Tết ở lại biên cương
Những lưu ý khi đi lại dịp Tết Nguyên đán Theo cảnh báo của giới chuyên gia, dịp Tết Nguyên đán tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. |
Nghĩa tình biên giới, hải đảo dịp Tết Nhâm Dần Nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức các hoạt động, chương trình hướng về biên giới, hải đảo quê hương. |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP La Lay gói bánh chưng tại lán, chốt trực Covid-19 ngay sát đường biên giới. |
“Vợ em căng quá”
Chiều cuối năm, cái lạnh vùng biên ngọt như dao cắt. Đây đó giữa núi rừng một vài cây đào nở sớm bung ra những nụ đào chắc khỏe hồng rực trên những nhành cây khô xù xì như cành gỗ mục. Xung quanh những chùm nụ chúm chím chuẩn bị cho một mùa xuân mới.
Trên chiếc xe đưa chúng tôi đi dọc biên giới, Trung tá Mai Văn Thể Chính trị viên đồn biên phòng Bắc Sơn (Móng Cái, Quảng Ninh) thỉnh thoảng lại giơ tay lên mũ kepi. Đó là lúc bên đường một lán trại của chốt biên phòng nằm lặng lẽ, những chiến sĩ bộ đội biên phòng nai nịt chỉnh tề đứng nghiêm làm nhiệm vụ.
Sau chuyến kiểm tra, Mai Văn Thể đăm chiêu, hơn 2 năm rồi, từ khi dịch Covid bùng phát, lực lượng biên phòng luôn trực chiến kiểm soát nghiêm ngặt đường biên giới. Lại thêm một cái “Tết Covid”, đồng nghĩa với việc 100% cán bộ chiến sĩ không về quê...
Trên bàn làm việc của Trung tá Mai Văn Thể một bản danh sách nhỏ và một chiếc bút. Mãi mà anh vẫn chưa hoàn thành được công việc của mình. Anh nhăn nhó cười: “Khó quá, có lẽ một trong những nhiệm vụ nan giải nhất của chính trị viên ở đồn biên phòng dịp cuối năm là nghiên cứu và đề xuất nguyện vọng cho anh em về nghỉ Tết.”
Từ thời điểm dịch Covid, chủ trương chung là 100% anh em ở lại trực. Tuy nhiên cũng vẫn có những trường hợp đặc biệt cần được xem xét. Hầu hết anh em đều không ai đề xuất chuyện nghỉ, nhưng mình sống với anh em chung một đồn nghe câu chuyện của mọi người mà khó nghĩ.
“Cả tuần nay vợ cậu ấy không nghe điện thoại nữa rồi...” đó là một câu chuyện Trung tá Mai Văn Thể được nghe “báo cáo” lại từ một người lính biên phòng, sau ca trực cùng đồng đội. Người đồng đội ấy mắc một “lỗi” với vợ đó là đã mấy lần hứa qua điện thoại “tháng tới anh về”. Nhưng cứ sắp sửa sang tháng thì lại thêm một ổ dịch, lại một đợt bùng phát, chỉ thị tăng cường tuần tra kiểm tra nghiêm đường biên giới, chống nhập cảnh trái phép lại được đưa ra, anh lại ngậm ngùi gọi điện về và cùng đồng đội khoác súng lên chốt tăng cường.
Sau nhiều lần hứa, anh gọi về, chỉ có các con nghe máy. Vợ anh, theo linh cảm của chính anh, chắc chắn cũng đang ngồi gần đó đang nghe chung điện thoại nhưng chị không tham gia trò chuyện cả gia đình như mọi khi.
“Vợ chồng em dạo này căng quá...” là câu nói mà Chính trị viên Mai Văn Thể không phải chỉ được nghe một lần. Mỗi người lính đều có gia đình, có vợ và các con hầu hết đang ở độ tuổi ăn học hình thành nhân cách. Họ rất cần lời động viên chia sẻ từ người chồng người cha. Nhưng dịch Covid quái ác chưa có tiền lệ liên tục khiến những người lính biên phòng thất hứa và trong nhiều gia đình như thế đã có những chuyện hờn giận “cấm vận”, chiến tranh lạnh. Dẫu biết rằng các chị “gây sức ép” cũng chỉ vì mong muốn sớm được thấy người chồng, cha của các con mình...
Trung uý Hồ Văn Thủ gói bánh chưng cùng đồng bào. |
Hết dịch bố về
Từ thời điểm dịch Covid bùng phát, lính biên phòng là một trong những lực lượng chủ lực chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch vùng biên giới, chống xuất nhập cảnh trái phép. Cũng từ thời điểm đó, người lính biên phòng xác định rõ ràng họ sẽ đón Tết ở đồn với đồng đội và các đồng bào dân tộc.
Nhưng đến thời điểm hiện tại dịch bệnh kéo dài đã hơn 2 năm, mỗi cán bộ chiến sĩ cả năm có khi chỉ tranh thủ về nhà được 1 lần. Trung tá Mai Văn Thể tâm sự: từ ngày dịch bệnh, nhớ nhất 2 câu nói mà các con mình hỏi nhiều nhất. Lúc ở đồn, gọi điện về, các con hỏi: bao giờ bố về. Tranh thủ lúc dịch đỡ căng chạy về thăm nhà, câu đầu tiên bao giờ các con cũng hỏi: bao giờ bố lại đi.
