Tập đoàn Điện lực Việt Nam đốc thúc tiến độ các dự án sử dụng vốn NSNN
Ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2048/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; trong đó tổng vốn ngân sách nhà nước giao EVN là 920 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án cấp điện nông thôn.
Cụ thể, Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Nghệ An là 280 tỷ đồng; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lạng Sơn là 290 tỷ đồng; Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Cà Mau là 350 tỷ đồng.
Cuộc họp rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư công theo kế hoạch năm 2022 của EVN.
|
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVN đã giao kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, liên tục đôn đốc các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thiện thủ tục liên quan để giải ngân hết nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Tại buổi làm việc, EVNNPC và EVNSPC báo cáo chi tiết về tình hình triển khai giải ngân vốn đầu tư công và những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.
Ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN yêu cầu các ban chuyên môn của EVN, EVNNPC và EVNSPC cần tiếp tục sâu sát, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh công tác giải ngân, tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện hơn 335.000 tỷ đồng
Phát biểu tại Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” do Báo Nhân dân kết hợp tổ chức ngày 5/9, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết: Hiện nay phần lớn cơ sở hạ tầng hệ thống điện truyền tải do EVNNPT quản lý vận hành. Cụ thể, có 178 trạm biến áp 220-500kV với tổng dung lượng gần 112.000MVA, hơn 28.600 km đường dây. Về các dự án lưới điện trọng điểm, dù gặp nhiều vướng mắc, nhưng EVNNPT cũng đưa vào nhiều dự án như: đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2, các công trình giải tỏa công suất Nhà máy Thủy điện Lai Châu, các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn, Hải Dương, Sông Hậu. Đặc biệt, EVNNPT đã nỗ lực đưa vào các công trình giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Cùng đó, là các dự án đảm bảo cung cấp điện cho các thành phố lớn, trung tâm phụ tải, các khu kinh tế trọng điểm.
EVN đốc thúc các dự án xây dựng đường dây truyền tải điện đẩy nhanh tiến độ (ảnh minh họa) |
Với nhu cầu đầu tư tới 2030 và tầm nhìn đến 2045, căn cứ theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải là rất lớn để phục vụ phát triển kính tế xã hội của đất nước. Theo đó, trong 10 năm từ 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện là hơn 335.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 35.000 tỷ đồng/năm.
Đại diện EVNNPT cho hay, về chủ trương của Đảng, Nhà nước, hiện nay đã cho phép thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải, góp phần chia sẻ về nguồn lực để đầu tư xây dựng lưới điện. Tuy nhiên, một số văn bản quy định dưới luật, quy định hướng dẫn chưa cụ thể về phạm vi đầu tư giữa chủ đầu tư nhà nước với chủ đầu tư bên ngoài; chưa có cơ chế giá với các chủ đầu tư, nên vẫn gặp vướng mắc trong triển khai thực hiện xã hội hóa đầu tư truyền tải.
Cũng phát biểu thảo luận tại tọa đàm, ông Đặng Huy Cường – Thành viên HĐTV EVN và ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong nhiều năm qua, trong vai trò là chủ đầu tư, EVN và EVNNPT luôn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc đầu tư xây dựng và vận hành các công trình truyền tải điện. Những vướng mắc chính hiện nay đối với lưới truyền tải không phải là nguồn vốn, mà là những vấn đề liên quan đến mặt bằng dự án, một số cơ chế chính sách liên quan, nhất là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
EVN được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ chính trị trong việc đầu tư và vận hành lưới điện, trong đó bao gồm cả mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô nên giá/phí truyền tải hiện nay cũng phải đáp ứng cả mục tiêu đó chứ không phải chỉ xem xét thuần túy về mặt kinh doanh có lợi nhuận.
Về chủ trương, EVN cũng rất ủng hộ thành phần ngoài tham gia xã hội hóa đầu tư lưới truyền tải, tuy nhiên điều kiện nào và ranh giới nào cho phép xã hội hóa để đảm bảo quốc phòng – an ninh năng lượng cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp cũng có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là về mặt bằng công trình và phục vụ thi công, kể cả giai đoạn đầu tư và vận hành lưới truyền tải điện.
PV