyên, năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động, toàn tỉnh đã xảy ra 102 vụ tai nạn lao động làm 104 người bị tai nạn lao động (giảm 36 vụ và 35 người bị nạn so với năm 2020). Trong đó, tai nạn lao động chết người là 15 vụ và 16 người chết (tăng 03 vụ và 04 người chết so với năm 2020). Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, năm 2021 thiệt hại do tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh là 2.917 triệu đồng và 2.048 ngày công phải nghỉ do tai nạn lao động.
Phó Giám đốc Phạm Hoàng Hải tặng quà gia đình anh Trần Mạnh Hiếu. |
Tại khu vực không có quan hệ lao động, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn lao động làm chết 08 người và 09 người bị thương nặng (tăng 5 vụ và giảm 2 người chết so với năm 2020).
Năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên giải quyết mới cho 129 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tổng chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ dưỡng sức, giám định thương tật, phòng ngừa rủi ro, mua bảo hiểm y tế trong năm trên 27 tỷ đồng, tăng gần 3 tỷ đồng so với năm 2020 (24,1 tỷ đồng)...
Nhiều tín hiệu đáng mừng về tình hình an toàn lao động Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, so với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số. Thống kê này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, tai nạn lao động chết người cũng như tai nạn lao động nặng. |
Nới trần làm thêm giờ song phải đảm bảo an toàn lao động Để hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, giải pháp nới trần giờ làm thêm đã được thông qua. Bài toán đặt ra là phải đảm bảo chế độ, quyền lợi cũng như an toàn cho người lao động trong bối cảnh có thể tăng giờ làm. |