Thiếu tá Đỗ Văn Nhân, 42 tuổi, dày dạn sương gió với 26 năm là bộ đội biên phòng. Nói về gia đình, về Tết, anh vẫn nhẹ nhàng, đã là người lính biên phòng có ai lạ gì chuyện ăn Tết xa nhà. Không ít lần anh có 2 cái Tết liền ở lại với đồn. “3 Tết liên tiếp ở lại đồn thì chưa, nhưng năm nay dịch bệnh phức tạp thế này thì rất có thể...”
Quê ở Đông Hưng, Thái Bình nơi có người vợ và hai con trai thường xuyên liên lạc với anh qua điện thoại mỗi ngày. Anh Nhân bảo, đồng đội của mình nhiều người thành thất hứa với vợ con. Lần nào gia đình hỏi khi nào về, các anh đều chia sẻ dự định của mình. Dịch bệnh làm dự định của các anh nhiều lần đổ bể. Đến giờ anh em chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nếu được hỏi thì cứ trả lời: “Hết dịch bố sẽ về ngay với các con...” nói thế là các cháu cũng hiểu và cảm thông ngay với các anh bởi hàng ngày các cháu cũng liên tục được nghe thông tin về dịch bệnh...
Trung uý Hồ Văn Thủ tuần tra biên giới. |
Chờ giao thừa để chúc tết
Trung úy Hồ Văn Thủ, (người Pa Cô) quê ở xã A Túc (nay sáp nhập thành xã Lìa), huyện Hướng Hoá, Quảng Trị cách Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay 120 km.
Thủ nhớ lại Tết năm Tân Sửu (2021) là Tết đầu tiên khi mà dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên tất cả các Đồn biên phòng đều trực 100% quân số. “Chúng tôi vẫn háo hức đón tết, cùng nhau gói bánh chưng, chuẩn bị lương thực, thực phẩm đón tết, thậm chí còn vui hơn ở nhà. Nhiều anh em trong đơn vị còn bảo nhau xuống thôn, bản trên địa bàn đơn vị đóng quân để hỗ trợ bà con chuẩn bị Tết, gói bánh chưng, sửa sang lại nhà cửa, treo cờ tổ quốc…”
Trước khi bước vào đêm giao thừa, đơn vị cắt cử lực lượng ở đồn thường xuyên phối hợp tuần tra địa bàn 24/24. Còn lực lượng trực tại chốt cắm ở khu vực biên giới vẫn duy trì trực chốt. Khi giao thừa, Chỉ huy tập trung những đồng chí còn lại ở đơn vị vào Hội trường đón giao thừa, chúc tết và nhận lì xì đầu năm mới. Cùng nhau hát vài bài mừng xuân mới, khi trở về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã phân công.
Thủ bồi hồi nhớ lại, từ khi ra trường và được phân công công tác đã đón 2 Tết xa nhà, tới đây nữa là 3.
Với đồng bào Pa Cô một năm có hai kỳ nghỉ quan trọng là lễ A Gia (tục cúng lúa mới tổ chức vào tháng 12 dương lịch hàng năm) và Tết Nguyên đán. Lễ A Gia không chỉ ăn mừng mùa màng bội thu của dân tộc Pa Cô mà còn là dịp con cháu báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất bằng việc đi dọn dẹp lại mồ mả, báo cáo thành quả một năm qua thu hoạch được… Nhưng Tết Nguyên đán vẫn là đặc biệt nhất.
Thủ là con út trong gia đình có 6 anh em trai. Bố không may mất sớm khi anh mới 14 tuổi. Bảy năm sau, mẹ qua đời khi anh đang học ở Trường Đại học Trần Quốc Tuấn (Lục quân 1). Các anh của Thủ đều đã có gia đình riêng san sẻ để nuôi anh đi học suốt 9 năm.
Cha mẹ mất, các anh trai và chị dâu coi mình như con nên giao thừa thế nào Thủ cũng gọi điện về chúc mừng các anh chị và các cháu. Lần lượt gọi điện chúc Tết các anh các chị và cả các cháu xong cũng là lúc thủ trưởng và đồng đội kéo anh đi vào bản chúc Tết đồng bào. “Tết với đồng bào cũng vui, cũng ấm áp phần nào giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà nhớ người thân...” Trung úy Hồ Văn Thủ chia sẻ
Với người lính biên phòng ở đồn, có lẽ sau Tết khai xuân cũng sẽ là dịp đủ đầy nhất. Anh em nào được về thăm nhà lúc trở lại cũng đem theo chút quà đặc sản quê mình. Thế là mâm cỗ sẽ đủ hương vị các vùng miền: chai mắm tép, quả nem chua, đĩa bánh cáy, đĩa cá chỉ vàng... anh em góp lại cùng chung vui. Trung tá Mai Văn Thể - Chính trị viên đồn Biên phòng Bắc Sơn. |
Nghĩa tình biên giới, hải đảo dịp Tết Nhâm Dần Nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều tỉnh thành trên cả nước tổ chức các hoạt động, chương trình hướng về biên giới, hải đảo quê hương. |
Chăm lo tết cho người nghèo khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng Sáng ngày 19/1, Đồn Biên phòng Lai Hoà, BĐBP Sóc Trăng phối hợp với Đoàn xã Lai Hoà và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo tết cho người nghèo khu vực biên giới biển. |
Tặng quà Tết cho những hộ nghèo biên giới Ngày 15/1, tại bản Pu Hao, xã biên giới Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), Đồn Biên phòng Mường Lạn phối hợp UBND xã Mường Lạn và các đoàn thể tổ chức chương trình 'Xuân biên phòng ấm lòng dân bản', đem đến ngày hội cho nhân dân, chăm lo Tết cho người nghèo. |