Tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam
Dự hội nghị có 300 đại biểu gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông và cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các tỉnh, thành phố; đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và Công an các tỉnh, thành phố...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh vai trò của thông tin đối ngoại trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của nhà kinh doanh, tổ chức tài chính tiền tệ, Chính phủ các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử chống đối. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng hơn, nhằm đem lại cho nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, danh tiếng và hình ảnh tích cực của một quốc gia ngày càng được coi trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi hình ảnh quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến các quan hệ quốc tế mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước. Do vậy, việc tạo dựng, quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia ngày càng được các nước chsu trọng như một chiến lược sức mạnh mềm trong môi trường quốc tế nhiều biến đổi.
"Hội nghị sẽ tập trung hướng dẫn, trao đổi, tìm ra những mô hình, giải pháp hay về quảng bá, truyền thông hình ảnh quốc gia; nghiên cứu cứu chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện từ Trung ương đến các cấp cơ sở", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Các đại biểu cũng được nghe các báo cáo viên từ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Ngoại giao… trình bày chuyên đề về thông tin đối ngoại như: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Đảng trong tình hình mới; Tình hình thế giới, khu vực hiện nay và chính sách đối ngoại của Việt Nam; Hướng dẫn truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương theo cách làm mới…
Trình bày về vai trò thương hiệu địa phương trong tổng thể phát triển thương hiệu quốc gia, Chủ tịch Tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh cho biết: Sức mạnh của thương hiệu quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh của thương hiệu các địa phương/thành phố nằm trong mỗi quốc gia. Ngày nay, hơn 2,7 triệu thành phố nhỏ, 3000 thành phố lớn và 455 đại đô thị đang tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu địa phương cạnh tranh toàn cầu. Paris lãng mạn, Milan phong cách, New York năng động, Washington quyền lực, Tokyo hiện đại, Lagos tham nhũng, Barcelona văn hoá, Rio vui vẻ. Tại Việt Nam, một số địa phương đã được định vị thương hiệu, như: Hà Nội - thành phố sáng tạo, trung tâm thiết kế; Huế - thành phố của nghệ thuật truyền thống và di sản; Yên Bái (và vùng Tây Bắc) - đa dạng sắc màu nguyên bản; Quảng Ninh - thành phố của du lịch MICE bên Vịnh Hạ Long; Đà Lạt - thành phố du lịch lãng mạn
Để phối hợp đồng bộ giữa chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia với mục tiêu xây dựng thương hiệu các địa phương ở Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh đưa ra một số khuyến nghị. Theo đó, mỗi tỉnh thành hay khu vực phải xây dựng cho được một chiến lược thương hiệu địa phương; xây dựng các chính sách thúc đẩy và kế hoạch hành động duy trì và phát triển những đặc trưng riêng có của từng địa phương, biến chúng thành những giá trị cảm nhận rõ ràng và mạnh mẽ đối với các đối tượng mục tiêu. Ở cấp quốc gia, cần nghiên cứu và hoạch định một chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia, với các giá trị cạnh tranh nổi bật, ở bình diện chung của đất nước kết hợp với thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng những chiến dịch truyền thông quảng bá, hướng đến những nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể; phối hợp triển khai cùng với chiến dịch quảng bá thương hiệu địa phương phù hợp, hoặc lồng ghép các nội dung quảng bá thương hiệu địa phương trong các chiến dịch quốc gia
Đại diện một số đơn vị, địa phương đã giới thiệu những cách làm hay, kinh nghiệm thực tế trong triển khai công tác đối ngoại, như: đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang giới thiệu về phát huy vai trò, hiệu quả của truyền thông số trong quảng bá, lan tỏa hình ảnh Hà Giang; đại diện Công ty Vinanutrifood chia sẻ kinh nghiệm kết nối quảng bá hình ảnh các địa phương tại Vietnam House, thành phố Bằng Tường, Trung Quốc...